Phim Việt: Hài nhảm, 18+ lên ngôi?

07:21 | 22/04/2014

1,294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, số lượng phim thuộc dòng phim nghệ thuật được sản xuất hàng năm càng hiếm. Ngược lại, thể loại hài nhảm, sex, sốc lên ngôi. Lý do được các nhà làm phim đưa ra là: làm phim nghệ thuật thì cầm chắc lỗ vốn nặng!

1. 13 tác phẩm điện ảnh tham gia Cánh diều vàng 2014 vừa diễn ra cách đây không lâu lần lượt là: Những người viết huyền thoại, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến phần 2, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi.

Có thể nói, danh sách trên đã phần nào phản ánh thực trạng điện ảnh nước nhà. Có đến 9/13 phim nặng về yếu tố giải trí, thương mại, thiếu tính nghệ thuật, nếu không nói đó chỉ là những phim hài, tệ hơn nữa là hài nhảm. Thậm chí có những tác phẩm mới ra mắt đã bị liệt vài danh sách các bộ phim “thảm họa”; Cô dâu đại chiến, Tiền chùa, Tía ơi… là những phim như thế!

Trong 4 phim không thuộc thể loại hài thì chỉ có duy nhất phim Những người viết huyền thoại được nhiều nhà phê bình cũng như công chúng đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật, 3 phim còn lại dẫu không hài, không sốc, sex nhưng nội dung nhợt nhạt, không hấp dẫn được người xem.

Những phim nghệ thuật thất bại ở doanh thu phòng vé

Chỉ có 1 phim được đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật được làm ra trong năm còn lại hầu như là phim hài, đó là một thực tế đáng buồn của nền một điện ảnh. Nhưng điều đó không phải chỉ mới xảy ra trong năm 2013 mà nó đã manh nha từ vài năm trước khi mà hầu hết những phim thuộc dòng phim nghệ thuật đều là những phim được đầu tư kinh phí rất cao nhưng đều rơi vào tình trạng lỗ vốn, mà là lỗ rất nặng. Thậm chí có những phim làm xong rồi cất kho chứ không thể ra rạp, đơn giản vì không mang tính giải trí, thương mại, không rạp nào đồng ý hợp tác công chiếu!

Áo lụa Hà Đông của hãng phim Phước Sang được đầu tư lên đến 1 tỷ đôla, là một phim được đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật. Song, chính ông bầu Phước Sang cho biết đó là một phim khiến ông bị lỗ vốn rất nặng, gần một nửa số vốn.

Hiệp sĩ guốc vông do hãng phim Chánh Tín sản xuất năm 2013, phim được đầu tư khá chỉn chu về mặt nội dung nghệ thuật nhưng hệ thống rạp lớn của Lotte, Megastar, Galaxy đều lắc đầu từ chối. Và kết quả là bộ phim thất thu một cách thê thảm.

Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy cũng thua lỗ nặng ở mặt doanh thu dù được PR rầm rộ trước khi ra rạp. Thậm chí, nhiều bộ phim nghệ thuật khác hầu như rơi vào tình trạng làm xong rồi chỉ mang đi cất kho! Chẳng hạn như phim Lạc lối của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, phim giành được nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng nhưng rất chật vật tìm lối ra rạp. Đừng đốt, Mùi cỏ cháy… chỉ chiếu miễn phí trong dịp tuần lễ phim!

Ngược lại, ở thể loại phim hài là một “gương mặt” hoàn toàn khác về chuyện doanh thu. Ngôi sao phòng vé, diễn viên Thái Hòa cho biết trong thời gian công chiếu phim Tèo Em trong dịp Tết Nguyên đán 2014, cứ mỗi sáng nghe thông tin về doanh thu là anh đã cảm thấy “no nê”! Và theo thống kê thì Tèo Em đạt tổng doanh thu 80 tỷ đồng, đây là một con số kỷ lục, một con số mơ ước của bất kỳ phim điện ảnh nào.

Tương tự, Cô dâu đại chiến 2 hay Âm mưu giày gót nhọn cũng là những phim thắng lợi về mặt doanh thu, dù nội dung chỉ là những phim hài, lắm khi gây cười bằng những chi tiết sống sượng, gượng gạo…

2. Một cách thẳng thắn mà nói thì hiện tại nếu một phim không phải phim hài, phim ồn ào về cảnh nóng, sex, sốc thì hầu như không có mấy người xem! Đó là một thực trạng đáng buồn về cái gọi là thị hiếu chung của khán giả, của điện ảnh Việt.

Hay nói một cách nhẹ nhàng hơn như đạo diễn Nguyễn Tranh thì: thị hiếu của khán giả rất khó đoán! Anh cho biết, có những phim chỉ mang hơi hướng nghệ thuật, câu chuyện khá hấp dẫn chứ không quá nặng nề triết lý, phim được đầu tư công phu, nhận được nhiều lời khen ngợi cả trong giới chuyên môn và truyền thông; nhưng khi ra rạp vẫn không có khán giả!

Tèo Em, Âm mưa giày gót nhọn là 2 phim hài ăn khách

Về mặt sản xuất, nhà làm phim nào cũng mong muốn phim mình làm ra thành công về mặt doanh thu; đối với những nhà làm phim tư nhân, vốn đang chiếm lĩnh thị phần điện ảnh Việt lại càng mong muốn như thế. Và cái giá của việc họ bỏ hàng chục tỉ ra để làm phim thì bao giờ cũng là lợi nhuận. Đó cũng là lý do ngày càng xuất hiện nhiều phim hài, những phim câu khách bằng sex, sốc.

Nhiều nhà làm phim thừa nhận rằng thể loại phim hài là thể loại an toàn về mặt doanh thu nhất hiện nay. Đạo diễn Nguyễn Tranh giải thích rằng, có thể do cuộc sống hằng ngày nhiều áp lực, mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, công chúng muốn đến rạp xem thể loại hài nhẹ nhàng để họ có thể cười thoải mái, rồi thôi. Họ không chuộng những phim nặng nề về mặt nội dung, câu chuyện để xem và còn phải suy ngẫm.

Và cái “chết” của các hãng phim Nhà nước hiện nay cũng đến từ vấn đề thị hiếu như thế. Bởi hiện tại chỉ có hãng phim Nhà nước đầu tư làm phim nghệ thuật, còn các hãng phim tư nhân gần như đứng ngoài cuộc hoặc có tham gia cũng rất ít. Phim nghệ thuật kén khán giả đã đành lại thêm sự chênh lệch về mức đầu tư quá lớn so với phim thương mại nên càng đẩy các phim nghệ thuật đến số phận phải “cất kho”.

Đơn cử phim thương mại Thiên mệnh anh hùng được đầu tư 25 tỉ còn phim nghệ thuật được Nhà nước đầu tư thấp hơn số đó rất nhiều, chỉ ở khoảng 5-7 tỉ là nhiều. Và với số tiền vài tỉ đó để thực hiện những kỹ xảo, trả cát-sê diễn viên đã thiếu. Nói chung, phim nghệ thuật Nhà nước đang trong tình trạng thua sút trên mọi phương diện!

Để cân đối giữa dòng phim nghệ thuật và phim thương mại của thị trường phim ảnh hiện tại là một điều khó. Tuy nhiên, để những nhà làm phim nghệ thuật có nhiều cơ hội hơn với dòng phim nghệ thuật; để những phim hài nhảm, sex, sốc không còn hoành hành thì các nhà quản lý, kiểm duyệt phim cần mạnh tay sàng lọc những tác phẩm kém chất lượng, nghèo nàn nội dung ra khỏi thị trường ngay từ khi nó còn trên kịch bản!

Trúc Vân