Quốc hội sắp chất vấn về phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp

08:13 | 11/11/2021

1,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội bước vào ngày thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nội dung liên quan tới nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Quốc hội sắp chất vấn về phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp - 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: QH).

Nội dung chất vấn với tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư

Theo kế hoạch, từ 14h55 ngày hôm nay (11/11), Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Các nội dung chất vấn bao gồm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các vấn đề như công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển… cũng nằm trong nhóm nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo thông lệ của kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau cùng. Thời gian dành cho Thủ tướng từ 9h50 đến 11h20 ngày mai (12/11). Như vậy, so với dự kiến ban đầu được Tổng thư ký Quốc hội thông tin, thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ đã tăng từ 60 phút lên 90 phút.

Có gì trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Trước đó, trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành một phần riêng đề cập tới các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ này cho biết hiện nay dự thảo Chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, các quốc gia đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.

Thời gian qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung.

Đồng thời chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

"Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tại thời điểm hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Cũng tại báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết một loạt nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân của dự án đầu tư công.

Theo ông Dũng, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành, đặc biệt các quy định chỉ được phép lập và phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn, khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao.

Nhiều dự án do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, khi bố trí kế hoạch vốn, triển khai dự án phát sinh nhiều yếu tố như thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, chưa phù hợp quy hoạch… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến 31/10/2021 mới đạt 257.387,17 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 67,25%), trong đó vốn trong nước đạt 60,89% (cùng kỳ năm 2020 là 72,57%), vốn nước ngoài đạt 15,29% (cùng kỳ năm 2020 đạt 30,15%).

Bộ trưởng cũng nêu nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Một là, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Hai là, sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch Covid-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn. Nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Ba là, trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp lựa chọn "đóng băng" trong ngắn hạn để xem xét tình hình, diễn biến của dịch bệnh, "trú ẩn" để bảo toàn nguồn vốn chờ qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp và giãn cách nghiêm ngặt.

Theo Dân trí

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Người dân đang đói, cán bộ đừng nghĩ về nhà!"
Bộ trưởng Tài chính: Nhiều nơi còn nghèo, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 nămBộ trưởng Tài chính: Nhiều nơi còn nghèo, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 năm
Đại biểu Quốc hội: Bộ Giáo dục chậm trễ, lúng túng ứng phó với đại dịchĐại biểu Quốc hội: Bộ Giáo dục chậm trễ, lúng túng ứng phó với đại dịch
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu phương án để Giám đốc bệnh viện tránh lao lýBác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu phương án để Giám đốc bệnh viện tránh lao lý
Thu từ chứng khoán, đất đai tăng đột biến, đại biểu Quốc hội lo rủi roThu từ chứng khoán, đất đai tăng đột biến, đại biểu Quốc hội lo rủi ro
"Không thể cứ vay tiền thuê nước ngoài để xây đường sắt đô thị"
Lo rủi ro lạm phát, nợ xấu tăng, đại biểu nói cách Lo rủi ro lạm phát, nợ xấu tăng, đại biểu nói cách "tiếp máu" cứu kinh tế

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc