Sự cẩn trọng cần thiết

07:00 | 29/06/2014

565 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hơn một tháng làm việc, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ cùng đồng bào cả nước, nỗ lực đóng góp phát triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời chỉ ra những yếu kém, tồn tại của các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội trong bối cảnh an ninh của đất nước đang có nhiều thử thách.

Năng lượng Mới số 334

Trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến 27 luật và dự án luật, 2 nghị quyết. Tuy nhiên, cũng trong kỳ họp này Nghị quyết 35 chưa được thông qua khiến nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri băn khoăn. Có đại biểu Quốc hội còn e ngại không biết sẽ trả lời và báo cáo với cử tri như thế nào?

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mặc dù Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thảo luận về sửa đổi, bổ sung và vẫn chưa được Quốc hội kỳ họp thứ 7 khóa XIII thông qua, nhưng cuối năm 2014, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết này vẫn được thực hiện tại kỳ họp cuối năm nay.

Trong kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ về dự thảo Nghị quyết 35. Đây là một nghị quyết rất quan trọng. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện lấy phiếu  tín nhiệm, được cử tri đồng tình và hoan nghênh, coi đây là một hình thức giám sát rất quan trọng ở Quốc hội và cơ quan dân cử đối với những người do Quốc hội và HĐND bầu, phê chuẩn.

Tuy nhiên, do đây là lần đầu thực hiện nên còn những hạn chế và vướng mắc nên Quốc hội quyết định cần phải sơ kết để sửa đổi, bổ sung. Nhiều đại biểu đã nêu rõ những hạn chế, vướng mắc này là ở đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và 3 mức tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu và cử tri đề nghị mở rộng thêm đối tượng là giám đốc sở và các trưởng phòng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chức danh đầu ngành khác, đấy cũng là vấn đề khác biệt. Việc duy trì 3 mức phiếu sẽ ảnh hưởng chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND, dễ dẫn đến các lá phiếu trung dung. Cử tri cũng đề nghị cần có “thảm đỏ” cho những người được tín nhiệm cao và “thảm xanh” cho người có tín nhiệm thấp từ chức. Có đại biểu còn so sánh “tín nhiệm” với “ chung thủy” trong quan hệ vợ chồng khi đề xuất chỉ nên lấy tín nhiệm theo 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Chức danh nào không đạt mức tín nhiệm quá bán sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc và đại biểu Quốc hội đều nhất trí 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất, phải xác định tiếp tục chủ trương lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và HĐND; thứ hai, cuối năm nay vẫn tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn; thứ ba là đồng ý chuyển sang kỳ họp sau để biểu quyết thông qua nhằm làm cho tốt hơn.

Phát biểu với báo giới, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vẫn lấy phiếu theo Nghị quyết 35 hiện nay, bởi nếu có sửa đổi Nghị quyết 35 và thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa XIII thì cũng chưa kịp. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mọi văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày công bố nhưng phải đăng công báo rồi có hiệu lực 45 ngày từ ngày Quốc hội thông qua, chính vì thế việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn phải làm theo Nghị quyết 35.

Quốc hội khóa XIII đã dành ra 5 buổi tiến hành phiên chất vấn tại hội trường. Lần này, 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến tài chính, giáo dục - đào tạo, công tác triển khai thực hiện pháp luật và giải quyết khiếu nại tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng được đưa ra để chất vấn.

Tuy nhiên, điều mà cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm không chỉ là những câu hỏi được đặt ra ra sao; không chỉ là các câu trả lời, lời hứa, mà quan trọng là trách nhiệm cá nhân cũng như giải pháp và sự chuyển biến trong lĩnh vực các vị Bộ trưởng phụ trách được thể hiện như thế nào. Bởi chỉ có hành động và chuyển biến thực sự mới là câu trả lời xác đáng nhất, có ý nghĩa nhất trước đòi hỏi của thực tiễn.

Nhiều sự kiện, vấn đề được quan tâm của kỳ họp Quốc hội lần trước dường như vẫn chưa nguôi trong dư luận. Vì vậy, cách trả lời của mỗi vị Bộ trưởng khi đón nhận, giải trình, giải quyết các vấn đề từ các đại biểu Quốc hội, cũng như những việc làm sau phiên chất vấn luôn khiến dư luận quan tâm. Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội và cử tri, hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn tuy đều có thái độ cầu thị, chân thành và nghiêm túc nhưng hầu như vẫn còn “né” nhiều điều và nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Không khí phản biện chưa đặc sắc, hấp dẫn ở cả hai phía câu hỏi và trả lời, cử tri vẫn chưa hài lòng về việc chọn vấn đề chất vấn và người cần  chất vấn… Nội dung chất vấn vẫn chưa thật sự xuất phát từ thực tiễn và tập trung vào những vấn đề mang tầm vĩ mô, những vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Đã có lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc nhở và đề nghị người bị chất vấn “trả lời ngắn thôi”, trả lời “đúng câu hỏi”, không nên giải thích dài dòng.

Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu đã không ngại ngần chất vấn những yếu kém, khuyết điểm của một số ngành, lĩnh vực gây bức xúc trong nhân dân. Những ý kiến đó luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cử tri và cả người bị chất vấn. Nhưng cũng có đại biểu nêu vấn đề chưa xác đáng, chưa hỏi thẳng vấn đề, chưa đi tới cùng của vấn đề, làm cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn thiếu tính phản biện, tính đối thoại, hay nói khác đi là thiếu chất “lửa”!

Mặc dù sau các kỳ họp Quốc hội, sau những phiên chất vấn, qua những hành động thực tế của người được chất vấn, đại biểu Quốc hội và cử tri có thể đánh giá được động thái tích cực của họ, những chuyển động trong lĩnh vực họ phụ trách; nhưng nếu như có sự tổng kết, đánh giá cụ thể, trực tiếp hơn của Quốc hội về những gì họ đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thời gian thực hiện các giải pháp, thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri thì chắc rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ hiệu quả hơn. Người bị chất vấn thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong hoạt động của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, để từ đó có hành động, giải pháp thiết thực, khắc phục những tồn tại.

Kỳ họp này, Quốc hội đã tỏ ra thận trọng trước một số vấn đề cần thời gian tiếp tục nghiên cứu, trao đổi bàn bạc. Tuy nhiên, với Nghị quyết 35, nhu cầu của cuộc sống cần thiết phải sửa nhanh, sửa đúng và sửa trúng những vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm đã trở nên cấp bách. Hy vọng rằng, với Nghị quyết 35 sửa đổi, việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm quan chức sẽ đúng lòng dân, ý Đảng.

Bảo Dân