Phí đất từ 1- 2% sẽ đủ phát triển hạ tầng giao thông
Theo một nghiên cứu mới đây về lĩnh vực giao thông cho thấy, chất lượng của các tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tuyến vẫn chưa thông suốt bốn mùa, nhiều cầu tạm, cầu yếu, cầu hẹp, nhiều điểm vượt sông suối chưa có cầu, hệ thống đèn điện chiếu sáng không đủ… Đặc biệt là mạng lưới đường địa phương hiện còn rất yếu kém. Sự kết nối giữa đường bộ với các hệ thống giao thông khác thiếu đồng bộ, thiếu các đầu mối có quy mô lớn, hầu như chưa có giao cắt lập thể, có một số ít giao cắt khác mức, chưa kết nối được các loại phương tiện nên không có khả năng phát triển vận tải đa phương thức.
Hệ thống quốc lộ có nhiều tuyến hẹp (chỉ một làn xe), nhiều tuyến đường vào mùa mưa lũ bị ngập gây ách tắc giao thông, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường thấp khi chỉ có 60% đường quốc lộ và 30% đường tỉnh lộ được rải nhựa và đường 4 làn xe trở lên chỉ chiếm 4%, đường 2 làn xe chiếm khoảng 40%. Và nếu đem so với các nước trong khu vực, tỷ lệ rải mặt đạt ở nước ta chỉ vào khoảng 31,2%; trong khi tỷ lệ này của Malaysia là 81,32%; Hàn Quốc là 76,82%; Trung Quốc là 81,62%; Nhật Bản là 77,7%, Thái Lan là 98,5%.
Lý giải cho điều này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chủ yếu. Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước có hạn và phải tập trung để đảm bảo sự hoạt động của bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục,… thì vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn rất hạn chế.
Cơ chế khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng giao thông cũng là một vấn đề lớn và chưa đủ khả năng tạo vốn để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt là các trạm thu phí vẫn chưa có khung pháp lý mà đang thực hiện vận dụng căn cứ vào nhiều văn bản được đưa ra dưới hình thức một đề án của Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.
Và để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: Hạ tầng giao thông là một trong lĩnh vực luôn được ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chính vì vậy, để có thể tạo được nguồn lực tài chính để đầu tư vào hạ tầng giao thông thì không chỉ Nhà nước mà mỗi người dân – những người trực tiếp được hưởng lợi từ việc làm này phải có trách nhiệm. GS giải thích: ở các nước tiên tiến, một phần tiền thuế từ đất được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn chúng ta thì lại ngược lại là dùng hình thức thu phí giao thông để tái đầu tư. Trong khi đó, phí sử dụng đất của ta hiện chỉ có 0,03%, mức này quá thấp. Vậy nên, chúng ta cần sớm xây dựng mức phí này theo giá thị trường, tức là người sử dụng đất có giá trị thấp thì nộp thuế thấp, còn ở nơi nào đất có giá trị cao thì nộp nhiều.
"Chỉ cần mức thu thuế đất bình quân từ 1 – 2% là có thể đủ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Thanh Ngọc
-
Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
TP HCM sắp xây cầu vượt thép 2.400 tỷ đồng tại nút giao Bốn Xã
-
[Chùm ảnh] Cầu Nam Lý sắp hoàn thành, góp phần giải quyết kẹt xe khu Đông TP HCM
-
Hà Nội tổ chức phân luồng lại giao thông đường Âu Cơ
-
Cần sớm tháo gỡ khó khăn về sử dụng đất cho các đơn vị ngành than
-
Ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam
-
Triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”
-
Bộ Công Thương: Tập huấn quy định về giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính tại miền Trung - Tây Nguyên
-
Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
-
Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược