Quý I năm 2019: Người thất nghiệp có xu hướng giảm dần
![]() |
![]() |
![]() |
Việc làm tăng nhiều nhất ở khu vực FDI
Tổng cục Thống kê cho hay, đối với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, theo thống kê ước tính quý I cả nước có 55,4 triệu người, giảm hơn 207 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 331 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, ước tính gần 49 triệu người, giảm 96,4 nghìn người so với quý trước, tăng 444 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị xấp xỉ 17 triệu người, chiếm 34,7%, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3% triệu người, chiếm 45,6% tổng số lao động trong độ tuổi của cả nước.
Với lực lượng trong các độ tuổi lao động trên, Tổng cục Thống kê ước tính, trong quý I năm nay, đã có 54,3% triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, giảm 208 nghìn người so với quý trước, tăng 329 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lao động có việc làm ở khu vực thành thị chiếm 33,01% và lao động nữ có việc làm chiếm 47,7% trong tổng số người có việc làm.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với tỷ lệ như vậy, có thể thấy xu hướng lao động có việc làm trong quý I năm 2019 tăng rõ rệt ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước.
![]() |
Lao động ở khu vực FDI là nhiều nhất |
Ông Lâm cũng giải thích thêm vì sao lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên lại giảm so với quý trước là do quý I có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và các lễ hội nên nhiều người nghỉ không làm việc, không có nhu cầu tìm kiếm việc làm dẫn đến số lượng giảm.
Về chất lượng lao động, Tổng cục Thống kê cho hay lực lượng lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên 3 tháng đầu năm có khoảng hơn 12 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm của toàn quốc – tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lâm nói: “Cơ cấu lao động trong các ngành đang có sự dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Bởi lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính là 19,2 triệu người, chiếm 35,4%, giảm 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là khu vực dịch vụ với 19,5 triệu người, chiếm 36%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thấp nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng với 15,6 triệu người, chiếm 28,6%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước”.
Trên cơ sở các con số này, cho thấy lao động giản đơn đang thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động, chiếm 35% lao động có việc làm trên toàn quốc. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ sơ cấp nghề trở lên) cho người lao động còn thấp (tỷ lệ đã được đào tạo khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và khoảng 22,2% đối với lao động có việc làm).
Ở lực lượng lao động là “sếp”, tức là đội ngũ lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị, theo thống kê có khoảng 1,1% lao động là lãnh đạo. Tuy nhiên, tỷ trọng lãnh đạo là nam giới cao gấp 2,5 lần nữ giới, ở khu vực thành thị cao gấp 4 lần khu vực nông thôn. Tất nhiên đối với lực lượng lao động này, gần 100% đều đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Thanh niên thất nghiệp nhiều nhất
Đối với người thất nghiệp, thống kê quý I năm 2019 có khoảng 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý trước thì số người thất nghiệp này giảm 3,5 nghìn người, so với cùng kỳ năm ngoái thì giảm 8,2 nghìn người. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 2,17%.
![]() |
Thanh niên thất nghiệp nhiều nhất (Ảnh minh họa) |
Với đối tượng là thanh niên (từ 15 -24 tuổi), ước khoảng có gần 445 nghìn người thất nghiệp, chiếm 40,4% tổng số người thất nghiệp. Như vậy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý I gần 6,27%, tăng 0,65 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực thành thị tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 10,49%.
Ông Lâm cho hay: “Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung do lực lượng lao động thanh niên khi tham gia vào thị trường thường có xu hướng chủ động tìm kiếm các việc làm phù hợp với năng lực và điều kiện riêng của mình hơn so với nhóm dân số khác. Và hơn nữa, theo quy chuẩn quốc tế, những người chưa có việc làm và đang tìm kiếm việc làm trong thời gian tham chiếu được coi là người thất nghiệp. Chính điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên cao hơn mức trung bình. Đây là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam”.
Còn người thiếu việc làm, theo Tổng cục Thống kê, ở khu vực thành thị tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 0,60% trong khi ở nông thôn là 1,53%. Đa phần những người thiếu việc làm hiện đều làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các chuyên gia đã tính, tỷ lệ người lao động thiếu việc làm trong các khu vực nói trên (2,4%) cao gấp 6 lần tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng.
Ở khu vực lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp, trong quý I ước tính khoảng 54,3%, giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước khoảng gần 2%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm này diễn ra chủ yếu ở thành thị (từ 47% xuống khoảng 45%). Ông Lâm nói: “Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao gấp gần 1,3 lần thành thị”.
Giải thích cho tình trạng công việc bấp bênh của lực lượng này, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho hay là do lực lượng lao động nói trên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trình độ chủ yếu chỉ dừng ở mức trung học cơ sở và tiểu học. Do đó khó có thể có công việc ổn định.
Để giải quyết bài toán thất nghiệp cho lực lượng lao động, đặc biệt là khối có việc làm phi chính thức và phi nông nghiệp, không có cách nào khác, mỗi lao động phải tự nâng cao tay nghề, chuyên môn, trau dồi kiến thức dù ở bất kể công việc gì. Phải “đầu tư” không chỉ vật chất mà cả công sức cho nghề nghiệp mà người lao động hướng đến, như dịch chuyển công việc từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia chẳng hạn…
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 11/1: Tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh
-
TP HCM: Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tăng mạnh
-
Thị trường lao động việc làm quý I và dự báo tình hình những tháng cuối năm
-
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
-
Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
VPI dự báo giá xăng tiếp tục giảm 3,1 - 3,5% trong kỳ điều hành ngày 17/4
-
Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2025-2030
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/4: Giá trần dầu Nga có thể giảm trong thời gian tới
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số