Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam

11:27 | 06/05/2023

382 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại diễn đàn “Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh thông tin: Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 5/5, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn “Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023”.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, xác định thanh niên là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng và mong muốn xây dựng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích, tiên phong, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên cũng từng bước được cải thiện, trên 29,3% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại diễn đàn

Hằng năm, các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, 70% lao động đi làm việc ở nước ngoài là thanh niên, tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, vẫn còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế trong khi nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Tỉ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%); một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu, nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam (quý I/2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước 2,25%).

Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi và kiến nghị về chính sách nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là về các chính sách hiện có để hỗ trợ thanh niên bị giảm việc, mất việc, ngừng việc trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp, khởi nghiệp; những chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến chia sẻ tại diễn đàn

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến cho hay, tháng 4 vừa qua, ông cùng đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại 3 tỉnh ở phía Nam. Thực tế đáng báo động là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều. Tình trạng mất việc làm của lao động ở phía Nam cao hơn nhiều miền Bắc. Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho lao động.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Nhung cho biết: Hiện nay sinh viên có nhu cầu làm thêm rất lớn. Bộ GD&ĐT đã giao các cơ sở giáo dục hướng dẫn sinh viên tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng, tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời bồi dưỡng kiến thức cho các em hoặc tổ chức các ngày hội việc làm. Qua nắm bắt, đa phần sinh viên làm thêm sau giờ học thể hiện sự năng động, mong muốn phát triển kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Nhung chia sẻ tại diễn đàn

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Nhung, một bộ phận thanh niên chỉ đi làm thêm sau giờ học để kiếm thêm thu nhập, chưa làm thêm theo ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên làm thêm nhưng kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật đầy đủ dẫn tới tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, nhận thù lao trực tiếp dẫn tới khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề.

Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH cùng các bộ, ngành sẽ nghiên cứu quy định cụ thể, quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt hơn việc làm thêm sinh viên, tuyển dụng sinh viên làm thêm, bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên. Chú ý giải pháp, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, hiểu rõ nguyên tắc lao động, điều kiện lao động, các vấn đề quản lý lao động… Cùng với đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong quản lý sinh viên làm thêm. Chẳng hạn, thầy cô, cha mẹ giới thiệu việc làm phù hợp với các em, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh: Thực tế, có nhiều việc làm thêm trên mạng xã hội, trang web lợi dụng lòng tin, mong muốn làm việc lương cao của sinh viên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt đối với sinh viên chưa đủ 18 tuổi, các em cần hiểu rõ hơn các công việc được làm phù hợp với sức khỏe, thời gian làm việc và nhận được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu kết luận diễn đàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Có thể nói, lực lượng lao động là thanh niên luôn luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên…

Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Thông qua diễn đàn sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và vai trò quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách về việc làm cho thanh niên phù hợp với tình hình mới.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, diễn đàn “Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023” sẽ góp phần đưa chính sách vào đời sống thanh niên thiết thực nhất; thanh niên sẽ chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để thích ứng với bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu phát triển của đất nước.

N.H

Để mỗi thanh niên chọn những cuốn sách làm bạn đồng hànhĐể mỗi thanh niên chọn những cuốn sách làm bạn đồng hành
Thúc đẩy sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niênThúc đẩy sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niên
Ấm áp, nghĩa tình hành trình hướng về biển đảo quê hươngẤm áp, nghĩa tình hành trình hướng về biển đảo quê hương
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên năm 2023Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên năm 2023

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc