Phi trí bất hưng!

13:44 | 20/11/2015

2,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến bây giờ, mỗi khi đến ngày 20-11, trong lòng tôi lại hiện lên biết bao hình ảnh về những người thầy đã dạy tôi, đặc biệt trong những năm tháng học cấp 2, phải đi sơ tán vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Ngày ấy, chúng tôi học dưới ánh đèn dầu tù mù, còn bị che kín chỉ khoét một lỗ nhỏ và có khi 3 anh em học chung nhau trên một cái bàn - Hai đứa bé ngồi hai đầu, một đứa lớn là tôi ngồi giữa

Góc học tập có cái gì? Chỉ có tờ giấy viết lên 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, có thời khóa biểu và có thêm được vài ba tấm ảnh thiếu nhi Liên Xô, Trung Quốc múa hát cắt được từ họa báo đã là đẹp lắm rồi.

phi tri bat hung
Biết bao giờ mới hết cảnh những lớp học như thế này

Ngày ấy đi học, học phí rất thấp. Tôi nhớ lớp 5 là 2,1 đồng/tháng; nhà nào có 3 con đi học thì được giảm xuống 1,7 đồng/tháng. 1,7 đồng ngày đó mua được 4kg gạo mậu dịch theo sổ lương thực.

Học phí thì chỉ có vậy, nhưng hằng năm còn phải đóng góp tre, gỗ để làm hầm, làm lán học. Hoặc đóng góp một cây tre hoặc vài chục tấm gianh hoặc bằng rạ để lợp lán học.

Tôi nhớ những buổi tối ngồi học bài, trong đầu chỉ lo nơm nớp là thầy chủ nhiệm đi kiểm tra. Ngày ấy, những học sinh vào loại cá biệt như tôi, học kém đã đành, lại còn mải chơi, suốt ngày lang thang làng trên, xóm dưới, bắn chim câu cá thì luôn được thầy chủ nhiệm “chăm sóc” đặc biệt. Cứ mỗi tối, thầy lại đến nhà kiểm tra xem tôi có ngồi học hay không. Mà từ trường - nơi thầy ở đến nhà tôi cũng gần nửa cây số. Trời nắng ráo thì đã đành, nhưng khi trời mưa thầy cũng lội bùn đến kiểm tra.

Thật ra, nói thầy đến kiểm tra cũng là oan cho thầy, bởi có đến thì thầy cũng ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi về văn chương hoặc mượn sách về đọc. Nhưng thầy ngồi đó và quan sát tôi, nên hễ có bóng của thầy, tôi lại ngoan ngoãn học bài. Năm nào tôi cũng phải thi lại, môn thi lại nhiều đó là môn Toán. Nên đến kỳ nghỉ hè, tôi lại được thầy phụ đạo. Tất nhiên, ngày đó làm gì có khái niệm dạy thêm, học thêm, những đứa học dốt thì trường sẽ dành 1-2 buổi/tuần để dạy kèm riêng. Và trước khi vào năm học mới nhà trường tổ chức cho thi lại, đứa nào bị 2 môn dưới điểm trung bình (dưới điểm 3 - cấp 2, cấp 3 chấm theo thang điểm 5) sẽ bị đúp.

Thầy cô giáo trường tôi ngày ấy hầu hết ở các tỉnh về. Tôi nhớ thầy chủ nhiệm dạy Vật lý tên là Thân, quê ở Nghệ An, thầy rất đẹp trai và hát cũng hay. Cứ đến ngày 20-11 mít tinh ở trường, thầy lại hát bài “Quà tháng năm dâng Người”: “Đẹp như đàn chim tung tăng bay tiếng hát đẹp thơ ngây/ Đàn em ríu rít nắng chói lóa những chiếc khăn quàng bay/ Lòng rộn vui cao tiếng hát dâng lên mừng Bác/ Kính yêu Người ta nhắc nhau nhớ công ơn Người...”. Trẻ con chúng tôi trước mỗi tiết học thường hát tập thể bài “Giải phóng miền Nam” hay bài “Đường làng em”; “Cháu yêu chú bộ đội”… Có thầy xung phong đi bộ đội và mãi mãi không trở về.

Rồi mỗi khi tết đến, bố tôi cũng dành một chiếc bánh chưng, một bao thuốc lá và một gói chè mang xuống trường để tết thầy. Có năm, bố tôi không đi được thì đưa cho tôi và bao giờ cũng nhắc: “Mày mang xuống lễ thầy”. Mà ngày đấy chúng tôi gọi thầy, cô xưng em, chứ không xưng con như bây giờ.

Lớn lên, đi bộ đội rồi đi làm báo, tôi đi thập phương tứ xứ và chứng kiến biết bao nhiêu cảnh thầy, cô giáo ở những nơi thâm sơn cùng cốc dạy học trò.

Số lượng giáo viên được phong tặng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú: Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có 11 đợt phong tặng, ghi nhận và tuyên dương thành tích xuất sắc cho 528 Nhà giáo Nhân dân và 6.736 Nhà giáo Ưu tú ở tất cả các bậc học trên cả nước.

Năm 1983, lên Lũng Cú (huyện Đông Văn, Hà Giang), tôi vẫn không thể nào quên được buổi tối ngủ ở nhà công an xã, rồi nửa đêm lại chạy đến ngủ nhờ nhà giáo viên. Các thầy, cô giáo ở trong mấy gian lều, trống hơ trống hoác, đêm đến vẫn phải phân công người gác vì sợ thám báo Trung Quốc. Cơm không có mà ăn, ngày này qua ngày khác chỉ một món mèn mén, ăn với canh dưa hoặc đậu răng ngựa ninh với muối.

Khổ là thế, nguy hiểm là thế, nhưng chẳng ai bỏ làng, bản, bỏ lớp, ngày ngày họ vẫn cần mẫn gieo con chữ cho những đứa trẻ người Mông, người Lô Lô, người Giáy...

Năm 1984, tôi đi lên vùng ngã ba biên giới ở xã Sín Thầu, huyện Mường Tè và biết chuyện, có ba cô giáo ở dưới xuôi xung phong lên xã Mường Nhé dạy học. Ngày ấy, xã Mường Nhé còn thuộc huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu (cũ). Huyện Mường Tè rộng nhất nhưng cũng nghèo nhất cả nước, nghèo đến độ Nhà nước phải vận chuyển dầu hỏa, muối vào huyện lỵ  rồi phát không cho dân. Ai lấy được bao nhiêu thì lấy, chứ không có tiêu chuẩn và không ai có tiền mua. Hơn nữa, vận chuyển một cân muối từ thị xã Lai Châu cũ vào Mường Tè phải mất 5 ngày cuốc bộ, nên chẳng có tiền nào tính được.

Ba cô giáo đi bộ từ huyện lỵ Mường Tè qua dốc Tà Tổng, rồi sang Mường Nhé. Chặng đường này dài khoảng 80 cây số nhưng phải qua con dốc Tà Tổng khủng khiếp, chỉ lên dốc thôi đã khoảng 25 cây số. Ba cô giáo leo từ mờ sáng cho đến chiều tối mới lên đến nơi, mặc dù có dân quân đi cùng, cõng hộ balô rồi có những chỗ phải ủn, đẩy các cô mới lê nổi. Đến khi tới đỉnh dốc thì các cô lăn ra bãi cỏ, người cười, người khóc, rồi thề không bao giờ quay trở lại. Và quả thật đến khi có máy báy trực thăng chở hàng đến thì các cô xin về Lai Châu rồi trốn biệt luôn không dám về trường. Phòng Giáo dục huyện rất thông cảm và đã xin chế độ chuyển vùng cho các cô.

Năm 2006, tôi quay trở lại xã Sín Thầu và lần này được đi cùng thầy giáo Nguyễn Văn Bôn - Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam. Thầy quê ở Hải Phòng và đã lên dạy học ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè từ năm 1959. Thầy Bôn dạy học ở đó nhiều năm và ông là người khai sáng cho người Hà Nhì ở xã Mù Cả. Người ta nói ông đã biến cả xã Mù Cả thành xã “Sáng Cả”.

Nghe tin thầy Bôn lên, không ít cán bộ của tỉnh Lai Châu bây giờ, rồi ở huyện Mường Tè nô nức kéo nhau đến chào thầy, trong đó những người giữ cương vị quan trọng ở tỉnh.

Nắng tháng 7 chang chang, thầy Bôn vẫn khoác chiếc áo bông và leo dốc đi từ ngã ba Sen Thượng vào đến Sín Thầu. Chặng đường khoảng 18 cây số nhưng một số phóng viên trẻ như Đỗ Doãn Hoàng thì lê không nổi, còn thầy Bôn, tuổi đã ngót 70 vẫn thủng thẳng đi bước một, đi nhẹ như không. Mọi người thắc mắc vì sao leo dốc như thế lại mặc áo bông, thầy cười mà rằng: “Mặc áo bông ra mồ hôi, áo thấm nước làm mát lưng, leo dốc sẽ đỡ mệt hơn”. Ông nghỉ tại xã mà gần như suốt đêm học trò của ông từ khắp bản làng xa gần quanh đó kéo đến chào thầy. Tôi thấy rõ gương mặt sáng bừng hạnh phúc của ông.

Cho đến bây giờ, trên đất nước này vẫn còn rất nhiều tấm gương các thầy, cô giáo “ngày đêm bám bản, cõng chữ lên non” . Rồi có không ít tấm gương thầy, cô nhường cơm, xẻ áo cho trò; lặn lội đến từng nhà vận động cho con trẻ đi học. Sự hy sinh của các thầy, các cô đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa là rất đáng khâm phục. Rồi biết bao tấm gương các thầy giáo bị tàn tật hay những thầy, cô giáo già vẫn ngày ngày dạy chữ cho học sinh nghèo.

Nền kinh tế thị trường với sức mạnh vô biên của đồng tiền thực sự cũng đã làm hư hỏng người này, người khác trong đội ngũ giáo viên. Đó là con số ít hay số nhiều, quả thật khó có thể nói được. Chỉ có điều chắc chắn rằng, thầy, cô những thành phố lớn hay nói một cách văn hoa là nơi phồn hoa đô thị thì lo dạy học để kiếm tiền hay là dùng nghề để dạy học, nhiều hơn là so với các thầy, cô nơi khác.

Áp lực đè lên vai thầy, cô bây giờ cũng nặng nề hơn rất nhiều.

Áp lực vì phải có tiền lo cho cuộc sống.

Áp lực trước yêu cầu dạy học ngày một cao.

Áp lực về sự thay đổi đến chóng mặt của học trò. Nhìn những cảnh thầy, cô bị bêu trên mạng xã hội, phải đọc những dòng bình luận hỗn láo của trò về thầy, cô thật đau lòng và đáng buồn, đáng lo.

Thầy, cô cũng là người, cũng có thể lúc này, lúc khác có sai sót… Nhưng mang thầy, cô ra lên án, ra bêu riếu, ra mổ xẻ, phân tích, thậm chí để học trò chấm điểm, bỏ phiếu “tín nhiệm”, thì đó là điều phản giáo dục, không thể chấp nhận được. Một xã hội mà đạo thầy - trò không còn được tôn trọng; phụ huynh coi thầy, cô như người làm thuê… thì báo hiệu đó là sắp tới lúc “thời loạn”.

Điều buồn hơn là đã không ít phương tiện thông tin đại chúng cũng vào hùa “lên án” thầy, cô giáo. Hình như càng ngày người ta càng thấy khó thông cảm với thầy, cô. Và bi kịch cho xã hội ta lại là việc cha mẹ muốn con mình trở thành tài, thành “ông nọ, bà kia” và ép con cái học đến… phát điên, hóa rồ. Khi không đạt được mục đích thì phụ huynh quay sang lên án thầy cô.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, mấy năm gần đây cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để giảm tải việc học thêm cho học sinh, nhưng xem ra kết quả chẳng được bao nhiêu. Bởi có một điều ai cũng thấy rằng, thầy, cô bây giờ phải sống bằng tiền, mà quả thật đồng lương cho thầy, cô cũng chưa tương xứng với vị trí của họ. Một cô giáo dạy lớp 12, sau hơn 33 năm “bán cháo phổi”, khi về hưu được hơn 5 triệu đồng? Thử hỏi sống làm sao? Thấy được điều ấy, nên khi còn đang dạy cũng phải cố mà “tích lũy”, mà cách duy nhất để có “tích lũy” thì ngoài dạy thêm ra thầy, cô còn biết làm gì? 

Từ thời cổ đại, ông Quản Trọng giúp Tề Hoàn công dựng nên nghiệp bá và đưa ra tiêu chí phát triển rất ngắn gọn: “Phi công bất phú. Phi nông bất ổn. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng” - tạm hiểu là không có công nghiệp thì không giàu có; nông nghiệp không phát triển thì dân sẽ loạn; không có buôn bán phát triển thì nền kinh tế bị trì trệ và không có tri thức thì xã hội không thể hưng thịnh được.

Mà muốn có tri thức thì phải học và người đem lại tri thức thì không ai khác chính là các thầy, cô.

Vậy chúng ta phải đối xử với các thầy, cô như thế nào. Xin mọi người tự hiểu.

Nhưng có lẽ, trước hết, phải bảo vệ thầy, cô.

Số lượng giáo viên/học sinh các cấp tính đến hết năm học 2013-2014 (số liệu Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội)

Cấp mầm non: Giáo viên: 244.478; Học sinh: 4.148.536

Cấp tiểu học: Giáo viên: 344.900; Học sinh: 6.750.000

Cấp THCS: Giáo viên: 312.400; Học sinh: 6.270.000

Cấp THPT: Giáo viên: 536.600; Học sinh: 3.160.000

Trung tâm giáo dục thường xuyên: Giáo viên: 15.100; Học sinh: 7.953.099

Trung cấp chuyên nghiệp: Giáo viên: 14.500: Học sinh: 520.000

Trường dạy nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề: Giáo viên: 20.200; Học sinh: 2.023.000 người

Đại học, cao đẳng: Giảng viên: 70.558; Sinh viên: 2,1 triệu

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 476