Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú

08:19 | 29/09/2019

591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghe con trai út kể hôm trước phải chia nhỏ miếng bí đỏ xào và ăn thật chậm, nếu ăn nhanh cả miếng sẽ buồn nôn, chị Khánh (Hà Nội) giật mình.

Quay ra hỏi con trai lớn học cùng trường với em, bà mẹ hơn 40 tuổi hoang mang khi con nói cố gắng ăn hết theo lời nhắc nhở của cô giáo, sau đó vào toilet nôn. "Món bí xào mùi kinh lắm, con không dám đổ đi vì cô mắng. Các bạn cũng vậy, cố ăn hoặc tranh thủ lúc cô quay đi thì đổ vào thùng", cậu bé lớp 5 kể với mẹ.

Có hai con trai học tiểu học đều thừa cân, chị Khánh không lo lắm đến bữa ăn bán trú vì nghĩ "con ăn ở nhà đủ chất là được, ăn ít ở trường không sao". Chị chỉ dặn con hạn chế ăn rau xanh vì có thể tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng nghe con nói, liên hệ với buổi họp phụ huynh đầu năm với chủ đề được quan tâm nhất là chất lượng bữa ăn bán trú, chị bắt đầu lo lắng.

Chị Khánh cho biết, trong buổi họp, cô chủ nhiệm thông báo giá bữa ăn chính và phụ là 28.000 đồng/ngày, tất cả phụ huynh đồng ý, nhưng bày tỏ lo ngại về đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến bữa ăn tại trường học. Nhiều mẹ kể thức ăn nấu không ngon, con ăn ít, đến cuối buổi là đói, có con bị cơn đau dạ dày hành hạ.

Nhà trường dán thông báo bữa trưa nấu món gì ở ngoài cổng. Cô giáo nói có đại diện phụ huynh giám sát quá trình nhận thực phẩm, chế biến thức ăn. "Nhưng dường như việc đó chỉ hình thức, con chê cơm bán trú, về nhà lại ăn ngấu nghiến, rất không điều độ, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập", chị Khánh nói.

Chung lo lắng với chị Khánh, chị Linh (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) kể bếp ăn trường học của con từng xuất hiện thịt gà ôi thiu vào tháng 4/2018. Sau đó, chị cùng nhiều phụ huynh đề nghị được hỗ trợ nhà trường trong giám sát vận chuyển, giao nhận thực phẩm, sơ chế và chế biến đồ ăn. Mỗi ngày, một người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng hai phụ huynh các lớp sẽ giám sát.

Thế nhưng chị Linh chưa thể hài lòng khi việc giám sát mới thực hiện ở bước giao nhận thực phẩm, trong khi mất an toàn vệ sinh có thể ở cả khâu sơ chế và chế biến. "Nhà trường nên hoan nghênh phụ huynh tham gia giám sát bởi cả hai bên đều làm vì học sinh. Hiện, việc này còn quá gượng ép và nhà trường trong thế bị ép buộc", chị Linh nói.

Cho rằng sơ suất trong khâu chế biến thức ăn là bình thường, bữa ăn hàng ngày trong gia đình có thể xảy ra, chị Linh mong thầy cô ở trường cố gắng hết sức và đặt vấn đề sạch, an toàn lên hàng đầu. Khi có sự cố, nhà trường cần nhanh chóng cho phụ huynh biết để cùng nhau giải quyết thay vì giấu diếm.

Bà mẹ này cũng mong muốn nhà trường công khai đơn vị cung cấp thực phẩm, quy trình chế biến đồ ăn thay vì chỉ khi có một sự việc nào liên quan, báo chí vào cuộc thì phụ huynh mới biết. "Từ đầu năm đến giờ, tôi chưa nhận được thông tin gì về việc có thay đổi đơn vị cung cấp thực phẩm hay không, hiện đơn vị nào tiếp nhận", chị Linh nói và cho rằng việc công khai sẽ giúp phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về đơn vị đó.

Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú
Phòng ăn bán trú của một trường học. Ảnh: D.T

Có con trai đang học lớp 3 tại một trường công lập ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Lan Anh cảm thấy lo lắng về chuyện ăn bán trú của con nhưng "cũng chẳng biết làm thế nào". Vợ chồng chị không sống cùng bố mẹ, đều đi làm cả ngày nên việc đưa đón hai con trai học khác cấp rồi về nấu ăn buổi trưa là không thể.

Chị Lan Anh cho biết trường học của con có bếp nấu chứ không thuê công ty ngoài, buổi trưa các cô giáo ăn cùng học sinh nên thấy "yên tâm hơn một chút". Nỗi lo của chị chủ yếu là nguồn gốc thực phẩm. Tuy được thông báo có đại diện một người trong ban phụ huynh trường chịu trách nhiệm giám sát nguồn gốc và quy trình chế biến bữa ăn bán trú, chị Lan Anh "không biết trường và phụ huynh này có thực hiện như vậy hay không".

Hiện lớp con chị có 64 cháu, hơn 2/3 trong số đó tham gia ăn bán trú tại trường với giá 25.000 đồng một ngày. Cũng như chị, đa số phụ huynh của lớp lo lắng về chất lượng các bữa ăn, nhất là khi "nhà trường không thực sự cởi mở trong việc để phụ huynh đột xuất kiểm tra bếp ăn".

Con gái 4 tuổi của chị Hương Lan đang học ở trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) - nơi sử dụng thịt lợn nhiễm sán, gà đông lạnh đã mủn để nấu cho học sinh gây bức xúc vào hồi tháng 3. Sau sự việc, huyện Thuận Thành đã đổi đơn vị cung cấp thực phẩm, sử dụng thực đơn chung cho học sinh mẫu giáo trên toàn huyện, nhưng bà mẹ 39 tuổi vẫn chưa hết bất an.

"Sau vụ thịt có sán, chúng tôi rút ra nhiều bài học. Hiện, chúng tôi đã sát sao hơn, các lớp đều bố trí phụ huynh cùng nhà trường kiểm tra khâu nhập thực phẩm hàng ngày để đảm bảo không xảy ra tình trạng như trước", chị Lan nói.

Chị Lan mong các cơ quan ban ngành của huyện, tỉnh chỉ đạo sát sao, kiểm soát chặt chẽ các công ty cung cấp thực phẩm vào nhà trường, rà soát hồ sơ năng lực, kiểm tra đầu vào thực phẩm thường xuyên. Nhà trường

thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến đúng quy trình trong bếp ăn bán trú, như có lưu giữ mẫu thực phẩm hàng ngày.

*Tên phụ huynh đã được thay đổi.

Theo VNE

Bộ VH-TT&DL yêu cầu ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng
Người bắn pháo sáng trúng đùi nữ CĐV bị xử lý thế nào?
Công an Hà Nội điều tra vụ pháo sáng bắn trúng đùi nữ cổ động viên