Ôn bài để… tiến bộ hơn!

07:15 | 03/02/2016

748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2015 ghi dấu những thay đổi lớn của ngành giáo dục nhưng đổi mới nào cũng vấp phải những hoài nghi, phản ứng từ dư luận… Nói theo ngôn ngữ nhà trường, nghĩ cũng cần xào bài, ôn bài để tiến bộ hơn.

Không phải ngẫu nhiên những sự kiện của ngành giáo dục lại được xếp vào danh sách sự kiện thu hút dư luận nhất năm 2015. Phải thừa nhận rằng, đây là năm chịu đổi mới của ngành giáo dục. Thế nhưng, đổi mới nào cũng khiến dư luận dậy sóng.

Đầu tiên phải nhắc đến là kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kỳ thi 2 trong 1 (lấy kết quả thi THPT để xét tuyển tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng).  Nhiều người đã ví đây là cuộc thi đi vào lịch sử của ngành giáo dục. Mục đích tổ chức kỳ thi này rõ ràng là không chệch hướng. Ban đầu nó còn được kỳ vọng là cuộc “cách mạng” của ngành giáo dục khi giảm được chi phí cho học sinh, phụ huynh, cũng như toàn xã hội.

Thế nhưng, thời điểm diễn ra kỳ thi suôn sẻ bao nhiêu thì khâu xem điểm và xét tuyển lại gây thất vọng bấy nhiêu. Mặc dù đã được cảnh báo trước nhưng việc hệ thống tra điểm thi của Bộ GD&ĐT bị tê liệt trong ngày đầu công bố điểm. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học, cao đẳng kéo dài đến 20 ngày.

Chuỗi ngày với điệp khúc nộp - rút - nộp hồ sơ tưởng chừng mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh thì bỗng chốc trở thành cuộc tra tấn tinh thần không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng phải gánh. Cay đắng đến độ nhiều người ví: Tuyển sinh như một cuộc… chơi chứng khoán. Đến giờ, sự kiện này đã đi vào lịch sử tuyển sinh của nền giáo dục nước ta.

Kế đến là sự kiện công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dự thảo này được các chuyên gia đầu ngành nhận xét tích cực khi cho rằng, đã tiếp cận theo hướng của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Được kỳ vọng là phương pháp hữu hiệu khi chủ trương đổi mới dạy và học theo hướng dạy tổng hợp ở các cấp học dưới và phân hóa mạnh ở cấp THPT.

Thế nhưng, cách biên soạn sơ sài dự thảo cộng với việc xếp môn Sử vào môn học tích hợp, rồi tự chọn đã khiến dư luận dậy sóng. Cùng với phản đối của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì các giáo viên dạy Sử, người yêu sử đều lên án kịch liệt. Một mối lo ngại môn Lịch sử bị khai tử, bị xóa sổ, bị coi nhẹ... trong chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bao giờ “nóng” đến vậy.

Một loạt các chuyên gia sử, giáo viên dạy Sử lên tiếng, hàng chục các cuộc hội thảo được tổ chức. Cao điểm nhất là trong kỳ họp Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và gọi đây là cuộc thay đổi làm… “xáo trộn tâm can”.

Công bằng nhìn nhận thì kỳ thi THPT quốc gia không phải không có những ưu điểm. Thế nhưng, những tiêu chí được đặt nên hàng đầu như minh bạch trong thi cử, giảm thiểu chi phí cho xã hội, đặc biệt là giảm thiểu áp lực thi cử cho thí sinh… thì dường như lại ở tình trạng thê thảm hơn những năm trước. Bởi quá vội vàng thực hiện mà phần nhiều trong tất cả các khâu đều cho thấy sự lúng túng của Bộ GD&ĐT. Để rồi kết thúc kỳ xét tuyển này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải công khai nhận trách nhiệm vì chưa cân nhắc hết tính phức tạp, cũng như hiệu ứng ngược của các giải pháp được thiết kế cho kỳ tuyển sinh.

Còn trong dự thảo chương trình thì rõ ràng Bộ đã phản ứng quá chậm trễ trước những phản ánh từ dư luận. Xử lý khủng hoảng bằng những lý lẽ chưa đủ để thuyết phục cùng với những phương án đưa ra được xem là “chống chế” khi không hợp về mặt lý luận khoa học, lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Mới đây, theo báo cáo của Bộ thì việc thực hiện các bước để kịp tiến độ của đề án trong khi điều kiện kinh phí còn chưa được cấp.

on bai de tien bo hon
Kỳ thì tuyển sinh 2015 

Vậy mới nói, Bộ GD&ĐT rất chịu đổi mới, nhưng từ khi nào nghe thấy cụm từ “đổi mới giáo dục” là người dân… hoảng? Điều gì đã khiến giáo dục mất niềm tin trong lòng người dân đến vậy?

Rõ ràng là sự vội vàng. Trong khi, đổi mới cần có lộ trình và những phương pháp cần được lấy ý kiến, nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn giáo dục của Việt Nam. Nhiều chuyên gia giáo dục đã than phiền rằng: Đổi mới không có nghĩa là “đi gom” hết những phương pháp được cho là tiên tiến, là phát triển trong hệ thống giáo dục của các nước khác rồi đưa vào Việt Nam. Thực tế, giáo dục là lĩnh vực cần luôn được đổi mới để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại. Trong khi vị thế của giáo dục thì luôn quan trọng, đứng vị trí hàng đầu để đánh giá sự phát triển của một quốc gia… Vậy thì nên đổi mới thế nào cho phải?

Rõ ràng, qua một năm “chịu” đổi mới vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có những lần “rút kinh nghiệm” vô cùng quý giá. Vậy nên, trong năm 2016, hy vọng rằng những cuộc “cách mạng” giáo dục sẽ có hướng đi đúng đắn hơn.

Xin trích lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ GD&ĐT dịp cuối năm như một lời kết: “Bộ GD&ĐT cần cải tiến cách lấy ý kiến trong các cuộc đổi mới. Trong đó, quan trọng là huy động các hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt, Bộ cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất”.

Huyền Anh

Năng lượng Mới 496