Sản phụ tuổi học sinh

07:00 | 24/12/2013

5,298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu nữ sinh sinh con đã không còn là hiếm thì sinh viên phải trở thành mẹ… bất đắc dĩ cũng là chuyện “xưa” lắm rồi, chỉ là số lượng ngày càng tăng lên vùn vụt theo thời gian, nhất là trong trường hợp quan hệ nam nữ được nhìn nhận cởi mở hơn như ngày nay...

Ngày 12/12 vừa qua, sau khi phát hiện bé trai sơ sinh nặng 2kg với tình trạng trầy xước đầy người, khó thở bị vứt trong bụi tre ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, người ta đã tìm ra “thủ phạm” chính là mẹ cháu - Trần Thị Thanh Bình đang là học sinh lớp 12 một trường THPT. Vì quá sợ hãi do mang thai trong khi đang đi học, cha mẹ lại không biết nên khi có dấu hiệu chuyển dạ, Bình đã tự nhốt mình vào phòng riêng để sinh và tự cắt nhau thai cho con. Sinh xong, nhằm “qua mắt” mọi người, Bình đã mang con vứt vào bụi tre và kết cục là cháu bé đã không thể qua khỏi dù đã được cấp cứu.

Làm mẹ… bất đắc dĩ

Đây là câu chuyện đã làm xôn xao dư luận trong thời gian qua và nó không phải là trường hợp duy nhất: học sinh, sinh viên mang thai rồi sinh con mà đã là trường hợp thứ “n”. Chuyện “lời ru buồn” tưởng như không thể xảy ra chốn thâm nghiêm nhưng trong sáng như học đường, giảng đường nhưng hóa ra đã là vấn đề không còn mới. Ở đường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, hiếm ai không biết câu chuyện của vợ chồng “chíp hôi” là hai học sinh đang học lớp 12 tại trường ngay trên địa bàn quận. Sở dĩ phải “giữa đường đứt gánh” sự nghiệp học hành, “đốt cháy” tuổi thơ gắn với áo trắng như mây bay giữa phố, với chiếc xe đạp chở đầy hoa phượng đi tìm mùa hè rực rỡ là vì hai đứa “trẻ trâu” đã trót làm cái việc của người lớn để rồi cũng buộc phải sống cuộc sống của người lớn do cái thai trong bụng của bạn gái đã hình thành và ngày một lớn lên đến nỗi không thể “giải quyết” được.

Bố mẹ hai bên dở khóc dở cười đành tổ chức một đám cưới nho nhỏ mà hầu hết khách mời đều vẫn khoác đồng phục học sinh tinh khôi và tay xách cặp trĩu đầy chữ. Hôm đám cưới, nhìn cô dâu chú rể tuổi “ô mai” đi bên nhau mà không ai là không ái ngại, lo lắng cho đôi vợ chồng trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phía trước. Bởi con đường đó sẽ đầy lo toan, toan tính của cuộc sống trong khi tuổi đời của đôi bạn trẻ vẫn còn đang ở đoạn “ăn chưa no lo chưa tới”.

Sinh viên sống thử (ảnh minh họa)

Nếu nữ sinh sinh con đã không còn là hiếm thì sinh viên phải trở thành mẹ… bất đắc dĩ cũng là chuyện “xưa” lắm rồi, chỉ là số lượng ngày càng tăng lên vùn vụt theo thời gian, nhất là trong trường hợp quan hệ nam nữ được nhìn nhận cởi mở hơn như ngày nay và “sống thử” đang diễn ra khá phổ biến trong giới sinh viên xa nhà. Tại một trường trung cấp nằm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, người ta thấy hằng ngày có tới 3 “bà bầu” sinh viên cắp sách lên giảng đường. Tưởng toàn “gái có chồng”, chăm chỉ sự nghiệp học hành, tạm gác chuyện gia đình để “dùi mài kinh sử” xây dựng tương lai, nào ngờ toàn “ăn cơm trước kẻng”, tiết kiệm chi phí “góp gạo thổi cơm chung” với nam sinh viên để rồi dẫn đến nông nỗi này.

Nguyễn Thanh Thủy, quê ở thành Nam, Nam Định, mới lên Hà Nội học 2 năm nhưng không những đã “dính” chuyện yêu đương mà còn dính cả “bầu”. Chả là sau khi gật đầu bẽn lẽn nhận lời tỏ tình của chàng sinh viên đồng hương, Thủy đồng ý dọn về ở cùng phòng với “chàng” để “sống thử”. Mới sống thử được 6 tháng chưa kịp nhận ra khắc - hợp thế nào, “bỗng dưng” Thủy thấy bụng mình mỗi ngày một to. Thử “test” nhanh thì cô phát hiện mình đã “dính” và đi siêu âm, bác sĩ bảo: “Thai 4 tháng rồi để đẻ thôi không phá được đâu, nguy hiểm lắm”.

Thế là, trở về thông báo với người yêu trong tâm trạng vui ít buồn nhiều, mếu mếu máo máo máo, Thủy hy vọng sẽ được sự vỗ về, chia sẻ của người yêu. Nào ngờ, “bờ vai lớn”, “chỗ dựa tinh thần”, “người đàn ông lý tưởng” mà Thủy vẫn thường giới thiệu về người yêu với mọi người sổ toẹt một cách lạnh lùng: “Bỏ đi! Bây giờ đẻ ra lấy gì mà nuôi. Hơn nữa, vẫn đang đi học thế này, “ông bà già” (bố mẹ) không cho cưới hỏi đâu”. Cùng với đó, “chàng” quẳng cho Thủy chiếc điện thoại di động rồi bảo: “Chẳng có đồng nào, có mỗi chiếc điện thoại này, bán đi được bao nhiêu tiền cầm lấy mà đi phá thai”. Thủy nghe xong sững sờ, không tin vào tai mình liền òa khóc nức nở vì tức giận, vì sự vô trách nhiệm của người yêu. Cô liền bỏ về phòng trọ cũ ở cùng với mấy bạn gái.

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bỏ thai thì không được do bác sĩ đã cảnh báo hậu quả nặng nề nếu bỏ thai to, để nuôi thì biết lấy gì mà nuôi, cuối cùng Thủy đành giữ lại cái thai rồi muốn dẫn đến đâu thì đến. Có cháo nuôi bằng cháo, có rau nuôi bằng rau. Tất nhiên rau cháo ấy, còn ai vào đây nữa ngoài bố mẹ Thủy sẽ lo. Vậy là hằng ngày, vừa lên giảng đường học tập Thủy vừa “vác” bụng bầu, bỏ lại đằng sau những lời xì xào, bàn tán. Chỉ có điều làm Thủy băn khoăn là sẽ nói năng như thế nào với bố mẹ khi về quê. Cuộc sống của Thủy dường như bế tắc, nhất là con đường gập ghềnh sau khi sinh con...

Lỗ hổng giáo dục

Theo thống kê của riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong hơn 5 nghìn ca nạo phá thai mỗi năm, có tới 30% thai phụ dưới tuổi 24 (lứa tuổi sinh viên), 20% dưới tuổi 20 (tuổi học sinh). Tuy nhiên, đó chỉ là những con số thống kê được tại bệnh viện, còn tại các cơ sở y tế tư nhân con số này hiện không thể thống kê được do có quá nhiều em "khai man" tuổi hoặc không ghi rõ hồ sơ bệnh nhân…

Nguyên nhân để dẫn đến ngày một nhiều những ông bố bà mẹ trẻ con có thể nói đầu tiên là do giáo dục giới tính, kỹ năng sống chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo tại các trường đại học, phổ thông, đặc biệt là cấp THPT. Bởi đây đúng là khoảng thời gian học sinh đến độ dậy thì, muốn tìm hiểu, khám phá rất nhiều về bản thân cũng như bạn khác giới. Thế nhưng, như báo chí đã đề cập đến mức “biết rồi, khổ lắm…”, rằng chương trình giáo dục hiện nay chỉ phổ cập kiến thức và kiến thức mà bỏ qua những kỹ năng sống, những hành trang tâm lý, giới tính cho cuộc sống trong tương lai của học sinh trong khi xã hội bên cạnh sự phát triển cũng có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh: văn hóa phương Đông và phương Tây có sự giao thoa sâu sắc nhưng chưa có sự gạn lọc để tiếp nhận những gì là tinh hoa, loại bỏ những gì bị coi là rác rưởi văn hóa.

Công nghệ thông tin, cụ thể là Internet thì phát triển chóng mặt, làm các cơ quan quản lý không theo kịp dẫn đến nhiều hình ảnh, thông tin đồi trụy bị phát tán, các trò chơi games sex tràn lan v.v… ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống, quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc, tình yêu. Xã hội - môi trường sống xung quanh các em thì chỉ chăm chăm đến cuộc sống vật chất, còn tinh thần thiếu một sự quan tâm, chăm sóc chu đáo… Nói chung, nếu xảy ra một “vấn nạn” nào ở giới trẻ, như TS Xã hội học Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội học nhận định thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về xã hội và người lớn.

Còn PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, để xảy ra quá nhiều trường hợp bỏ thai ở tuổi vị thành niên, lỗi trước hết thuộc về ngành giáo dục sau đó đến xã hội. Bởi công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản, kiến thức tình dục an toàn… chưa được tổ chức hiệu quả. Do vậy, để giải quyết tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Cần có sự kết hợp giữa các ban, ngành trong xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai… Riêng ngành y tế tổ chức chương trình tư vấn tránh thai có sự tham gia của hơn 200 bác sĩ, đây sẽ là kênh thông tin hữu ích giúp các chị em phụ nữ tìm hiểu cặn kẽ các phương pháp phòng ngừa thai hiệu quả, chủ động bảo vệ sức khỏe của mình”.

Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản như: nguy cơ tai biến sản khoa cao khi phá thai, dễ băng huyết, thủng tử cung, sót nhau, nhiễm trùng, dính buồng tử cung, tắc ống dẫn trứng, vô sinh thứ phát, vỡ tử cung, nhau cài răng lược… Và đặc biệt dễ dẫn đến trầm cảm.

(PSG.TS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ sản TP Hồ Chí Minh).


Xuân Bách