Siết chặt và thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính

16:52 | 03/06/2022

317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên): "Tôi cơ bản đồng ý với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách".

Chi tiêu chưa tiết kiệm, lãng phí chưa được khắc phục triệt để

Về đánh giá những kết quả đạt được trong bối cảnh xây dựng kế hoạch NSNN năm 2020, nhân tố dịch Covid-19 không được tính đến, nhưng thực tế đã ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tại thời điểm tháng 10/2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến thâm hụt thu 189,2 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, đến tháng 3/2021, sau khi đánh giá lại một số khoản thu thực hiện năm 2020, Chính phủ báo cáo Quốc hội chỉ giảm thu 31,2 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực của Chính phủ để có nguồn chi.

Trong khi đó, bội chi NSNN là 3,44% GDP, vẫn nằm trong giới hạn quy định, thấp hơn số báo cáo Quốc hội; thu nội địa đạt 85,6%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng công tác lập dự toán NSNN được nâng lên và có chuyển biến, khoảng cách giữa dự toán và thực tế thực hiện đã dần được thu hẹp. Đặc biệt, chi thường xuyên năm 2020 chỉ chiếm 59,2% tổng chi NSNN, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, theo nghị quyết Quốc hội là dưới 64% tổng chi NSNN. Đây là kết quả của việc Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, cắt giảm, tiết kiệm những nhiệm vụ chi không cần thiết.

Siết chặt và thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính
ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Đối với chi đầu tư, thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1//2020, công tác lập và giao dự toán chi đầu tư công cơ bản tuân thủ theo quy định, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công có nhiều tiến bộ, được triển khai sớm hơn các năm trước. Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn hạn chế cần khắc phục.

Thứ nhất, số vượt thu vẫn chủ yếu từ tiền sử dụng đất, vượt 1,8 lần dự toán, trong khi số thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh chưa đạt, như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước mới đạt 83,3%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 91,2%, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 91,4%. Tình trạng này cũng lặp lại nhiều năm nay, do đó cần làm rõ nguyên nhân ngoài nguyên nhân do Covid-19 để bảo đảm tính bền vững của ngân sách.

Thứ hai, công tác xử lý nợ đọng thuế tuy có tiến bộ, giảm 0,63% so với năm 2019 nhưng thực tế vẫn còn rất lớn, đến 31/12/2000 số nợ thuế là 99.074 tỷ đồng. Tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp, dẫn đến giảm thu NSNN. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp NSNN tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng đã minh chứng cho điều này.

Thứ ba, đối với chi đầu tư phát triển vẫn còn tồn tại mang tính chất lặp lại như kế hoạch vốn đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần, phải hủy dự toán vốn ngoài nước, phân bổ kế hoạch vốn, giao kế hoạch vốn chậm, nhiều đợt bổ sung sau ngày 31/12 là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Thứ tư, đối với các khoản chi thường xuyên, bảo đảm phát triển bền vững lại đạt tỷ lệ thấp, như chi bảo vệ môi trường đạt 45,4%, chi văn hóa thông tin, chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 82,1%.

Thứ năm, nợ công năm tăng 6,02% mức vay của NSNN năm 2020 còn rất lớn, số vay bù đắp bội chi trên 222 nghìn tỷ đồng và vay để trả nợ gốc trên 213 nghìn tỷ đồng, trong khi nhiều năm thu vượt dự toán nhưng chưa thực sự ưu tiên giảm bội chi.

Thứ sáu, số chuyển nguồn khá lớn 643.406 tỷ đồng tăng 8,6% so với năm 2019 chiếm 27,3 tổng chi NSNN. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại trong quyết toán đã chỉ ra trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra như tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức chi sai nguồn. Chi tiêu chưa tiết kiệm, lãng phí vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế

Từ một số hạn chế tồn tại nêu trên, đề nghị Chính phủ, trước hết, cần siết chặt và thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính. Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra và đề nghị xử lý với số rất lớn, tăng thu giảm chi 25.396 tỷ đồng, xử lý khác 41.567 tỷ đồng là minh chứng cho việc này.

Hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nguồn thu và xử lý nợ đọng thuế, nhất là địa phương có số thuế lớn, nợ đọng thuế tăng cao, số nợ thuế quá hạn lớn để tăng nguồn thu cho NSNN. Phân tích xác định rõ giới hạn nợ đọng thuế trong từng giai đoạn, giảm nợ đọng thuế tăng cường kiểm tra hoàn thuế chống chuyển giá.

Ba, cần sớm nghiên cứu để khắc phục tồn tại, tránh lặp lại trong chỉ đạo xây dựng dự toán NSNN năm 2023.

Bốn, cần xem xét kỹ lưỡng việc quyết toán vốn ngoài nước và số chi chuyển nguồn xác định lại giới hạn số chuyển nguồn để giảm số phải chuyển nguồn hằng năm.

Siết chặt và thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính
Quang cảnh Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Năm, báo cáo quyết toán năm cần xác định lại số liệu đã tiết kiệm và báo cáo tài chính nhà nước mà những báo cáo này đã báo cáo Quốc hội trước đây của cùng năm tài chính. Thực hiện đúng lộ trình, giảm chi phí đối với các đơn vị sự nghiệp công.

Sáu, cần xác định chính xác nguồn lực và thời điểm để thực hiện nghị quyết cải cách về tiền lương.

Bảy, trong phân bổ số vượt thu hàng năm sau với dự toán cần quan tâm ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 theo số liệu thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhà nước và số liệu kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Nguyễn Vũ/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân