"Làm bạn với dân cũng cần phải học”

09:16 | 12/05/2011

500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện nghệ sĩ trở thành chính khách không mới ở các nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam thì vẫn là điều mới mẻ. Bà Phạm Phương Thảo Chủ tịch HĐND TP HCM chia sẻ quan điểm với PV Năng lượng Mới.
lam ban voi dan cung can phai hoc_8221
Bà Phạm Phương Thảo

Không phải lần đầu tiên nghệ sĩ tham gia ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội. Nhưng việc diễn viên điện ảnh Hồng Ánh là ứng viên trẻ nhất có tên trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII của TP HCM đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Bầu cử HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2016 cũng theo đó nóng dần lên với 10% danh sách ứng viên là nghệ sĩ, báo giới. Chuyện nghệ sĩ trở thành chính khách không mới ở các nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam thì vẫn là chủ đề "hot” trên báo chí thời gian qua. Phóng viên báo NLM đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Phương Thảo – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Chủ tịch HĐND TP HCM xung quanh vấn đề này.

PV: Việc các nghệ sĩ được đề nghị ứng cử Quốc hội và HĐND TP được dư luận xem như là điểm mới của nhiệm kỳ này. Là một chủ trương hợp thời hay là do tự các ban, ngành gửi danh sách lên, thưa bà?

Bà Phạm Phương Thảo: Thật ra, chuyện nghệ sĩ tham gia Quốc hội đã có từ những khóa trước, như NSND Chu Thúy Quỳnh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nghệ sĩ Thúy Cải… Không phải đến Hồng Ánh mới có, Hồng Ánh không phải là trường hợp đầu tiên. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng cũng là cơ quan đại diện của nhân dân, nên đương nhiên cũng cần cơ cấu nhiều ngành nghề, giới tính, lĩnh vực, vùng miền… để các đại biểu nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân thuộc lĩnh vực, vùng miền đó.

PV: Và bà cho rằng đó là một chủ trương đúng đắn?

Bà Phạm Phương Thảo: Như Bác từng dạy: Văn hóa cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hiện nay, bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế, thì văn hóa cũng cần được chú trọng, quan tâm hơn. Càng hội nhập (kinh tế) thì càng phải giữ bản sắc (văn hóa).

Mặt khác, các chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, nhất là với những ngành đặc thù như múa, xiếc… thời gian qua cũng có nhiều điều chưa thỏa đáng. Việc các nghệ sĩ tham gia Quốc hội hay HĐND các cấp sẽ góp thêm một tiếng nói, một tấm lòng, một ý chí để tạo điều kiện cho sự đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này tốt hơn. Chính phủ, các Bộ sẽ có thêm những thông tin cụ thể từ chính người trong cuộc, từ đó hoạch định chính sách đối với công tác văn hóa cũng như đãi ngộ văn nghệ sĩ sâu sát hơn, thực tế hơn. Đồng thời có những chính sách xã hội hóa một cách đúng dắn để thu hút sự đầu tư của nhân dân vào lĩnh vực văn hóa, trên cơ sở Nhà nước quản lý.

PV: Bà có niềm tin vào các đại biểu xuất thân là nghệ sĩ không? Rằng họ sẽ đảm nhận và hoàn thành trọng trách của mình trước dân?

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi có thói quen đọc báo, xem tivi vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm nên cũng theo dõi kịp thời các thông tin thời sự. Gần đây thấy các nghệ sĩ cũng bắt đầu có những cuộc tiếp xúc với báo chí, đưa ra những chương trình hành động của mình. Hồng Ánh, Hồng Vân, Quế Trân hay Thanh Thúy đều tỏ ra rất tự tin. Cá nhân tôi cũng mong mỏi và hy vọng rằng, các nghệ sĩ sẽ xứng đáng với lòng tin của người dân dành cho họ.

PV: Là Chủ tịch HĐND, người được dân yêu mến xem như là người trong nhà, bà có lời khuyên gì dành cho các nữ ứng viên này, khi họ trở thành đại biểu của dân?

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi cho rằng, xây dựng đời sống văn hóa không chỉ là nêu lên được những bức xúc ở lĩnh vực này, mà còn góp phần xây dựng chính sách, định hướng để lĩnh vực này phát triển, thu hút đầu tư của Nhà nước nhiều hơn. Chỉ ra thiếu sót thì dễ, đề xuất giải pháp mới là quan trọng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các loại hình nghệ thuật phát triển bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, thiếu những tác phẩm có tính định hướng tư tưởng thẩm mỹ.

PV: Cụ thể, thì một ông (bà) hội đồng cần có những tố chất nào? Bởi làm đại biểu của dân đã khó, làm bạn của dân còn khó hơn nhiều…

Bà Phạm Phương Thảo: Bản thân các nghệ sĩ đã có ảnh hưởng xã hội, có tác động mạnh đến công chúng. Nếu họ đại diện cho Hội đồng tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, những giá trị văn hóa cho người dân, thì sẽ tạo được sự lan tỏa nhanh hơn, rộng lớn hơn. Mặt khác, các nghệ sĩ cũng sẽ có cơ hội hiểu hơn về những vấn đề đang đặt ra của đất nước, của xã hội. Về phương diện nào đó, tham gia Hội đồng, họ sẽ có được một tầm nhìn mới, một sự trưởng thành về tư tưởng, tạo nên những điển hình tốt, đắm mình vào cuộc sống cùng nhân dân. Để làm được điều đó, họ sẽ phải luôn luôn rèn luyện, để hình ảnh của họ trước công chúng gần gũi hơn, giản dị hơn.

PV: Có "trường học” nào dạy cho họ không, thưa bà?

Bà Phạm Phương Thảo: Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần nói: Làm đại biểu Quốc hội phải là 3 trong 1: một luật sư – để hiểu biết pháp luật; một người dân – để hiểu bức xúc trăn trở của dân; một nhà báo – để thu hút công chúng, quan hệ với báo chí thuận lợi. Suốt ngày bị các nhà báo chất vấn ngược, áp lực lắm. Chưa kể các kỳ họp đều được truyền hình trực tiếp để dân giám sát, mình nói không đúng, không trúng là bị “phê” ngay. Nên Quốc hội mới có Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, có những chuyên đề dạy kỹ năng, diễn thuyết, tư vấn chất vấn, kỹ năng tiếp xúc báo chí… để đại biểu làm tốt nhiệm vụ của mình. Cấp hội đồng thì cũng phối hợp Trung tâm để bồi dưỡng thêm cho các đại biểu những kỹ năng cần thiết. Làm đại biểu đâu có đơn giản đến ngày là cắp cặp đi họp. Chọn vấn đề gì để nói trong 7 phút cho phép là không dễ. Vụn vặt quá không được, tầm vóc quá cũng không hay. Nên thực tế có không ít đại biểu suốt cả một nhiệm kỳ không phát biểu được điều gì trước hội trường, vai trò của họ khá mờ nhạt.

PV: Diễn thuyết đúng là một điểm yếu của người Việt Nam mình, dù người đó là đại biểu Quốc hội. Có thể có suy nghĩ nhưng nói sao để thuyết phục số đông thực khó. Nhưng nghệ sĩ, vốn dĩ có ưu thế là người của công chúng, hẳn tâm lý của họ sẽ tốt hơn khi xuất hiện ở nghị trường?

Bà Phạm Phương Thảo: Làm đại biểu Quốc hội dễ… sảy lưỡi lắm, không như hát một bài, hay diễn một vở kịch. Thoại có thể học thuộc, giọng hát có thể rèn luyện nhuần nhuyễn, thành thục. Nhưng chất vấn đòi hỏi sự hiểu biết đến mức tường tận, cụ thể sự việc đó. Hiểu rồi, đòi hỏi trình bày sao cho thuyết phục. Chỉ còn cách là phải sống thật gần dân. Và chuẩn bị tinh thần để vượt qua tâm lý đó. Nói chung, như tôi đã nói ở trên, vô Quốc hội, vô Hội đồng là áp lực lắm, phải nghiên cứu luật – lệ, phải tìm hiểu cuộc sống của dân, phải dành thời gian họp hành. Nên tôi mong rằng báo chí, dư luận sẽ có cái nhìn bao dung hơn với các đại biểu, nhất là nghệ sĩ, để họ được tham gia vào các cơ quan dân cử, vừa tạo nên những hình ảnh đẹp cho công chúng, nhất là giới trẻ noi theo, vừa tạo không khí dân chủ cho cơ quan lập pháp vốn dĩ vẫn bị gắn cho cái tiếng là khô khan (cười).

PV: Còn điều gì bà muốn gửi gắm đến các nghệ sĩ đang và sẽ là đại biểu của Quốc hội, HĐND TP?

Bà Phạm Phương Thảo: Làm bạn với dân không khó, dù sẽ phải học và học không ngừng nghỉ. Rồi cuộc sống sẽ dạy mình, nhân dân sẽ dạy mình thôi. Với tôi, đây thực sự là một trải nghiệm quý giá, một sự trưởng thành đáng trân trọng nhất trong cuộc đời. Thành công hay không, được dân tin hay không, mấu chốt là mình có thực sự tâm huyết với sự nghiệp này không…

PV: Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Thanh Lê