Quảng Bình: Liệt sĩ trở về quê hương sau 50 năm

09:18 | 23/04/2015

1,375 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến đã lùi xa tròn 40 năm, nhưng có những người lính phải mất nửa thế kỷ mới trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ngày 17/4, ông Hồ Xuân Hương (SN 1941) người con vùng quê Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) trở về trong sự ngỡ ngàng của gia đình và quê hương.

50 năm ly hương

Sinh ra tại một làng quê nghèo cát trắng, ông Hồ Xuân Hương là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải sống xa nhà khi mới 16 tuổi.

“Năm 16 tuổi tui đã đi làm công nhân vườn ươm, rồi vào Xí nghiệp Gạch Ngói 1-5. Được một thời gian, tui nhập ngũ ở huyện Bố Trạch” ông Hương kể lại.

Quảng Bình: Liệt sĩ trở về quê hương…sau 50 năm mất tích

Ông Hồ Xuân Hương trong ngày trở về quê hương.

Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc ông đã được biên chế vào Đại đội vận tải đường biển số 27, chuyên đóng vai ngư dân đi đánh cá trên biển để vận chuyển hành hóa, đạn dược cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trong một chuyến vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vào năm 1965 thuyền của ông Hương cùng đồng đội bị địch phát hiện và vây bắn, đồng đội hi sinh gần hết, riêng ông bị thương trôi trên biển và được địch vớt lên cứu chữa.

“Khi cứu tui rồi, bọn địch đã lôi tui ra tra khảo hỏi cung, nhưng tui khai tên là Nguyễn Thanh quê Quảng Trị đi đánh cá không may bị thương và rớt xuống biển, do không tin nên bọn chúng đánh đập tra tấn tui rất dã man nhưng tui chỉ có khai vậy”, ông Hương kể lại.

Sau đó, ông Hương bị đày ra đồn Mang Cá (TP Huế), vào Đà Nẵng rồi tiếp tục đày ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trải qua nhiều nhà tù với những trận đòn tra tấn bằng roi cá đuối vào hai bên sườn, chích điện vào lỗ tai… đã làm người thanh niên miền quê biển cường tráng ngày nào mất hết sức lực.

Quảng Bình: Liệt sĩ trở về quê hương…sau 50 năm mất tích

Tấm bằng Tổ quốc ghi công của ông Hồ Xuân Hương

Vào khoảng năm 1974, do không “moi” được gì từ người lính cứng đầu, nên giặc đã thả tự do cho ông. Ra khỏi nhà tù, hậu quả của những trận đòn tra tấn đã làm ông mất hết trí nhớ về người thân và quê hương, ông lang thang khắp nơi từ Sài Gòn, Bình Dương về tới Đồng Nai như kẻ bụi đời. Trong một lần đang đi bất ngờ ông Hương gặp một người phụ nữ quê miền Bắc gọi vào cho ăn, biết rõ sự tình, thương cảm với hoàn cảnh nên đã cho ông ở lại trong nhà, phụ giúp bà làm việc trong nhà.

Cũng chính người phụ nữ tốt bụng này đã mai mối cho ông lấy được bà Hà Thị Đỏ làm vợ. Hai vợ chồng ông Hương, bà Đỏ sau đó dắt nhau về làm rẫy ở Ấp Lộc Hoà, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho đến tận bây giờ mà không hề nhớ gì đến quê hương.

“Tui có một gia đình nhỏ, có hai trai và hai cháu gái, cuộc sống như vậy là ổn, nhưng suốt 50 năm qua tui cứ canh cánh trong lòng một việc là không tài nào nhớ ra nỗi quê hương bản xứ của mình ở đâu, khi những đứa con tui lớn lên bọn nó cũng có hỏi quê nội ở đâu mà mắt tui cứ ngấn lệ, không biết trả lời như thế nào với con…!” - ông Hương tâm sự.

Thấm đẫm nước mắt ngày trở về

Cuộc sống của gia đình ông Hương cứ như vậy trôi đi trong ngôi nhà nhỏ ở Đồng Nai, những người con của ông ai cũng nghĩ chắc rằng sẽ không bao giờ biết được quê nội ở đâu.

Quảng Bình: Liệt sĩ trở về quê hương…sau 50 năm mất tích

Ông Khanh (áo xanh) và bà Hồ Thị Thùy (ngoài cùng bên trái) - hai người em của ông Hương

Nhưng rồi, khoảng giữa năm 2013, ông Hương đột nhiên bị sốt nặng, nằm mê man không biết gì, trong những lúc “thần trí bất định” thì ký ức những trận đòn thù bằng da cá đuối, những lần chích điện vào lỗ tai làm thân hình ông tê liệt… và rồi tên tuổi ba, mẹ cùng các chị em nơi làng quê Lý Nhân Bắc lại được hiện về. Ông Hương bật dậy gọi vợ ghi lại hết thông tin và bắt đầu nhờ người tìm kiếm.

Một sự may mắn nữa lại đến với gia đình ông Hương, khi người con dâu cùng làm việc chung với một người bạn gái quê xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch) nên đã nhờ giúp tìm lại quê hương. Người bạn gái này đã điện về quê cho ba mình tên là Chiến ở quê đi tìm hộ trong suốt 2 năm.

“Do ba em khi nhớ lại đã kể tên hai người em là Khanh và Thùy ở quê xã Lý Trạch, nhưng khi đất nước thống nhất quê của ba lại được chuyển vào xã Đại Trạch nên bác Chiến đã ròng rã hai năm trời tìm kiếm mà không thấy, đến đầu tháng Tư vừa rồi bác Chiến lại đi dò hỏi ở xã Lý Trạch thì mới vỡ lẽ ra là quê Ba ở xã Đại Trạch”- chị Loan (SN1978) con ông Hương kể lại.

Tâm sự với chúng tôi, bà Hồ Thị Thùy (SN 1948, em gái ông Hương) nói: “Ngày 13/4 vừa rồi, tui nhận được điện thoại từ trong Đồng Nai gọi ra mà vui mừng khôn xiết, tui với mấy anh chị tưởng rằng anh trai mình đã hi sinh, bởi trước đây có tin báo về là anh Hương đi vận chuyển tiếp tế cho miền Nam bị địch phát hiện bắn chìm tàu nên cứ nghĩ là anh ấy rơi xuống biển mất tích rồi. Sau đó xã cũng đã có giấy báo tử và trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình vào năm 1978, có ai ngờ sau 50 năm anh tui lại trở về…!”.

Ngồi bên cạnh, ông Hồ Văn Khanh lặng lẽ gạt nước mắt tiếp lời em gái: “Khi nhận được điện thoại từ anh Hương tui không tin vào tai mình, với giọng nói đặc sệt tiếng quê tui, rồi còn nói rõ họ tên ba mẹ, anh chị em trong nhà làm tui chỉ có khóc và nói anh ơi mau về với em”.

Ngày 17/4, cả làng Lý Nhân Bắc vỡ òa trong cảm xúc, mọi người ai ai cũng đổ ra đường để ngắm nhìn người con sau 50 năm lưu lạc nay đã trở về quê hương bản xứ, khi nhìn thấy ông Hương, mọi người đã không kìm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh ông Hương khóc nức nở như đứa trẻ thơ trong vòng tay của những người anh em.

Trần Hùng (theo Năng lượng Mới)