Quan điểm của Bộ ngành về dự án lọc hoá dầu 27 tỉ USD

16:27 | 19/05/2013

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 652/TTg-KTN về dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn nhà đầu tư lập Dự án đầu tư theo đúng quy định, lưu ý ý kiến của các Bộ, ngành. Vậy các Bộ, ngành đã có quan điểm như thế nào xung quanh siêu dự án này?

 

Nhiều băn khoăn về dự án lọc hoá dầu Nhơn Hội (Bình Định).

Bộ Giao thông Vận tải: Hạch toán chi phí nạo vét luồng vào kinh phí đầu tư

Tại Công văn số 1382/BGTVT-KHĐT ngày 19/2/2013, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần nghiên cứu kĩ về nhu cầu của thị trường và nguồn nguyên liệu để đảm bảo phù hợp với quy hoạch và tính cân đối, khả thi và hiệu quả kinh tế của các dự án lọc dầu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện cũng như của dự án này.

Cần lưu ý tuyến luồng vào khu vực Nhơn Hội hiện nay đang rất cạn. Do vậy để có thể xây dựng khai thác bến tạm phục vụ thi công cũng như xây dựng phương án nhập dầu thô cần nạo vét luồng và hạch toán chi phí này vào kinh phí đầu tư xây dựng của dự án. Trong các bước triển khai tiếp theo, chủ đầu tư cần thực hiện việc bổ sung quy hoạch cảng chuyên dụng của nhà máy theo quy định hiện này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản

Tại Công văn số 583/BTNMT-KH ngày 22/2/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Để đảm bảo cơ sở pháp lí triển khai dự án, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, cần bổ sung dự án vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của địa phương trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Toàn bộ diện tích khu kinh tế Nhơn Hội có tiềm năng về quặng sa khoáng, ti tan trong tần cát xám nhưng chưa được đánh giá tổng thể. Đề nghị cân nhắc kĩ vị trí, quy mô dự án và có giải pháp thực hiện phù hợp để tránh làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản. Dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ Tài chính: Áp dụng ưu đãi theo quy định hiện hành

Tại Công văn số 3148/BTC-ĐT ngày 12/3/2013, Bộ Tài chính cho rằng: Việc xem xét bổ sung dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội cần được xem xét tổng thể trên cơ sở nhu cầu và khả năng cung cấp các sản phẩm lọc hóa dầu tại thị trường trong nước, khả năng xuất khẩu, các yếu tố nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm, năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Về các ưu đãi và cam kết của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng cho dự án thực hiện theo quy định hiện hành. Việc bổ sung dự án vào quy hoạch thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Chính phủ sẽ không chịu bất cứ ràng buộc nào về cam kết bảo lãnh của Chính phủ theo đề nghị của chủ đầu tư hay của các bên liên quan. Ngoài ra, về hiệu quả kinh tế của dự án, Bộ Tài chính đề nghị nhà đầu tư tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án trên cơ sở các ưu đãi theo quy định hiện hành của pháp luật, và cần làm rõ thời gian hoạt động của dự án là bao nhiêu năm.

Bộ Xây dựng: Đổi tên dự án

Tại Công văn số 393/BXD-HĐXD ngày 14/3/2013, Bộ Xây dựng cho rằng: Bộ Xây dựng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Trường hợp dự án được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch, đề nghị Bộ Công Thương rà soát điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án lọc dầu, hóa dầu trong quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai ngành dầu khí nói chung và các dự án lọc dầu, hóa dầu nói riêng. Đáng chú ý, Bộ Xây dựng yêu cầu nhà đầu tư đổi tên dự án đầu tư phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và cam kết sản phẩm của nhà máy không làm ảnh hưởng, chi phối đến thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.

Bộ Công Thương: Tiến độ dự án khó khả thi

Tại Tờ trình số 3044/TTr-BTC ngày 9/4/2013, Bộ Công Thương cho rằng: Nhà đầu tư đề xuất tiến độ dự án quý I/2016 khởi công và sau 3,5 năm sẽ hoàn thành. Theo Bộ Công Thương, tiến độ như đã nêu đối với dự án có quy mô công suất 30 triệu tấn/năm có cấu hình công nghệ phức tạp và đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn lại đầu tư trong điều kiện cụ thể của Việt Nam là khó khả thi.

Về nguồn nguyên liệu dầu thô, dự kiến dự án sẽ sử dụng dầu thô nhập khẩu với cơ cấu 50% thông qua hợp đồng dài hạn và 50% thông qua hợp đồng ngắn hạn. Theo Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn như đề xuất là tương đối rủi ro đối với một dự án có công suất lớn, cần phải tăng tỉ lệ nguyên liệu qua hợp đồng dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu dầu thô đề cập trong báo cáo mới chỉ dừng ở mức dự kiến.

Về vấn đề thu xếp vốn, theo đề xuất của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án ước tính 27 tỉ USD, trong đó cơ cấu vốn góp/vốn vay là 50/50 hoặc 40/60. Đây là khoản tiền rất lớn, việc thu xếp vốn góp và vốn vay chưa rõ ràng và không đơn giản.

Bộ Công Thương cho rằng: Trong bối cảnh tình hình thu hút FDI đang gặp khó khăn, các dự án nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong và nhà máy lọc dầu Long Sơn chưa tìm được đối tác tham gia đầu tư thì việc có đối tác quan tâm khả năng đầu tư dự án nên được ủng hộ. Mặt khác, quy hoạch phát triển ngành dầu khí cũng để mở khả năng bổ sung các nhà máy lọc dầu mới phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu. Vì vậy việc xem xét bổ sung dự án vào quy hoạch để có cơ sở cho chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo là cần thiết.

Lương Bằng