Phụ nữ đẹp trong mắt ai?

06:00 | 14/02/2015

2,187 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói về cái đẹp thì thật là vô cùng, bởi con cóc cái là đẹp nhất với con cóc đực, Thị Nở là hoa hậu của Chí Phèo, Hằng Nga mới là hoa hậu của Hậu Nghệ, người lưng thẳng trở thành dị dạng trên một đất nước lưng gù…

Năng lượng Mới số Xuân 2015

1. Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cô gái 18 tuổi mới đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2014 là một ví dụ. Cả Hội đồng Giám khảo khen cô ấy đẹp, xứng đáng với danh hiệu hoa hậu nhất thì nhiều công chúng phản đối bảo cô gái này xấu, trao vương miện cô ấy là xúc phạm các hoa hậu khác…

Không riêng gì Kỳ Duyên mà nhiều nhan sắc khác cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Song, đó cũng là điều dễ hiểu bởi đẹp - xấu là cặp phạm trù không bất biến, cái đẹp của người này có thể là cái xấu của người kia, hay vẻ đẹp của ngày hôm nay có thể là sự xấu xí của ngày mai. Dân gian có câu: “Trong mắt con cóc đực thì con cóc cái là đẹp nhất”; Thị Nở - người mà nhà văn Nam Cao đã miêu tả là xấu xí đến mức “ma chê quỷ hờn” nhưng lại là hoa hậu với Chí Phèo… Chính vì vậy, người ta mới đúc kết được rằng: “Đẹp không phải trên má hồng thiếu nữ mà trong đôi mắt kẻ si tình…”. Và tranh cãi về chuyện đẹp - xấu thì thật là vô cùng. Tùy quan niệm từng người, tùy nền văn hóa khác nhau mà quan niệm về cái đẹp cũng rất khác nhau.

Trương Tri Trúc Diễm, người đẹp Việt được xếp vào hàng 100 người đẹp nhất thế giới

Có người hỏi, cái đẹp của người phụ nữ từ đâu mà có? Dân gian quan niệm, “cái đẹp trời cho”; họ tin rằng, người nào hằng ngày dâng hoa cúng Phật, Bồ Tát thì kiếp sau sẽ được sinh ra có tướng mạo xinh đẹp. Tức, sắc đẹp là phước phận của người đời từ căn tu dưỡng tiền kiếp mà thành.

Ngày nay, nhan sắc có thể được thay đổi nhờ vào sự can thiệp của thẩm mỹ. Song, cái đẹp hình thức bên ngoài có thể thay đổi dễ dàng nhưng cái đẹp bên trong, tức vẻ đẹp tâm hồn thì không thể nào có được từ việc động dao, động kéo. Nhiều nhà, như nhà nhân học, văn hóa, đạo đức học đều quan niệm rằng, một người chỉ được gọi là đẹp khi đẹp cả sắc lẫn tâm hồn.

Nói riêng về vẻ đẹp hình thức thì cũng lại rất vô cùng. Ngày xưa, cái đẹp của người phụ nữ Á Đông được cụ Nguyễn Du miêu tả qua vẻ đẹp của Thúy Vân rằng: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Có thể nói, đây là quan điểm đánh giá về cái đẹp tương đối chuẩn, đầy đủ và phù hợp với cả quan niệm hiện đại. Bởi theo nhân trắc học hiện đại thì ngoài số đo ba vòng, chiều cao, cân nặng thì vẻ đẹp của người phụ nữ còn phụ thuộc vào các chỉ số nhân trắc học của khuôn mặt, hình thể, ánh mắt, giọng nói, tiếng cười…

Dân gian cũng bổ sung thêm một quan niệm khác về cái đẹp hình thức qua câu: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Cũng đúng, bởi người đẹp mà sính với trang phục đẹp thì càng thêm lộng lẫy. Nhất là hiện tại, khi mà ngành công nghiệp thời trang phát triển cực mạnh thì váy áo càng được đặt cạnh bên cái đẹp của người phụ nữ. Nhưng cũng từ đó, chuyện ăn mặc thế nào là đẹp cũng trở nên cực kỳ rối rắm. Cô thì bảo hở mới đẹp, cô kia thì lại bảo kín cổng cao tường mới giống giai nhân! 

