Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. |
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thông qua có 8 chương và 55 điều, quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cũng như các lực lượng, phương tiện, điều kiện hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, Luật đã làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về các hoạt động này, trong đó Chính phủ được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Bộ Công an sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ triển khai các công tác này, trong khi Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp sẽ phối hợp thực hiện quản lý trong phạm vi nhiệm vụ của mình. Tại các huyện không có đơn vị hành chính cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật.
Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, có trách nhiệm tham gia các Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành hoặc đội dân phòng khi có yêu cầu.
Trước khi biểu quyết thông qua Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình về quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ông nhấn mạnh, các quy định trong Luật đã được chỉnh sửa theo hướng rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và thực hiện được. Đồng thời, Luật cũng tăng cường phân cấp, phân quyền, rõ ràng nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.
Đặc biệt, một trong những điểm đáng chú ý là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, giúp việc thực hiện công tác phòng cháy trở nên thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phòng cháy đối với các nhà ở sau khi chuyển đổi công năng thành các cơ sở kinh doanh như karaoke, quán bar, vũ trường. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ rằng việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang các loại hình kinh doanh này phải thực hiện theo quy trình quy định của pháp luật về xây dựng và bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy. Đồng thời, hành vi cấm chuyển đổi công năng không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đã được quy định tại Điều 14 của dự thảo Luật, vì vậy Quốc hội quyết định không bổ sung thêm quy định này vào Điều 20 của Luật.
Một vấn đề được thảo luận khác là việc xử lý các cơ sở không đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã được đưa vào sử dụng trước khi Luật có hiệu lực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định rõ việc xử lý các cơ sở không thể khắc phục theo các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện hành, trong đó yêu cầu các cơ sở này phải ngừng hoạt động. Nếu cơ sở cố tình tiếp tục hoạt động mà không khắc phục vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Huy Tùng
-
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Quyết định phương án sắp xếp đơn vị hành chính
-
Đề xuất giảm thuế TNDN với cơ quan báo chí xuống mức 10%
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật vừa được Quốc hội thông qua
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025
-
Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5