Sự thật về ngải thiêng (Kỳ 2)

06:51 | 02/05/2013

17,334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngải thực chất là vô số những loài thảo mộc sống hoang dại nơi thâm sơn cùng cốc. Nó chẳng có tác dụng gì nếu không được một pháp sư hô thần và truyền công năng đặc biệt.

>> Sự thật về ngải thiêng (Kỳ 1)

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

Công phu luyện ngải

Với mong muốn được nhìn thấy cây ngải thực sự, tôi đã nhờ người quen giới thiệu tới gặp ông Trương Văn Phàn, 64 tuổi ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, Hòa Bình, người được mệnh danh là vua ngải xứ Mường. Khác với tưởng tượng của tôi, ông Phàn không hề có dáng dấp cổ quái mà trái lại, trông ông như người giáo viên già. Ông Phàn quả quyết rằng, ông nuôi ngải, nghiên cứu về ngải chỉ mang tính chất… sưu tầm.

Theo lý giải của ông Phàn, ngải thực chất là vô số những loài thảo mộc sống hoang dại nơi thâm sơn cùng cốc. Nó chẳng có tác dụng gì nếu không được một pháp sư hô thần và truyền công năng đặc biệt.

Chuyện nuôi ngải thì cầu kỳ vô cùng và có những nguyên tắc khắt khe. Cây ngải khi ấy không phải là thực vật nữa mà là một giống động vật cần cho ăn, cho uống đàng hoàng.

Thiếu tướng Chu Phác đã có thời gian dài nghiên cứu về bùa ngải

Ông Phàn có gốc mê tâm ngải đã nuôi luyện hơn 10 năm nay và giống ngải này vô cùng khó tính. Thường thì hằng ngày phải cho ngải uống 1 ly nhỏ nước hoặc một chén nhỏ cháo trắng loãng. Khi ngải còn nhỏ thì mỗi tháng phải cho ngải 2 lần ăn trứng gà. Không nên cho ngải ăn trứng gà công nghiệp. Cách cho ăn cũng khá cầu kỳ. Đập nhẹ hai đầu quả trứng rồi tách 1 lỗ nhỏ, dùng chân nhang chọc mỗi đầu một lỗ nhỏ, bới lên 1 chút đất rồi chôn quả trứng theo chiều thẳng đứng.

Ngải rất cần mùi nhang và hơi người nên mỗi ngày phải thắp cho ngải 1 cây nhang và hà hơi cho ngải. Không nên để ngải gần trẻ con, không nên cắm các kim loại, không được bón cho ngải bằng bất kỳ một loại phân hóa học nào. Ông Phàn bảo: “Ngải cũng giống như đứa trẻ, cần sự thương yêu chăm sóc. Nếu đã có 1 chậu ngải thì nên dành tình cảm cho nó”.

Công đoạn luyện ngải mới thật công phu. Ông Phàn đào củ ngải ưng ý lên, đem rửa sạch và phơi sương, nắng cho thụ khí âm dương. 3 ngày sau thì đem vào nhà luyện. Ông Phàn lần kiếm được 7 cái đầu ông táo bỏ hoang ở chùa rồi đem về băm nhuyễn trộn với đất và cho ngải vào ủ. Sau đó, ông Phàn lấy một quả trứng gà, dùng mực đỏ vẽ thêm chữ bùa và ủ theo củ ngải. Lễ vật để cúng ngải gồm: 3 quả trứng gà sống, 1 đĩa gạo muối, 1 ly nước lạnh, 3 chén rượu trắng, 1 đĩa ngô rang.

Ông Phàn say sưa kể về phương pháp luyện ngải bí truyền của mình. Tôi bắt đầu cảm thấy những yếu tố hoang đường, khó tin trong lời nói của ông. Ông bảo: Với những cây ngải già, tinh luyện khoảng 21 ngày liên tục thì ngải đã biết chào thầy, khi thầy niệm chú một câu hỏi thăm, lá ngải sẽ đong đưa qua lại về hướng thầy mặc dù lúc ấy trời không có gió. Cứ luyện như thế cho đến khi thấy như có bóng trắng thoáng ẩn hiện là ngải đã có thần, trong thời gian luyện ngải, ông thầy tuyệt đối không được ăn tỏi sống. Luyện càng lâu thì ngải càng mạnh.

Khi đã hoàn thiện thì thầy ngải chọn ngày thu ngải, làm lễ và đào gốc lấy ngải củ đem vào nhà. Việc đầu tiên sau khi rửa sạch là thầy ngải phải cắn 1 củ nhai nuốt ngay, vì có như vậy ngải nó mới mến và phục tùng thầy lâu dài.

Nói về pháp lực của ngải, ông Phàn khẳng định: “Ngải rất nhạy, chắc ít nhiều trong chúng ta có nghe qua những mẩu chuyện ngày trước ở Việt Nam đại khái như: có người xách làn đi chợ, tự nhiên có người xa lạ đến nói vài câu, cô ta bỗng đờ đẫn lột tháo dây chuyền, bông tai... cho người xa lạ đó. Chừng 10-15 phút sau mới hoàn hồn thì người kia đã đi mất rồi! Ông Phàn bảo: “Đó chính là công năng của ngải, bùa không thể làm con người mất cả hồn vía lập tức như vậy. Còn về mặt lý tính thì ngải nó đơn giản như ta nuôi con chó, con mèo vậy thôi, cho nó ăn đều, vỗ về vài câu mỗi ngày là sai nó làm gì nó làm đó, không hề phân biệt thiện, ác”.

Ông Phàn có niềm tin tuyệt đối về những công năng dị biệt của ngải từ nhiều năm nay. Nghe cách ông phân tích, nhìn cách ông chăm chút cho từng gốc ngải, tôi có cảm giác rằng, hình như có chút hoang tưởng nào đó. Rõ ràng ngải vốn đã huyền bí, nhưng tôi không thể tìm thấy một căn cứ logic nào trong việc luyện ngải của ông Phàn. Khi tôi đề nghị được mang một mẫu cây ngải về để làm mẫu nhờ thẩm định thì ông Phàn đã thẳng thừng từ chối.

Ngải yêu có chứa thành phần kích dục?

Như vậy, có thể thấy rằng, thế giới ngải thực ra cũng không quá huyền bí như nhiều người vẫn tưởng. Và quả thực, những truyền thuyết mà người đời thêu dệt lên về ngải cũng rất khó tin. Thật khó để đi đến tận cùng sự thật về ngải, phủ nhận hay khẳng định công năng đặc dị của ngải cũng thật là khiên cưỡng. Trong khuôn khổ có thể, Thiếu tướng Chu Phác đã đưa ra một cách lý giải về ngải và chúng tôi cho rằng, đó là một minh chứng có lý nhất từ trước đến nay. Lý giải ấy có thể là điểm khởi đầu để lý giải một số công năng khác của ngải được truyền tụng trong dân gian.

Gốc ngải đen trong vườn nhà ông Phàn

TS Chu Phác nói: Ở đâu cũng thế, rừng nào cũng vậy, những vùng thâm sơn cùng cốc vốn dĩ đã mang trong mình những điều bí mật hoang sơ. Đặc biệt, có những loại thảo dược được đồng bào dân tộc phát hiện thấy và sử dụng theo phương pháp bí truyền. Nó có thể trở thành thuốc tiên hoặc chất độc giết người hàng loạt. Cây ngải - loại dược liệu chính để làm bùa yêu hay bùa độc mà những người dân tộc thiểu số sử dụng có rất nhiều loại và được pha trộn thêm với một số thứ dược liệu khác.

Ví dụ cây ngải rọm có công dụng tránh thai, phá thai, chữa bệnh máu trắng ở phụ nữ. Nhân sâm Ngọc Linh nổi tiếng vốn được phát hiện từ loại ngải được đồng bào gọi là cây “thuốc dấu”. Nói cụ thể về cây ngải dùng làm bùa yêu, thực ra, giống cây này có chứa chất kích thích tình dục. Không hiểu bà con dân tộc bào chế thế nào và có thủ thuật đặc biệt gì mà ngải sẽ để lại “mùi” và “mùi” ấy sẽ kích thích sự “thèm muốn” tình dục đến mức khó cưỡng cho đối tượng “bị hại”. Tôi hỏi vặn lại rằng, thế những người chồng trúng bùa có thể yêu thương, chung sống với vợ cả đời, họ tỉnh “thuốc mê” thì phải ù té mà chạy chứ. Thiếu tướng Chu Phác khẳng định: Bùa ngải chỉ là xúc tác ban đầu nối kết hai người, còn về sau thì như quy luật hôn nhân gia đình, sự gần gũi sẽ kết dính thành tình nghĩa, thành hạnh phúc, lúc đó thì không cần ngải nữa”.

Tuy nhiên, chuyện bùa ngải đã bị huyền bí hóa và nó trở thành một phần trong đời sống tâm linh của những bộ tộc thiểu số. Chính vì bí truyền nên các loại ngải cũng được bao phủ lớp sương huyễn hoặc. Các “thầy cúng, thầy pháp” lợi dụng ngải, đánh vào lòng cả tin của đồng bào, tạo nên những hủ tục cúng ma, trừ tà hòng đánh vào lòng mê tín của đồng bào... Một số đối tượng còn lợi dụng bùa ngải gây rối trật tự xã hội, kéo lùi đời sống của đồng bào.

Chỉ đáng tiếc là, việc nghiên cứu khoa học để khai thác nguồn thảo dược quý hiếm, bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số các khu vực trên vẫn chưa được thực hiện nhiều và có hệ thống. Nếu làm được điều này, những loại dược liệu mà bà con đã dùng để làm bùa ngải sẽ là những nguồn dược liệu vô giá!

V.M.T