Suy ngẫm về cái sự “hành… là chính”? (Bài 2)
>> Suy ngẫm về cái sự “hành… là chính”? (Bài 1)
Năng lượng Mới số 291
(Tiếp theo và hết)
II. Nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý
Nguyên tắc này được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các công chức làm việc tại các cơ quan này. Nguyên tắc đó được hiểu một cách đơn giản như sau: mọi quy trình hành chính, nhà nước đều quy định và thông báo công khai quy trình, thời gian thực hiện quy trình và các điều kiện tối thiểu của các bên tham gia quan hệ hành chính; cơ quan quản lý hành chính nhà nước mang quyền đồng thời phải hiểu là có nghĩa vụ đáp ứng các thỉnh cầu của công dân, của tổ chức.
Công dân và các tổ chức có nghĩa vụ đáp ứng điều kiện tối thiểu đã quy định (nếu liên quan đến tài liệu, giấy tờ thì cơ quan quản lý hành chính có mẫu sẵn) và hết thời hạn quy định, cơ quan nhà nước không ban hành một trong ba loại văn bản: đồng ý, không đồng ý, hoặc yêu cầu bổ sung, hướng dẫn thủ tục thì công dân hoặc tổ chức có quyền thực hiện theo đúng điều mà mình đã thỉnh cầu coi như cơ quan hành chính đã đồng ý. Các phát sinh tiếp theo là hành vi đã thực hiện mà không được cơ quan quản lý trả lời của công dân được coi là hành vi hợp pháp. Mọi hậu quả pháp lý cơ quan hành chính được thỉnh cầu mà không đáp ứng phải gánh chịu.
Công bằng mà nói, hầu hết việc giải quyết các quan hệ pháp luật giữa một bên là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, một bên là công dân và tổ chức khác ở nước ta đã được quy trình hóa, thông báo các điều kiện cần thiết khi một bên mong muốn tham gia quan hệ và quy định thời hạn để thực hiện quy trình. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không đúng như vậy.
Nghiêm trọng hơn, thời hạn để giải quyết, nhất là các giải quyết về khiếu nại, tố cáo thì hầu như cơ quan quản lý hành chính không tôn trọng. Từ không tôn trọng về thời hạn dẫn đến nhiều hậu quả: nhân dân suy diễn và phải tìm cách hối lộ cho nhân viên công quyền để họ phải làm một việc lẽ ra họ phải làm (!); Nhân viên công quyền dựa vào tâm lý nói trên để tạo cửa quyền. Và, cuối cùng là làm cho nhân dân mất hết lòng tin vào cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý là, hầu hết các quy định về thời hạn thực hiện các quy trình hành chính đều bị vi phạm. Sự vi phạm này không chỉ ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà ngay cả cơ quan tư pháp cũng vậy. Thể hiện rõ nhất là các vụ án hành chính, dân sự, kinh tế… thời hạn giải quyết đã quy định trong luật tố tụng đều bị bỏ qua. Lâu dần, các cơ quan này không coi là một ràng buộc pháp luật.
Đáng sợ nhất là những vụ việc do cả một hệ thống làm sai, khi phải giải quyết, cấp trên đùn đẩy cho cấp dưới và ngược lại. Cuối cùng các cấp đều im lặng để công nhận hành vi trái pháp luật. Tại khu tập thể H312, đường Nguyễn Cơ Thạch, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cơ quản quản lý xây dựng tại địa phương đã để cho nhiều ngôi nhà có diện tích rất nhỏ mọc lên, có ngôi nhà do hoàn toàn lấn chiếm đất mà có. Ngôi nhà nhỏ thì khi cấp giấy chứng nhận, chính quyền lấy hình chiếu của ô văng để tăng diện tích đất, ngôi nhà lấn chiếm đất, chính quyền cũng hợp thức hóa. 8 năm công dân bị xâm phạm quyền lợi do các hành vi trên khiếu nại, chính quyền im lặng. Thậm chí, các cơ quan ngôn luận cũng bị né tránh. Những việc không được im lặng thì chính quyền im lặng! Không mấy người tin rằng, việc làm sai trái này chỉ do thiếu trách nhiệm.
Chỉ cần áp dụng nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý và công chức phía cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức xử lý tương ứng thì ít nhất xã hội ta có thể loại bỏ được 60-70% những vụ tham nhũng nhỏ thông qua phong bì.
III. Nguyên tắc trách nhiệm người đứng đầu
Người đứng đầu các cơ quan hành chính chỉ bị xử lý chủ yếu khi có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm các quy phạm đạo đức. Nước ta hầu như chưa xử lý các hành vi đưa ra các quyết định hành chính sai hoặc không ban hành quyết định hành chính mà lẽ ra các quyết định hành chính phải ban hành hoặc không thực hiện đúng quy trình, thời hạn… là các cửa thoát trách nhiệm của công chức mang quyền hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính, nghiêm trọng hơn là những người này coi thường các quan hệ hành chính mà mình thay mặt cho nhà nước tham gia; giải quyết các quan hệ hành chính một cách tùy tiện và cuối cùng là không lựa chọn được những công chức hành chính và những người đứng đầu các cơ quan hành chính đủ năng lực và chuyên nghiệp.
Do thiếu năng lực và không chuyên nghiệp dẫn đến người đứng đầu hoặc người được ủy quyền thay mặt nhà nước giải quyết các quan hệ hành chính không quyết đoán. Họ giải quyết các quan hệ hành chính theo kiểu quyết định dựa theo số đông. Để có đủ chứng cứ cho việc dựa theo đám đông, họ phải liên tục và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, triệu tập rất nhiều cán bộ của các ngành chuyên môn để nghe phát biểu, giữ biên bản cẩn thận đối phó với công dân và đối phó với cơ quan cấp trên.
Những quy định hành chính sai đôi khi gây những hậu quả về vật chất nghiêm trọng. Sau khi Luật Bồi thường Nhà nước được ban hành, những công chức mang quyền phải chịu hậu quả pháp lý về việc ban hành quyết định sai. Phương pháp bồi thường của chúng ta là ngân sách bồi thường và công chức làm sai bồi thường cho ngân sách. Những quyết định hành chính sai làm thiệt hại cho công dân nhiều tỉ đồng thì công chức làm sai phải bồi thường bằng giải pháp trừ dần lương. Lương một đời công chức cũng không thể bù đủ bồi thường. Ở các nước dân chủ tư sản, người mang quyền hành chính nhà nước thường là người có tài sản. Ở nước ta, về mặt lý thuyết, người mang quyền nhà nước là người vô sản. Vì thế giải quyết trách nhiệm về vật chất là việc xung đột giữa lý luận và thực tiễn.
Thông điệp của Thủ tướng về cải cách hành chính là quyết liệt, những mục tiêu là rõ ràng. Tuy vậy, xây dựng một bộ máy hành chính mới nhằm đạt được những tiêu chí mà Thủ tướng nêu ra là cam go vì hệ thống quản lý hành chính nhà nước đã có “một quán tính”, một sức ỳ quá lớn. Mà quán tính ấy, sức ỳ ấy lại mang tính phe nhóm che đỡ cho nhau (!).
Vũ Hoàn Nguyên
-
Đề xuất bổ sung 9 thủ tục hành chính mới về thị trường carbon
-
Thủ tục thông thoáng, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau thảm họa thiên tai
-
Từ 1/7, người dân sẽ sử dụng căn cước điện tử
-
Hà Nội: Kết quả chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước sẽ được công khai
-
Nhiều trang web của cơ quan nhà nước bị chèn quảng cáo độc hại
-
Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Người lao động là "chiến sĩ tiên phong" trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo
-
Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông phối hợp xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng