PISA và câu chuyện chất lượng giáo dục

07:00 | 18/12/2013

1,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi kết quả của kỳ thi quốc tế PISA được công bố, đã có nhiều tiếng nói lạc quan, thậm chí có cả bài viết: “Giáo dục Việt Nam ưu việt hơn nhiều nước tiên tiến trên thế giới”, “Không cần đầu tư nhiều cho giáo dục vẫn được kết quả cao”. Tuy nhiên, trên thực tế, bảng xếp hạng của PISA không phản ánh chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Năng lượng Mới số 283

Xin đừng ngộ nhận

Vào cuối thế kỷ XX, OECD tiến hành Dự án PISA (Programme of International Student Assessment). Dự án chú trọng vào việc cung cấp các thông tin về văn hóa, kinh tế và chính sách liên quan đến giáo dục của các nước trên thế giới, trong đó khu vực châu Á có hai nước tham gia là Nhật Bản và Hàn Quốc. Kỳ thi PISA được tổ chức 3 năm một lần với mục đích đánh giá các nền giáo dục trên thế giới thông qua việc kiểm tra kỹ năng và kiến thức dành cho học sinh tuổi 15.

Định hướng của cuộc thi là quan tâm đến việc học sinh có thể làm được gì với những vấn đề học ở trường, hơn là các em có học được hay không. So với các kỳ thi quốc tế khác, PISA tập trung vào khả năng toán học, khoa học và đọc hiểu hơn là kỹ năng và kiến thức học được trong nhà trường. Trong các kỳ tổ chức của PISA, nội dung bao gồm hai phần: Phần kiểm tra khả năng của học sinh và thống kê những vấn đề liên quan đến giáo dục và nhà trường.

Điều đặc biệt là PISA không nhằm so sánh năng lực của học sinh giữa các nước với nhau, mà chỉ là ghi nhận năng lực này, đồng thời tìm mối liên hệ với các yếu tố khác mà đặc biệt là các yếu tố về chính sách để tìm ra nguyên nhân của hiện trạng đó, từ đó đưa ra những khuyến nghị chung về chính sách giáo dục mà tất cả các quốc gia đều có thể học hỏi và áp dụng.

Mặc dù đạt thứ hạng cao trong kỳ khảo sát PISA 2012 nhưng chất lượng giáo dục của Việt Nam chưa thật sự xứng tầm

Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia vào kỳ kiểm tra PISA và đến ngày 3/12, chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 đã công bố kết quả khảo sát và học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về toán trên tổng số 65 nước tham gia. Được biết, OECD đã tiến hành khảo sát hơn 510.000 học sinh ở 65 quốc gia.

Sau khi kết quả này được công bố, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Kết quả này bất ngờ cả với chúng tôi. Khi bắt đầu tham gia chương trình này, ta chỉ hy vọng học sinh đạt trung bình hoặc dưới trung bình”. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, kết quả của kỳ thi hoàn toàn chính xác, khách quan. Sau khi kết quả PISA 2012 được công bố, trên các diễn đàn, website và mạng xã hội đã và đang có những luồng ý kiến khác nhau về khẳng định trên của Bộ GD&ĐT. Trong những ý kiến đóng góp cho rằng, với kết quả PISA như trên, ngành giáo dục không nên vui mừng quá sớm bởi thực tế, chất lượng toàn diện của nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một kỳ thi do một tổ chức có uy tín trên thế giới như OECD đánh giá. Dù kết quả lần đánh giá này được xem là khá cao nhưng chúng ta cũng có thể thụt lùi trong những kỳ thi tiếp theo nếu như không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục.

Vui thoáng qua - lo lâu dài

Kết quả cao của Việt Nam tại kỳ khảo sát PISA 2012 ở cả ba lĩnh vực: toán học, đọc hiểu và khoa học thực sự đã làm ngành giáo dục phấn khởi. Kết quả này cũng gây ấn tượng với nhiều tổ chức quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam vẫn nằm trong số những nước có nền kinh tế đang phát triển. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhận xét: “Kết quả mà PISA vừa công bố thật ấn tượng với thành tích của học sinh Việt Nam”.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào, cũng có những ý kiến thận trọng. Một số nhà giáo dục cho rằng không nên coi kết quả này như một thành công của giáo dục phổ thông và cần thận trọng khi dùng các kết quả này để xây dựng chính sách giáo dục phổ thông cho Việt Nam vì mỗi nước có một cấu trúc hệ thống THPT khác nhau, PISA không phản ánh chính xác chất lượng của từng hệ thống. Ngay bản thân Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, kết quả PISA của ta tuy có hơn nhiều nước phát triển, nhưng PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chỉ đánh giá ba năng lực: đọc hiểu, toán, khoa học.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hệ phổ thông của nước ta đang được dạy rất nặng về toán. Sang nước ngoài, đầu vào học sinh Việt Nam giỏi hơn quốc tế nhưng sức vươn rất yếu. Nếu không nhìn nhận khách quan, tỉnh táo mà vội vui mừng, tự ru ngủ với những kết quả vô nghĩa kia, những người chủ cựu trong công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục sẽ chủ quan và có thể chuyển sang thế khác.

Đồng quan điểm, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Các lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục không thể dựa vào thứ hạng đó mà hài lòng với kết quả giáo dục của mình, bởi thực tế đó chỉ là mũi nhọn còn đại trà, học sinh của nước ta còn rất yếu. Hơn nữa, với học sinh được chọn đi để đánh giá cũng chỉ mới xét ở ba mặt, còn những mặt khác chắc gì đã tốt.

PGS Trần Xuân Nhĩ băn khoăn: “Kết quả PISA liệu đã đánh giá toàn diện về học sinh cũng như chất lượng giáo dục Việt Nam và những thành tích đó liệu đã đủ để học sinh thành người chưa? Có người nói rằng, xếp thứ hạng cao trong PISA là điều bất ngờ nhưng theo tôi, không có gì ngạc nhiên cả vì người Việt Nam vốn thông minh nhưng vấn đề là định hướng giáo dục. Liệu rằng cái tổng thể của mình có đạt được không hay chỉ là những thành tích cá nhân một mùa?”.

Trao đổi với báo chí, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đánh giá: “PISA vẫn chỉ là cách làm mang nặng tính thành tích. Đừng vội mừng vì xếp hạng học sinh Việt Nam cao hơn Mỹ. Người dân chỉ thấy sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp quá nhiều thôi”.

Trên thực tế, một cá nhân muốn trở thành người đúng nghĩa với nhân tính và kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm thực hiện một nghề trong xã hội cần ít nhất 9 năm học tới cấp hai và 1-2 năm học nghề. Tổng cộng là 11/12 năm cho tới 16 năm nếu như học hết cấp 3 và đại học. PISA nếu thành công chỉ phản ánh một lát cắt trong chuỗi thời gian đó và cũng chỉ bao quát một phần tri thức của học sinh. Thành công tại PISA không đảm bảo sự thành công của toàn bộ chuỗi giáo dục cho tới khi học hết đại học hoặc học nghề.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam quá ít những nhà khoa học đỉnh cao, chúng ta cũng không có phát minh, sáng chế có giá trị, không tạo ra được công nghệ hiện đại phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Về giá trị đổi mới, sáng tạo, chúng ta đang là quốc gia có thứ hạng trung bình trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên Hiệp Quốc công bố năm 2012, đứng thứ 76/141 quốc gia.

PISA đánh dấu thành công của giáo dục Việt Nam. Chúng ta vui một lúc nhưng còn rất nhiều suy tư và vấn đề của giáo dục Việt Nam. Không cần tới PISA hay các công cụ đo lường tương tự, các vấn đề giáo dục của Việt Nam đã thể hiện rất rõ hằng ngày. Câu chuyện của chúng ta nên tập trung nguồn lực và thứ tự ưu tiên nhằm giải quyết thật nhanh những vấn nạn xã hội có nguồn gốc từ giáo dục như “người giàu cướp bia”, “thủ khoa thất nghiệp”, “học sinh mù Anh văn”, “sinh viên nghèo kỹ năng sống”, “chảy máu ngoại tệ khi học sinh đi du học”... thay vì chạy theo những chỉ tiêu ngắn hạn như PISA.

Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học (528 điểm), thứ 17 về toán (511 điểm) và thứ 19 về đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore. Ở môn toán, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu với điểm số trung bình 613. Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm) và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31).

Nhã Anh