Sẽ có cuộc đua vũ trụ mới?

08:00 | 12/01/2019

4,209 lượt xem
|
(PetroTimes) - Việc Trung Quốc thành công đưa phi thuyền lên phía tối của mặt trăng ngày 3/1/2019 đang mở ra một cuộc cạnh tranh mới giữa Bắc Kinh và Washington trong việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên vũ trụ.  

Trung Quốc chinh phục không gian

Chương trình không gian Trung Quốc được quản lý bởi Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA). Năm ngoái, Trung Quốc phóng nhiều tên lửa vào quỹ đạo hơn bất kỳ quốc gia nào khác: 39 so với 31 của Mỹ, 20 của Nga và 8 của châu Âu.

Vào 10 giờ 26 phút ngày 3/1/2019, giờ Bắc Kinh, phi thuyền Trung Quốc, sau hành trình gần 1 tháng, đã hạ cánh thành công xuống phía tối của mặt trăng. Đây là một thành công lớn trong tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc, quốc gia đầu tiên đưa phi thuyền lên phía tối của mặt trăng.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành không gian Trung Quốc đã phải vượt qua nhiều thách thức, bởi phía tối của mặt trăng có địa hình hiểm trở, trái ngược với mặt sáng với nhiều khu vực bằng phẳng.

Trong suốt giai đoạn phi thuyền hạ cánh xuống mặt trăng, các phương tiện truyền thông Trung Quốc giữ im lặng, nhưng ngay khi phi thuyền đáp xuống không gặp trở ngại, truyền thông ào ạt lên tiếng. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo chạy tựa: “Một chuyện không thể tin nổi”.

Đưa được phi thuyền “Thường Nga 4” (Chang’e-4) lên phía tối mặt trăng, Trung Quốc đã thực hiện được điều mà chưa có quốc gia nào làm được cho đến nay. Thách thức là rất lớn, bởi thiết lập thông tin liên lạc với phía tối của mặt trăng khó hơn nhiều so với mặt sáng. Một trong các mục tiêu cơ bản của phi thuyền là nghiên cứu các sóng radio tần số thấp. Thường Nga 4 cũng sẽ phân tích các tài nguyên khoáng sản.

Để đuổi kịp Mỹ hoặc châu Âu, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ euro cho việc chinh phục không gian, lĩnh vực được coi là một ưu tiên. Bắc Kinh muốn biến thành công trong chinh phục không gian thành một biểu tượng cho sức mạnh quốc gia. Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là đưa một phi hành gia lên mặt trăng trước năm 2030 và chinh phục sao Hỏa trong tương lai.

se co cuoc dua vu tru moi
Phi thuyền Thường Nga 4 của Trung Quốc hạ cánh lên phần tối của mặt trăng ngày 3/1/2019

Sau vài thập niên tụt hậu, sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc trong thời gian qua vượt xa bất cứ quốc gia nào trên thế giới: Phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970; người Trung Quốc đầu tiên vào vũ trụ năm 2003; phóng tàu con thoi có người vào quỹ đạo năm 2012; phát triển hệ thống định vị Baidu cạnh tranh với GPS...

3 thông điệp của Trung Quốc

Về mặt thương mại, tên lửa Trung Quốc không đe dọa thị trường phóng vệ tinh, do SpaceX ở Mỹ thống trị. Những tên lửa của Trung Quốc gần như độc quyền phóng các vệ tinh của Chính phủ Trung Quốc.

Đối với việc thăm dò không gian, tiến bộ của Trung Quốc cũng không làm lu mờ các dự án của Mỹ. Một đạo luật của Mỹ năm 2011 ngăn chặn mọi hợp tác không gian với Bắc Kinh, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn để ngỏ khả năng dỡ bỏ sự ngăn chặn này.

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự liên quan đến hai lĩnh vực: Quân sự về ngắn hạn và dài hạn là khai thác tài nguyên vũ trụ. Việc khai thác khoáng sản hoặc nước trên mặt trăng hoặc các tiểu hành tinh, đặc biệt là để sản xuất nhiên liệu tên lửa, vẫn là một triển vọng xa vời, nhưng các công ty khởi nghiệp Mỹ đã nghiên cứu lĩnh vực này từ rất lâu. Ai sẽ giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ trên mặt trăng?

Tuy mặt trăng không của riêng ai, nhưng ai đến trước thì sẽ được “ưu đãi” trước. “Không ai có thể chiếm hữu mặt trăng, nhưng ai đến đầu tiên thì được hưởng trước. Nghĩa là cho dù Trung Quốc có lập một căn cứ trên mặt trăng, người ta không thể cho đấy là lãnh thổ của Trung Quốc, vì điều này bị cấm bởi một công ước quốc tế. Ngược lại, không ai có thể đuổi họ ra khỏi địa điểm này, nếu như họ là những người đến đầu tiên”, Tổng biên tập tờ Cité de l’Espace của Pháp, ông Olivier Sanguy, lưu ý.

Không chỉ được cộng đồng quốc tế khen ngợi, theo giới chuyên gia, với kỳ tích đưa phi thuyền lên mặt trăng, Trung Quốc cùng lúc “bắn” 3 thông điệp:

Trước hết là thông điệp cho giới khoa học. Trung Quốc bây giờ không còn hài lòng với việc sao chép các công nghệ phương Tây, mà đã có những sáng tạo và cải tiến. Qua việc đáp phi thuyền xuống được mặt tối của mặt trăng, Bắc Kinh đã cho thấy rõ họ có những tiến bộ khoa học thật sự, nhất là trong việc giải quyết vấn đề kết nối liên lạc với trái đất từ robot được hạ xuống mặt tối của mặt trăng.

Kỳ công khám phá mặt trăng của Trung Quốc một lần nữa khẳng định Bắc Kinh đã đuổi kịp và có thể sánh vai cùng các cường quốc không gian khác, như nhận xét của ông Olivier Sanguy: “Trên thực tế, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường “ngang vai phải lứa” với Mỹ, trong đó có cả không gian. Trung Quốc không còn muốn là một quốc gia chỉ cung cấp những con thú nhồi bông giá rẻ, mà họ muốn trở thành một quốc gia có nền công nghệ cao”.

Thứ hai, thành công này còn là một thông điệp chính trị cho toàn dân. Trung Quốc đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng: Hãy nhìn xem, những gì chúng ta đã có thể làm được là nhờ vào sự đoàn kết thống nhất.

Cuối cùng, đó là một lời nhắn gửi cho thế giới. Bắc Kinh muốn khẳng định vị thế siêu cường, không chỉ trên bình diện kinh tế, quân sự, mà cả trong không gian. Kỳ tích công nghệ này của Trung Quốc sẽ thúc đẩy thế giới lao vào một cuộc đua vũ trụ mới, từ Ấn Độ, Israel cho đến Nhật Bản và nhất là sự trở lại của Mỹ cùng với sự hợp tác của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Canada...

Chiến tranh trên mặt trăng?

Không giống như thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc chinh phục không gian mới mở ra trong bối cảnh quốc tế thiếu khung pháp lý về vũ trụ.

Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Washington và Moskva đã đàm phán một số hiệp ước không gian, chủ yếu là để bảo đảm hợp tác khoa học và cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt ở ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, Frans von der Dunk, giáo sư luật vũ trụ tại Đại học Nebraska-Lincoln, nói: “Những hiệp ước này quá mơ hồ để áp dụng một cách hợp pháp cho các vấn đề như khai thác tài nguyên khoáng sản ngoài vũ trụ”.

Các hiệp ước này hầu hết đã bị lỗi thời bởi các công nghệ quân sự mới: Laser chống vệ tinh, tấn công mạng, truyền tín hiệu gây nhiễu, tên lửa được bắn từ trái đất để phá hủy một vệ tinh, như Trung Quốc đã thử nghiệm năm 2007…

Thế giới cũng chưa có luật chiến tranh trong vũ trụ. Hai vệ tinh va chạm với nhau, đó có phải là một cuộc tấn công không? Làm thế nào để xác định mức độ để trả đũa? Các vệ tinh dân sự có nên được bảo vệ khỏi sự trả thù, nhưng còn các vệ tinh quân sự thì sao? Và, làm thế nào để đối phó với một cuộc tấn công mạng mà tác giả không phải là một quốc gia?

“Người Trung Quốc đã thực hiện các thí nghiệm để can thiệp vào thông tin liên lạc của chúng tôi” - Jack Beard, chuyên gia thuộc Chương trình luật vũ trụ tại Đại học Nebraska nói. Ông nhớ lại rằng, các vệ tinh dân sự và NASA đã bị tin tặc tấn công trong năm 2007 và 2008. Nhưng cuộc đối thoại với Bắc Kinh gần như bằng không, không giống như những gì tồn tại với Moskva trong chiến tranh lạnh.

“Một số người ở Mỹ phóng đại vai trò của Trung Quốc như một đối thủ chiến lược lớn để tìm kiếm tài trợ cho các dự án không gian của họ” - theo Brian Weeden, chuyên gia thuộc Tổ chức Thế giới bảo mật ở Washington.

Để đuổi kịp Mỹ hoặc châu Âu, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ euro cho việc chinh phục không gian, lĩnh vực được coi là một ưu tiên. Bắc Kinh muốn biến thành công trong chinh phục không gian thành một biểu tượng cho sức mạnh quốc gia.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc