Ra mắt Trung tâm đột quỵ hàng đầu Việt Nam

19:58 | 09/11/2020

178 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 9/11, Bệnh viện Bạch Mai chính thức đưa Trung tâm đột quỵ vào hoạt động. Đây là nơi chuyên tiếp nhận, chăm sóc, điều trị và quản lý các bệnh nhân đột quỵ não.
Làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ?Làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ?
Mạng lưới điều trị đột quỵ trên địa bàn TP HCMMạng lưới điều trị đột quỵ trên địa bàn TP HCM
“Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ não được mở rộng đến 24 giờ“Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ não được mở rộng đến 24 giờ
Nguy cơ đột quỵ gia tăng 30% vào mùa lạnhNguy cơ đột quỵ gia tăng 30% vào mùa lạnh
Ra mắt Trung tâm đột quỵ hàng đầu Việt Nam
Các đại biểu cắt băng khai trương, chính thức đưa Trung tâm đột quỵ vào hoạt động

Bệnh đột quỵ hiện nay đang trở thành vấn đề tâm điểm của y học thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bệnh đột quỵ mới mắc, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Hội đột quỵ thế giới và hội đột quỵ các quốc gia nhiều năm qua đã nỗ lực trong việc làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong nhưng dường như những thành quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mức độ phổ biến và mức độ nguy hiểm của đột quỵ. Việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu sẽ làm cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, hàng năm cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000 - 8.000 người bệnh đột quỵ. Việc tiếp cận xử trí và điều trị bệnh nhân đột quỵ hiện nay tại đây đã phát triển rất mạnh, tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới. Bệnh viện đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp cho đột quỵ như: kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo ô-xy não...

Tuy nhiên hiện nay người bệnh đột quỵ chưa được điều trị tập trung, nằm rải rác tại nhiều khoa, phòng trong bệnh viện như Khoa Cấp cứu, Khoa Thần kinh, Viện Tim mạch, Khoa Hồi sức tích cực, Khoa phẫu thuật thần kinh… do đó không tập trung được nguồn lực và chưa thống nhất chung được quy trình điều trị nên chưa đạt được hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ.

Với phương châm “thời gian là não”, việc thực hiện điều trị người bệnh đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu. Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp các chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phối hợp chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần phải được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường. Người bệnh đột quỵ cũng cần được tập phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.

Ra mắt Trung tâm đột quỵ hàng đầu Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Trong bối cảnh chung phát triển chuyên môn của Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, sự ra đời của Trung tâm đột quỵ trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai là một bước phát triển quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, phù hợp với thực tiễn nhu cầu cũng như quy định của Bộ Y tế. Với quan điểm lấy người bệnh đột quỵ là trung tâm, cấp cứu, điều trị và chăm sóc lâm sàng hiệu quả, hiệu suất cao. Nâng cao chất lượng cấp cứu bệnh nhân nói chung và bệnh nhân đột quỵ nói riêng, tăng cường chất lượng chăm sóc, điều trị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng bệnh viện phát triển; củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế. Hợp tác đa chuyên khoa, hợp tác quốc tế trong cấp cứu nói chung và đột quỵ nói riêng nhằm hoàn thiện quy trình chẩn đoán, điều trị và nâng cao hiệu quả điều trị đột quỵ. Nâng cao công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác trong lĩnh vực đột quỵ.

PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ khẳng định, với mục tiêu xây dựng một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh, hiện đại hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân đột quỵ. Trong đó ngoài việc đẩy mạnh công tác chuyên môn trong tiếp đón, cấp cứu, phân loại, xử trí bệnh nhân đột quỵ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, mà còn đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu và điều trị đột quỵ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực đột quỵ cho các bệnh viện trong cả nước.

Phú Văn