Mới đây, chúng tôi có thực hiện điều tra mini, thế nào là một người đẹp qua trang phục và ứng xử. Những người tham gia trả lời như hoa hậu Hà Kiều Anh, hoa hậu Đặng Thu Thảo, Á hậu Tú Anh… có đồng ý kiến rằng: Trang phục đẹp hay xấu còn tùy thuộc vào người mặc, hoàn cảnh, độ tuổi. Điển hình như bộ trang phục gây ồn ào của Hoa hậu đền Hùng Giáng My tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội diễn ra vào tháng 11 vừa qua, nhiều người nói, bộ trang phục rất đẹp nhưng giá như Giáng My trẻ lại khoảng… 20 tuổi thì sẽ phù hợp hơn!

2. Nói về sắc đẹp mà không nói về sức mạnh của nó sẽ thiếu sót. Bởi từ xưa, nhan sắc đã được xem là một thế lực, không những thế, nó còn là một thứ quyền năng. Quyền năng ấy vô thanh, vô ảnh nhưng cũng đủ khiến người khác lâm vào tình cảnh hạnh phúc tột cùng hay tận đáy của khổ đau. Lịch sử đã ghi lại rằng, có rất nhiều nhan sắc đã làm khuynh đảo triều chính, làm đấng quân vương mê đắm đến nước mất, nhà tan, vương triều sụp đổ.

Theo kinh Phật, hàng ngàn năm về trước Đức Phật Thích Ca đã nhìn thấy rõ cái nguy hiểm của nhan sắc. Trong một đoạn Pháp thoại về “Ngũ dục”, ở phẩm “Sắc”, Đức Phật có dạy các Tỳ kheo một ý rằng, không có gì trói cột tâm trí và làm khổ đau người nam bằng nhan sắc người nữ! Ngài khuyên các Tỳ kheo phải xa lánh nữ sắc, như người đội cỏ khô không được đến gần lửa; Tỳ kheo phải hạn chế gặp nữ sắc, nếu gặp thì hạn chế nói chuyện và khi trò chuyện thì hạn chế nhìn từ… mắt cá chân người nữ trở lên!

Trong thời của Đức Phật cũng có vài trường hợp đệ tử của Ngài vướng vào sắc dục mà suýt chút nữa là thoái thất tâm tu. Như A Nan Đà, em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, dù đã xuất gia theo Phật tu hành nhưng tâm hồn thì quanh quẩn bên người vợ xinh đẹp ở kinh thành. Biết được tâm ý của người em, Đức Phật bèn rủ A Nan Đà lên cung Trời dạo chơi. Trên đường, ngang qua một đỉnh núi, cả hai nhìn thấy con khỉ cái bị cháy lem luốc đang ôm gốc cây rất thảm thương. Đức Phật hỏi An Nan Đà: “Vợ con so sánh con khỉ cái này như thế nào?”. A Nan Đà trả lời: “Vợ con xinh đẹp tuyệt vời, con khỉ cái này xấu xí, cách xa một trời, một vực”.

Tới cung trời Đâu Lợi, A Nan Đà kinh ngạc và say mê nhìn ngắm những tiên nữ vui đùa bên những lâu đài nguy nga. Các tiên nữ còn cho biết, lâu đài đó dành cho A Nan Đà sau khi tu tập đắc đạo và họ là những tiên nữ sẽ hầu hạ bên cạnh. Nghe thấy thế, A Nan Đà lấy làm hân hoan cùng Đức Phật trở về hạ giới quyết tu. Sau đó, Đức Phật hỏi A Nan Đà: “Vợ con so sánh với các tiên nữ ấy thế nào?”. A Nan Đà thưa: “Vợ con như con khỉ cái trên đỉnh núi, còn tiên nữ đẹp không ai sánh bằng”. Từ đó A Nan Đà quên luôn người vợ xinh đẹp mà cố gắng tu học, không lâu sau ngài đắc quả A La Hán. Đương nhiên, khi đã là một bậc A La Hán thì ngũ dục tự nhiên cũng mất sạch, sắc đẹp với A Nan Đà trở nên vô nghĩa!

Vậy cuối cùng thì, thế nào là đẹp? Cái đẹp là thế lực nguy hiểm theo quan niệm nhà Phật hay ngược lại là “cứu rỗi thế giới” theo nhà văn Nga Dostoevsky? Tất cả còn tùy thuộc vào chủ quan người đánh giá, vào văn hóa, thời đại khác nhau. Song, quan điểm người đẹp phải có sắc, có tài và có tâm xem ra là thuyết phục nhất đối với số đông trong hiện tại. Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn”, để đi tìm người phụ nữ đẹp như thế là quá khó. Có chăng, khi ta thật sự quan tâm, yêu thương hết mực một cô gái nào đó, thì cô ta dễ dàng trở thành một nhan sắc hoàn hảo. Sự thật đúng là như thế đấy chứ!

Trúc Vân