Sự thật "nghe hát chữa bệnh" tại Vĩnh Phúc

07:00 | 23/03/2014

13,321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, tại Viên Du, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc nổi lên một sự kiện gây chấn động xã hội, đó là việc xuất hiện tin đồn về một “thần y” giáng thế, chỉ cần bằng “mắt nhìn và hát” là có thể chữa được bách bệnh từ thông thường đến nan y. Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Khanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học UIA, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam về hiện tượng đặc biệt này.

Năng lượng Mới số 306

PV: Thưa tiến sĩ, gần đây dư luận xã hội sôi động về “hiện tượng bà Phan Thị Tranh hát chữa bệnh” ở Vĩnh Phúc. Xin tiến sĩ cho biết quan điểm của mình như thế nào về vụ việc của “thần y” này?

TS Vũ Thế Khanh: Chúng tôi chưa đi vào khảo nghiệm chính thức, nhưng đã quan sát hiện tượng này. Và điều thú vị là cán bộ của các cơ quan chức năng địa phương tỉnh Vĩnh Phúc (Sở Văn hóa, Sở Y tế...) cũng cùng tham gia trong vai “bệnh nhân” để xem xét.

Hóa ra, khi thấy các “bệnh nhân” hoặc người lạ xuất hiện, là có nhiều “tình nguyện viên” hối hả chạy đến và đưa cái tờ phiếu để bệnh nhân “kê khai bệnh tật”.

Những người dân chờ được chữa bệnh ở nhà bà Tranh

PV: Được biết nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trưởng bộ môn Thông tin Dự báo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người) ca ngợi, cổ súy và công nhận “thần y” rồi, nhưng tiến sĩ vẫn còn hoài nghi?

TS Vũ Thế Khanh: Mỗi nhà nghiên cứu đều có một cách nhìn nhận và phương pháp kiểm định riêng.

Vì tôn trọng các nhà nghiên cứu khác, nên chúng tôi xin miễn bình luận về kết quả mà ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã công bố.

Hơn nữa, cách khảo nghiệm của chúng tôi hoàn toàn khác hẳn với cách tiếp cận của ông Giác Hải, do vậy, đương nhiên chúng tôi không sử dụng các kết quả ấy, mà chỉ căn cứ vào kết quả khảo nghiệm của chính 3 cơ quan chúng tôi (là Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống).

PV: Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng: “Để việc chữa bệnh của bà Tranh được chứng minh khách quan thì bà Tranh nên cử người làm một cuốn sổ thống kê như là bệnh án của bệnh nhân, ghi tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng người bệnh trước và sau khi đến chữa bệnh tại nhà...”. Thưa tiến sĩ, cách “đạo diễn” của ông Giác Hải có đảm bảo tính “khách quan khoa học” và có đúng với quy định về khám chữa bệnh của ngành y hay không?

TS Vũ Thế Khanh: Cách đạo diễn ấy là quyền của ông Giác Hải, nhưng hoàn toàn không dính dáng với chủ trương của cơ quan chúng tôi.

Đứng trên quan điểm “phương pháp nghiên cứu” thì 3 cơ quan chúng tôi chưa bao giờ đồng thuận với cái cách “thẩm định” theo kiểu “cho thí sinh tự ra đề, tự làm ở nhà và tự chấm rồi đến báo cáo kết quả cho hội đồng thi” như vậy.

Tôi đã trao đổi với một số chuyên gia ngành y, họ rất bức xúc và phản ứng gay gắt về cách làm này.

Phản khoa học ở chỗ: Bà Tranh lại tự “cử người ra ghi chép thống kê kết quả chữa bệnh cho chính bà ta” thì thật là “tiếu lâm”, vừa đá bóng vừa thổi còi thì sao gọi là “chứng minh khách quan” được!!! 

Cách làm này không chỉ xúc phạm quá đáng đến ngành y mà còn tạo khe hở cho các “chân gỗ” giả danh nhà khoa học, làm mồi cho những tin đồn nhảm,  gây mất lòng tin đối với các thầy thuốc chân chính.

Vi phạm pháp luật ở chỗ: Ngành y là ngành kinh doanh có điều kiện. Muốn hoạt động trong ngành này thì không chỉ cần có đủ tài chính, mà còn phải có đủ chuyên môn phù hợp và phải có trang thiết bị tương ứng. 

Người không hề có chuyên môn về ngành y như bà Tranh mà lại có thể tùy tiện công bố khả năng chữa bệnh được sao? Chẳng những thế, bà Tranh lại còn  có thể tự “lập hội đồng thẩm định” cho chính mình (gồm những “đệ tử” chẳng hiểu biết gì về y học) thì có khôi hài không?

PV: Nhưng biết đâu, cũng có thể có một đấng siêu nhiên đặc biệt nào đó giúp cho bà này có khả năng “chữa bệnh bằng hát hò” thì sao, thưa tiến sĩ?

TS Vũ Thế Khanh: Trên thế giới, những chuyện chữa bệnh thần kỳ bằng khả năng đặc biệt (bằng năng lượng tâm thức, bằng âm nhạc, bằng hội họa, bằng quang năng, bằng liệu pháp tâm lý, ám thị, bằng hương vị...) không phải là hiếm, thậm chí ngay cả khi trì tụng những bài kinh Bát Nhã của nhà Phật cũng có thể tiêu trừ được nghiệp chướng.

Nhưng muốn có khả năng ấy thì phải có đạo lực như các chư Phật, Bồ Tát hoặc các bậc có đạo hạnh tu hành thâm hậu và trí tuệ siêu việt mới có thể làm được.

PV: Nhưng như họ nói, biết đâu bà Tranh được “thánh thần cho ăn lộc” thì sao?

TS Vũ Thế Khanh: Trời Phật hay thánh thần gì chăng nữa cũng phải tuân theo quy luật Nhân - Quả. Phải tích hợp đầy đủ Công Đức Lực thì thánh thần mới “cho ăn lộc” được. Thánh thần là các bậc cao minh, chẳng có vị nào lại dung túng cái trò mê tín dị đoan, phi nhân quả cả. Tôi rất dị ứng với cái luận điệu “thánh cho ăn lộc” nhằm che đậy đi những cái phi lý, tù mù, đổ mọi lý do cho thánh thần. 

PV: Thưa tiến sĩ, vậy theo ông, các cơ quan chưc năng nên ứng xử như thế nào về khả năng của bà Tranh?

TS Vũ Thế Khanh: Chúng tôi chỉ là cơ quan nghiên cứu khoa học chứ không có quyền ra quyết định đình chỉ hoặc cấp phép cho bà Tranh hoạt động chữa bệnh. Việc đó thuộc về ngành y.

Về ý nghĩa khoa học, chúng tôi chưa có kết luận gì về khả năng của bà Tranh (bởi chưa trực tiếp khảo nghiệm), nhưng chúng tôi không ủng hộ cái cách rải tờ rơi để lấy “phiếu đánh giá...” như vừa rồi, vì cách làm như vậy là phản hoa học, xúc phạm ngành y và rất có hại cho văn hóa, an ninh xã hội.

Nếu muốn biết bà Tranh có khả năng thật sự hay không, chúng ta phải khảo nghiệm một cách công bằng theo đúng quy trình của thẩm định khoa học và chỉ có như vậy mới có thể tránh được cái tội truyền bá mê tín dị đoan, hoặc tội bỏ sót nhân tài.

Cụ thể, phải làm như sau:

1- Tất cả các ca khảo sát “chữa bệnh” do bà Tranh phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ ngành y và của hội đồng khoa học của một cơ quan nghiên cứu có tín nhiệm.

2- Ai muốn xin khảo nghiệm chữa bệnh đều phải đến phòng khám tại bệnh viện có uy tín, để các bác sĩ kiểm tra khám sức khỏe “đầu vào” và kiểm tra sức khỏe “đầu ra”.

3- Bệnh viện (hoặc cơ quan thẩm định) sẽ bố trí một căn phòng, các bệnh nhân  tha hồ được nghe bà Tranh “hát” theo phác đồ lập sẵn. Sau liệu trình, các bác sĩ sẽ khám lại xem bệnh thuyên giảm như thế nào.

4- Trong suốt quá trình khảo nghiệm, bệnh nhân phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để đề phòng sự cố, không được uống bất cứ loại thuốc gì, không được áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào khác.

5- Mọi kết quả khảo nghiệm đều có chữ ký của các chuyên gia ngành y và có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện.

6- Cuộc khảo nghiệm sẽ tiến hành cho ít nhất là 100 đối tượng tình nguyện thì mới có thể đánh giá kết quả theo tỷ lệ phần trăm.

PV: Nếu bà Tranh xin tình nguyện thẩm định theo phương thức khoa học, cơ quan ông có sẵn sàng tham gia không?

TS Vũ Thế Khanh: Nếu bà Tranh đến đăng ký khảo nghiệm tại UIA thì chúng tôi sẵn sàng thẩm định. Đương nhiên chúng tôi sẽ mời thêm chuyên gia của Viện Khoa học Hình sự, các chuyên gia ngành y ở các bệnh viện lớn để tham gia giám sát về chuyên môn, mời Sở Văn hóa và Sở Y tế Vĩnh Phúc cùng tổ chức theo dõi thì chắc chắn sẽ đảm bảo được độ tin cậy, tính khách quan khoa học, khiến cho mọi người đều “tâm phục khẩu phục”, thỏa mãn được sự quan tâm mong đợi của dư luận xã hội, “khuyến khích và nâng đỡ tài năng mà không để cho các phần tử mê tín dị đoan lợi dụng”.

PV: Cảm ơn tiến sĩ!

Ngô Vũ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc