Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Có thể bị phạt tù 20 năm

07:00 | 04/04/2016

603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Riêng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù.  

Kẽ hở quản lý

Trước thông tin hơn 6 triệu con heo chứa chất tạo nạc đang được xuất bán trên thị trường khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng, ngày 23-3-2016 tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) đã có buổi tọa đàm cùng một số đơn vị liên quan nhằm đánh giá thực trạng và đề ra các hướng giải pháp cho tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

co the bi tu 20 nam
Sản xuất, buôn bán chất cấm dùng trong thực phẩm có thể bị phạt tù lên đến 20 năm

Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20-6-2002 của Bộ đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng salbutamol (còn gọi là chất tạo nạc) trong sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.

Được biết, trong giai đoạn 2014-2015, có khoảng 20 cơ sở sản xuất thuốc được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 9.140kg chất salbutamol về Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng C49 đã xác minh, có đến 6.268kg salbutamol không được dùng để sản xuất dược mà được các công ty dược bán ra ngoài trái quy định.

Thông thường, 1kg sabultamol có thể pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi ngày một con heo tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Chất cấm này lại chỉ sử dụng trong tháng cuối trước khi heo xuất chuồng để “kích” nạc. Nếu không loại trừ khả năng hơn 6 tấn salbutamol đã được dùng trong chăn nuôi thì trên thị trường sẽ có đến 600 ngàn tấn thức ăn gia súc có chất này - đủ để "tạo nạc" cho khoảng 6 triệu con heo!

Việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng salbutamol đã được quy định tại các văn bản pháp luật như Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quyết định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược… Nhưng lại không có văn bản nào quy định sau khi cấp phép nhập khẩu thì phải cộng đuổi, trừ lùi và giám sát các sản phẩm này sản xuất ra là bao nhiêu. Salbutamol nhập về giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/cân, nhưng giá bán tới tay người chăn nuôi là 15 triệu đồng/cân. Chính vì lợi nhuận “khủng” như vậy, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong quy định quản lý Nhà nước để xin nhập khẩu về sản xuất thuốc nhưng lại tuồn ra ngoài cho người chăn nuôi.

Siết chặt kiểm soát vẫn... chưa chắc

Ngay sau khi có thông tin về chất salbutamol bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích chất này. Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20-11-2015 thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol; thực hiện kiểm tra đột xuất các đơn vị nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu salbutamol, phát hiện đơn vị sai phạm để xử phạt, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cục C49 đề nghị điều tra, xử lý.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã đề xuất bổ sung vào Luật Dược sửa đổi nội dung: đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Đại tá Trần Trọng Bình - Phó cục trưởng Cục C49 đánh giá, nhờ việc tạm dừng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, thời gian qua số vụ phát hiện sử dụng chất cấm có biểu hiện giảm, tuy nhiên lại diễn ra với tính chất tinh vi, phức tạp hơn, do lượng salbutamol vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Ông Bình dẫn chứng: Đầu năm 2016, cơ quan chức năng kiểm tra 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Bắc thì có đến 18 công ty vi phạm, xử phạt 2,6 tỉ đồng. Cục Thú y lấy 1.457 mẫu nước tiểu của lợn để kiểm tra thì dương tính 10% mẫu có chứa chất cấm, trong khi lấy 1.026 mẫu nước tiểu thì có đến 69 mẫu có chất salbutamol chiếm 6,7%.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại đã có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng. Ví dụ như cho heo ăn thức ăn có chứa chất kích thích bài tiết để giảm nồng độ chất cấm xuống dưới mức giới hạn. Hoặc nhiều nơi còn mua luôn bộ thử nhanh về để kiểm tra trước, nếu heo âm tính với chất cấm mới xuất bán nên cơ quan khó phát hiện được.

Sẽ truy tố hình sự

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai dẫn chứng: Hiện tổng đàn heo ở Đồng Nai là 1,6 triệu con. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chuyên môn liên tục kiểm tra, kiểm soát các chất cấm trong chăn nuôi, tuy nhiên vẫn phát hiện mức độ sử dụng chất cấm khoảng hơn 10%.

Với BLHS sửa đổi năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đối với những tội liên quan đến sức khỏe của con người, chỉ cần cấu thành hình thức, như đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi sử dụng cho con người là đã cấu thành tội phạm. Mức nguy hiểm được nâng lên ngang bằng với tội cướp tài sản và giết người. Theo đó, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, thậm chí có thể lên đến 20 năm.

Như vậy với những quy định đã được sửa đổi, bắt đầu từ tháng 7-2016, các cơ quan chức năng sẽ có đủ cơ sở để xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm đến mức truy tố hình sự, chứ không chỉ là phạt hành chính như trước.

Và từ ngày 25-2-2016 trở đi, khoản 7, Thông tư 01 sửa đổi Thông tư 57 đã quy định: “Đối với cơ sở giết mổ, khi đàn gia súc có sử dụng chất cấm bị cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền phát hiện bằng định lượng thì sẽ tiêu hủy”.

Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiêu hủy ngay các đàn heo chứa chất cấm. Theo ông Việt, người chăn nuôi sẽ đối diện nguy cơ trắng tay nếu cố tình vi phạm. Trong thời gian tới, sẽ xử lý tiêu hủy một số trường hợp nhằm răn đe, để bất cứ ai khi sử dụng chất cấm đều phải suy nghĩ về hậu quả nặng nề mà họ phải gánh chịu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đôi khi người chăn nuôi cũng không hề có kiến thức gì về chất cấm, thậm chí không biết bản thân đang vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, lợi nhuận mà chất cấm đem lại cho người nông dân ít hơn nhiều so với lợi nhuận mà các đối tượng thương lái được thụ hưởng.

“Theo dõi nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy người thụ hưởng phần lớn lợi nhuận có được từ quá trình sử dụng chất cấm chính là thương lái. Vì con heo nhiều nạc, thịt đỏ hồng thì thương lái dễ bán, lợi nhuận lớn hơn. Thậm chí có thương lái còn đến các cơ sở chăn nuôi, đề nghị trả thêm 2.000-3.000 đồng/kg đối với loại heo đã được “kích” nạc bằng salbutamol. Cũng không loại trừ khả năng chất cấm được chính các thương lái này đem đến phân phối cho người chăn nuôi với cái tên “chất dinh dưỡng bổ sung”. Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng này” - ông Đoán đề nghị.

Theo ông Đoán, để hạn chế việc sử dụng chất cấm, các ban, ngành liên quan cần phối hợp với địa phương xây dựng các biện pháp giáo dục đối với người chăn nuôi, giúp họ nâng cao kiến thức về chất cấm, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tạo ra một thị trường bình ổn, giúp người chăn nuôi bán sản phẩm của mình với giá ổn định. Bởi hiện nay, đầu ra của ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa ổn định, dễ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Song song đó các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu thêm về các giải pháp cải tạo con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phương pháp chăn nuôi, giúp người nông dân tạo ra sản phẩm thịt heo chất lượng, tỷ lệ nạc cao; hỗ trợ các hộ chăn nuôi liên kết sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn VietGap... Các đầu ra như siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể cũng cần được trang bị các bộ kiểm tra để phát hiện thực phẩm không an toàn.

 

Nguyên Phương

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...