Lợn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đi về đâu?

08:15 | 15/12/2015

480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng loạt các doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thế nhưng đến nay, chưa có một con số nào thể hiện đã tiêu hủy lợn sử dụng chất cấm...
lon su dung chat cam trong chan nuoi di ve dau
Ảnh minh họa

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có sử dụng chất cấm Salbutamol, nhưng điều kỳ lạ là không có một con lợn nào đã sử dụng TACN có chứa chất cấm được tiêu hủy.

Mới đây, trả lời báo chí, Trưởng phòng thanh tra Bộ NN&PTNT Phạm Tiến Dũng cho biết trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã thanh tra và phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất TACN có sử dụng chất tạo nạc Salbotamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine vào TACN.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã tiến hành phạt tiền các cơ sở vi phạm và buộc phải ngừng sản xuất sản phẩm vi phạm từ 1-3 tháng. Ngoài thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mua từ các cơ sở chế biến có sử dụng chất cấm buộc phải thu hồi và tiêu hủy TACN bị phát hiện có chất cấm.

Tuy nhiên, việc xử phạt dường như chỉ để cho có vì trên thực tế, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc giám sát, thu hồi các sản phẩm này của DN tiền hành đến đâu. Điều này tùy thuộc vào mức độ tự giác của DN.

Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng xử phạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại không có cơ chế xử lý lợn được nuôi bằng TACN có chất cấm. 

Trả lời báo chí, ông Dũng cho biết trong trường hợp phát hiện có chất cấm trong nước tiểu lợn thì số lợn đó phải được theo dõi, sau 7 ngày sẽ kiểm tra lại. Nếu nước tiểu không còn dương tính với chất cấm thì được giết mổ.

Ông Dũng cũng khẳng định chất Salbutamol không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao nên tồn dư trong thịt nạc, trong xương đặc biệt là không thể thải hết ra nước tiểu nên rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu sử dụng loại thịt này.

Những con lợn bị người dân cho sử dụng các chất cấm khi đưa đi giết mổ sẽ có biểu hiện trông rất yếu, mệt mỏi và thở dốc. Tuy nhiên, lợn “nhiễm” chất cấm bị trà trộn vào các loại lợn khác nên khó truy xuất nguồn gốc và nhiều chủ trang trại không thừa nhận.

Ông Dũng cũng lấy dẫn chứng, ở Đồng Nai có 14 chủ trang trại sử dụng chất cấm nhưng chỉ 2 chủ trang trại thừa nhận hành vi này. Các trang trại khác không biết đã mang lợn đi tiêu thụ ở đâu. Vì thế, truy xuất lợn có chất cấm đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Dũng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ hủy diệt sức khỏe con người, đây là tội ác và để xử lý hiệu quả những doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải xử lý hình sự thì mới có tính răn đe.  

Về phương hướng sắp tới, ông Dũng cho rằng để xử lý triệt để hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần có sự vào cuộc của cơ quan Công an, chính quyền địa phương, các lực lượng chuyên ngành và các đoàn thể...

Ngoài ra, người sản xuất TACN và người chăn nuôi cần phải ký cam kết không sử dụng chất cấm để nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng.

Hoàng Phương