Pakistan bị tố phớt lờ nạn buôn cô dâu sang Trung Quốc

15:25 | 05/12/2019

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cuộc điều tra cho thấy ít nhất 629 cô gái bị bán sang Trung Quốc làm vợ từ 2018, nhưng chính phủ Pakistan không ngăn chặn quyết liệt.

Con số phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu được các điều tra viên thu thập suốt hai năm qua trong nỗ lực phá các đường dây buôn người tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, hầu hết các nỗ lực điều tra đều đi vào ngõ cụt.

Theo một số quan chức biết rõ về cuộc điều tra, lý do các quan chức chính phủ Pakistan không điều tra rốt ráo đến cùng vấn nạn này vì họ không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp, nhiều lợi ích với Trung Quốc.

Vụ án lớn nhất nhắm vào những kẻ buôn người đã thất bại. Hồi tháng 10, tòa án ở thành phố Faisalabad đã tuyên trắng án đối với 31 công dân Trung Quốc bị cáo buộc liên quan tới đường dây buôn người. Một số phụ nữ đã từ chối làm nhân chứng do bị đe dọa hoặc mua chuộc, trong khi hai nhân chứng khác đồng ý ra tòa với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù.

Theo Saleem Iqbal, một nhà hoạt động từng giúp nhiều gia đình cứu các cô dâu bị lừa bán sang Trung Quốc, cho biết quan chức của Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan (FIA) chịu rất nhiều áp lực khi chính phủ tìm cách cản trở các cuộc điều tra của họ về mạng lưới buôn người.

Pakistan bị tố phớt lờ nạn buôn cô dâu sang Trung Quốc
Sumaira, cô dâu Pakistan bị bán sang Trung Quốc, cho xem bức ảnh người chồng ngoại quốc trong điện thoại hồi tháng 5/2019. Ảnh: AP.

"Một số quan chức của FIA bị điều chuyển công tác", Iqbal nói. "Các lãnh đạo Pakistan gần như phớt lờ khi chúng tôi đề cập tới vấn đề này". Khi được hỏi về các đơn khiếu nại, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Pakistan từ chối trả lời.

Các điều tra viên cảm thấy thất vọng khi mọi nỗ lực của họ bị ngăn cản, trong khi các phương tiện truyền thông cũng bị hạn chế đưa tin về nạn buôn người.

"Không ai làm được gì để giúp những cô gái này", một quan chức giấu tên cho biết. "Mạng lưới buôn người ngày càng mở rộng, bởi chúng biết có thể dễ dàng thoát tội. Nhà chức trách phớt lờ, trong khi các điều tra viên bị gây áp lực. Do đó, nạn buôn người ngày một gia tăng".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng không biết về danh sách những phụ nữ Pakistan bị bán sang nước này làm cô dâu.

"Hai chính phủ Trung Quốc và Pakistan đều ủng hộ việc người dân hai nước kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện và tuân theo pháp luật, đồng thời sẽ kiên quyết ngăn chặn và không khoan nhượng với bất kỳ ai liên quan tới hôn nhân xuyên biên giới bất hợp pháp", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi đến văn phòng AP ở Bắc Kinh hôm 2/12.

Một cuộc điều tra của AP hồi đầu năm cho thấy những cộng đồng nhỏ theo đạo Kitô ở Pakistan đã trở thành mục tiêu mới của những kẻ buôn người. Đối tượng là các cô gái trẻ trong những gia đình nghèo. Bố mẹ họ thường được nhận một số tiền lớn để gả con sang Trung Quốc, kèm theo lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp bên kia biên giới.

Tuy nhiên, nhiều cô dâu Pakistan sau đó bị đánh đập, lạm dụng hoặc bị ép làm gái mại dâm ở Trung Quốc, phải tìm cách liên lạc về nhà để cầu cứu được đưa về Pakistan.

Hơn 10 cô dâu Pakistan may mắn trốn thoát khỏi Trung Quốc cho hay đường dây buôn người thường được thiết lập bởi những kẻ môi giới người Trung Quốc và Pakistan, cũng như các mục sư Kitô giáo của các nhà thờ nhỏ, những người nhận hối lộ để xúi các con chiên ngoan đạo bán con gái của họ. Các nhà điều tra thậm chí đã phát hiện một giáo sĩ Hồi giáo điều hành một văn phòng môi giới hôn nhân trong chính trường học tôn giáo của ông ta.

"Những kẻ môi giới người Trung Quốc và Pakistan thường nhận 4-10 triệu rupee (khoảng 25.000-65.000 USD) từ chú rể người Trung Quốc, nhưng chỉ đưa cho các gia đình Pakistan 200.000 rupee (khoảng 1.500 USD)", một quan chức cấp cao Pakistan giấu tên cho hay.

Pakistan bị tố phớt lờ nạn buôn cô dâu sang Trung Quốc
Nhóm công dân Trung Quốc bị bắt do cáo buộc liên quan tới buôn bán cô dâu Pakistan hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Cũng theo người này, nhiều cô dâu Pakistan cho biết bị lạm dụng tình dục và bạo hành, thậm chí một số người bị ép bán dâm.

Hồi tháng 9, cơ quan điều tra Pakistan gửi tới Thủ tướng Imran Khan một báo cáo về các vụ kết hôn giả ở Trung Quốc. Báo cáo đã nêu bằng chứng chi tiết chống lại 52 công dân Trung Quốc và 20 người Pakistan liên quan tới các vụ buôn bán cô dâu ở hai thành phố của Punjab, Faisalabad và Lahore, cũng như thủ đô Islamabad. Tuy nhiên, các bị cáo người Trung Quốc trong vụ này đều được tuyên trắng án.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền Pakistan, nạn buôn bán cô dâu bị chính phủ cho "chìm xuồng" để không ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế ngày càng bền chặt với Trung Quốc. Trung Quốc có mối quan hệ đồng minh với Pakistan từ nhiều thập kỷ, cung cấp các gói viện trợ quân sự cũng như các thiết bị hạt nhân cho Pakistan. Pakistan hiện cũng đang hưởng lợi từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với một dự án trị giá 75 tỷ USD.

Nhu cầu về cô dâu nước ngoài ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, sau khi nước này thi hành chính sách một con nghiêm ngặt trong 35 năm, khiến khoảng 34 triệu nam giới đứng trước nguy cơ ế vợ.

Omar Warriach, thành viên Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Nam Á, cho rằng Pakistan không nên làm ngơ trước các hành vi vi phạm nhân quyền đối với công dân của mình, ví dụ như nạn buôn bán cô dâu.

"Thật kinh khủng khi phải chứng kiến phụ nữ bị đối xử như vậy, trong khi chính quyền hai nước dường như làm ngơ trước vấn đề này. Điều đáng buồn hơn là khi nó xảy ra ở quy mô như hiện nay", Warriach cho biết.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc