OPEC trước giờ G: Chung tay cứu giá dầu?

07:00 | 25/09/2016

461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Từ hơn một tháng qua, người ta nói nhiều về khả năng các nước xuất khẩu sẽ đóng băng sản lượng dầu tại cuộc họp sắp tới của các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm rất khó.  

Các nước thành viên OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 28-9 tới đây - ngày cuối cùng của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế - tại thủ đô Algiers của Algeria. Trước đó, một cuộc gặp giữa 14 thành viên OPEC với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhưng không nằm trong khối này, như Nga chẳng hạn, cũng sẽ được tổ chức tại Algeria.

ve kha nang dong bang san luong dau

Người ta bàn tán rất nhiều về khả năng đóng băng sản lượng dầu, tức là không tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu tính từ một thời điểm thỏa thuận nào đó. Tại sao vậy? Bởi lẽ giá dầu thế giới đang ở mức thấp (khoảng từ 40-50USD/thùng) do lượng cung dư quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ của thế giới, nên các nước bán dầu muốn đẩy giá bán tăng lên để ít dầu mà đổi được nhiều tiền. Ngoài ra, đây sẽ là cơ hội duy nhất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016 để có thể tiến tới một thỏa thuận vực dậy giá dầu trên thị trường.

Trước hai cuộc gặp quan trọng như thế, nhiều thỏa thuận riêng đã được thông báo. Chẳng hạn, ngày 5-9 bên lề Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandre Novak và Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản Arập Xêút, Haled ben Addel Aziz alh-Falex đã công bố thỏa thuận hợp tác song phương hoặc với các nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ và bảo đảm mức đầu tư bền vững trong dài hạn. Hai nước cũng cho rằng có những thách thức dài hạn đối với những nước xuất khẩu dầu mỏ trên thị trường dầu mỏ thế giới, trong đó có việc cắt giảm đáng kể chi phí cơ bản cho khai thác dầu, nhất là hoạt động thăm dò địa chất, cũng như hủy bỏ hoặc trì hoãn hàng loạt dự án đầu tư, dẫn đến tình trạng bất ổn trên thị trường dầu mỏ về dài hạn đối với các nước sản xuất, cũng như các nước tiêu thụ.

Nga và Arập Xêút cho rằng, cần đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhằm duy trì ổn định trên thị trường dầu mỏ và bảo đảm mức đầu tư ổn định về dài hạn. Thông tin này lập tức khiến dầu tăng giá do hy vọng sẽ có một giải pháp đóng băng tổng thể ở hội nghị của các nước trong và ngoài OPEC tại Algeria.

Còn nữa, ngày 19-9 mới đây, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro cho biết, các nước xuất khẩu dầu đã tiến gần đến một thỏa thuận để ổn định thị trường dầu mỏ. Venezuela đã hội đàm rất tốt với các quốc gia thành viên OPEC tham dự hội nghị thượng đỉnh. "Chúng tôi đã có một cuộc gặp song phương với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và với các đối tác khác, bao gồm cả với Tổng thống Ecuador, Rafael Correa" - ông Maduro cho biết. "Tổng thống Rouhani đã có một tuyên bố rất quan trọng về việc Iran sẵn sàng góp sức vào sự ổn định thị trường dầu mỏ nếu cần thiết. Đó là một tin rất tốt" - Tổng thống Venezuela nói.

Ngày 20-9, Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Nourreddine Bouterfa nhấn mạnh, các nước thành viên trong và ngoài OPEC tham dự cuộc họp sắp tới dường như sẽ đồng thuận nhằm góp phần tạo nên sự cân bằng cho thị trường dầu, hiện đang dư cung khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Trước đó, Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết, ông lạc quan về cuộc họp không chính thức giữa OPEC và các quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài khối này.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tuyên bố còn các nước có thực hiện được như vậy không lại là chuyện khác. Nếu như một số nước kêu gọi đóng băng sản lượng thì một số khác lại chẳng chịu hợp tác, ra sức bơm dầu ra thế giới. Thậm chí ngay cả những nước như Iran hay Venezuela, miệng thì nói là sẽ giảm sản lượng, nhưng thực chất lại là những nước tăng cường khai thác dầu trong thời gian gần đây. Ai cũng có lý do của mình. Venezuela đang rơi vào khủng hoảng kinh tế do dầu mất giá nên muốn bán nhiều dầu để có tiền trang trải. Iran thì mới thoát cấm vận nên muốn giành lại thị phần…

Theo kết quả khảo sát của Bloomberg hôm 18-9, nguồn cung dầu từ OPEC trong tháng 8-2016 tăng thêm 120.000 thùng/ngày lên bình quân 33,69 triệu thùng/ngày khi sản lượng của Iran, Iraq và Kuwait tăng. Arập Xêút, thành viên lớn nhất và quyền lực nhất OPEC, cũng tăng sản lượng dầu thêm 30.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 10,69 triệu thùng/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa - đạt đỉnh trong mùa hè khi nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng cao - và nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Libya và Nigeria thì cũng đều muốn cùng nhau tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong khi đó, Mỹ đang là mối đe dọa cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu của các nước trong và ngoài OPEC. Theo các nhà phân tích, cấu trúc của ngành dầu mỏ và số lượng đông đảo các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ không cho phép việc đóng băng sản lượng. Kể từ năm 2010, nhờ sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến, Mỹ đã chứng kiến mức tăng trưởng sản lượng dầu thô hàng ngày cao hơn bất kỳ nước có dầu mỏ nào trên thế giới.

Chưa kể, trong cuộc họp lần gần đây nhất, OPEC đã không thể đi đến một thỏa thuận đóng băng do sự đối đầu giữa Iran và Arập Xêút.

Có thể thấy, thị trường dầu thô 9 tháng gần đây phản ánh và chịu ảnh hưởng của quy luật cung - cầu và phản ánh động thái tăng trưởng kinh tế thông thường, tức là không chịu chi phối bởi các quyết định của OPEC như trước đây. Đây cũng là mong muốn của người dẫn dầu OPEC, Arập Xêút, khi quyết định không giảm sản lượng để tính dìm chết các nhà sản xuất Mỹ.

Nguồn cung dầu từ OPEC trong tháng 8-2016 tăng thêm 120.000 thùng/ngày lên bình quân 33,69 triệu thùng/ngày khi sản lượng của Iran, Iraq và Kuwait tăng.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới 560

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc