Nơi nỗi đau chiến tranh còn hiện hữu...

14:00 | 10/08/2014

1,491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm nhưng những nỗi đau do nó mang lại vẫn hiện hữu, in hằn lên thân thể những em nhỏ ở làng trẻ Hữu Nghị (Từ Liêm, Hà Nội). Có những em đã hơn 20 tuổi nhưng trí tuệ, thân hình vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây ngô.

Làng trẻ Hữu Nghị được thành lập hơn 15 năm qua hiện đang chăm sóc hơn 100 em với nhiều lứa tuổi khác nhau là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Tới thời điểm hiện tại, Làng đã chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 600 lượt trẻ em nhiễm chất độc da cam, nhiều em sau khi rời trung tâm đã hòa nhập vào với cộng đồng.

Sống tại làng, các em không chỉ được chăm sóc về sức khỏe mà còn được các giáo viên ở đây truyền đạt những kiến thức cơ bản tùy thuộc vào khả năng nhận thức của từng em. Hiện nay, cả làng có 5 lớp học giáo dục đặc biệt và 4 lớp học nghề gồm tin học văn phòng, thêu tranh, may và làm thiệp.

Lớp giáo dục đặc biệt của cô Huyền hiện đang dạy văn hóa cho 13 em, chủ yếu là những em bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

"Dạy dỗ các em cần một sự kiên trì lớn" cô Huyền chia sẻ vì các em không nhận thức được như người bình thường, nhiều lúc học trước quên sau.

Chất độc da cam/dioxin không chỉ cướp đi khả năng nhận thức của các em mà còn khiến nhiều em mất đi những giác quan thông thường cũng như để lại di chứng trên thân thể.

Ngoài việc học văn hóa, Làng cũng tổ chức các lớp nghề cho các em, sau này hòa nhập cộng đồng còn có việc để kiếm sống.

Trịnh Thị Liên (30 tuổi) đang học làm hoa giả, có bề ngoài như một em bé cấp 1. Chất độc còn khiến em không thể nhìn rõ và phải làm hoa dựa trên xúc giác.

Tùy theo khả năng nhận thức, các em ở đây có thể tự lựa chọn nghề phù hợp để học như may vá, thêu... tự làm ra những sản phẩm để bán, nuôi sống bản thân.

Ngoài việc học văn hóa, học nghề, Làng cũng tạo điều kiện để các em ở đây được giao lưu văn hóa, học hát, đọc thơ, kể truyện để tham gia biểu diễn ở các chương trình từ thiện.

Làng cũng tạo mọi điều kiện để các em tiếp xúc với kĩ thuật, giúp các em sau này trở về địa phương có thể hòa nhập cộng đồng, làm việc có ích nuôi sống gia đình, bản thân. Anh Cảnh Chi Long (30 tuổi, đứng) cũng là một nạn nhân da cam đang dạy các em học vi tính, gõ văn bản đơn giản.

Những ngón tay bị biến dạng gõ lên bàn phím một cách khó khăn.

Ở đây, các em được tập những nếp sinh hoạt đơn giản từ tự ăn cơm, rửa tay trước khi ăn...

Dù những vận động đôi lúc khó khăn nhưng các em vẫn được học cách tự chăm sóc bản thân để sau này khi rời làng có thể hòa nhập cộng đồng.

Ngoài thời gian học, sinh hoạt, các em được đưa tới phòng phục hồi chức năng để tập vận động.

Những đứa trẻ bị chất độc tàn phá những giác quan cơ bản được dạy cách phân biệt đồ vật qua tiếng động, qua tiếp xúc.

Những đứa trẻ mất đi khả năng nhận thức vẫn hằng ngày cố gắng chống chọi lại những khắc nghiệt của cuộc đời. Hơn 40 năm qua đi nhưng chiến tranh vẫn để lại nơi đây hậu quả nặng nề của nó.

Hiền Anh