Nỗi khổ trường... tư!

19:00 | 08/06/2016

649 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều nhà đầu tư giáo dục trên địa bàn Hà Nội than phiền rằng trường tư vẫn còn đang bị... ghẻ lạnh.

"Siêu trường" chất lượng cao

Xuất phát từ việc Hà Nội cho xây dựng những trường tiểu học, THCS tiền tỷ với số vốn vài trăm tỷ đồng, nhiều ý kiến cho rằng đã gây bất bình đẳng không chỉ giữa trường công và trường tư mà còn ngay trong hệ thống trường công lập.

Mặc dù "kêu ca" thiếu kinh phí để xây dựng các trường tiểu học, trung học cơ sở nhưng một số quận của Hà Nội lại đang đầu tư xây những "siêu trường" chất lượng cao hoành tráng với kinh phí đến vài trăm tỷ đồng.

Điều này dẫn đến tình trạng, ngay cả trong một quận, thậm chí trong một phường lại có hai trường có cơ sở vật chất hoàn toàn khác nhau.

Trong khi, nhiều năm qua nhà nước đã có chủ trương và kêu gọi xã hội hóa giáo dục, mời các nhà đầu tư tham gia chia sẻ gánh nặng với nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư giáo dục đang e ngại bởi cơ chế quản lý hiện nay của Bộ GD&ĐT và Hà Nội chưa có biện pháp để khuyến khích các trường tư phát triển.

noi kho truong tu
Trường THCS Nam Từ Liêm được đầu tư theo mô hình chất lượng cao (Ảnh: Internet)

Một nhà đầu tư giáo dục đã tâm sự rằng: Hệ thống trường tư vẫn còn đang bị ghẻ lạnh.

Theo nhà đầu tư này thì ở các nước phát triển, hệ thống trường công là dành cho toàn dân, những đối tượng được hưởng phúc lợi xã hội. Những trường công này có cơ sở vật chất đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn, học sinh được hỗ trợ tiền học phí.

Những trường tư có sự khác biệt rõ ràng. Bên cạnh cơ sở vật chất tốt hơn, họ còn lồng ghép vào chương trình học những môn nâng cao, khác biệt hơn các trường công. Chất lượng nâng cao đồng nghĩa với việc phụ huynh phải trả tiền.

Đáng lưu ý là những học sinh trường tư được nhà nước hỗ trợ một khoản tiền tương ứng với khoản tiền chi cho một học sinh học trường công.

Như vậy, sẽ tạo sự minh bạch, công bằng giữa trường công và trường tư, giữa trường công và trường công.

Ở Việt Nam không những không có điều này mà cơ chế quản lý nhà nước dường như còn đang có sự phân biệt công – tư, khi các trường công được đầu tư quá nhiều.

Điều này không chỉ gây ra sự bất công giữa các trường trong hệ thống trường công lập mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các trường ngoài công lập.

Trong khi muốn mở một trường tư thục, nhà đầu tư phải chịu các loại kinh phí đầu tư, vay vốn xây dựng cơ sở, mua trang thiết bị, khấu hao tài sản để trả nợ gốc, lãi vay, xây dựng đội ngũ giáo viên, chi phí tuyển sinh…

Nên việc Hà Nội bỏ vài trăm tỷ đồng để xây dựng những trường tiểu học, THCS công lập ngay trong các khu được quy hoạch đã khiến các nhà đầu tư có cảm giác bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Vừa qua, ngân sách Hà Nội bỏ ra đầu tư thêm để “biến” những trường công lập bình thường thành trường chất lượng cao (kể cả những trường thí điểm chất lượng cao) là khá lớn.

Đơn cử như việc xây dựng Trường THCS Nam Từ Liêm là 97 tỉ đồng, mặc dù ở địa bàn Nam Từ Liêm từ lâu đã được xem là "đô thị giáo dục" với hàng loạt trường như Lê Quý Đôn, Quốc tế Việt-Úc Hà Nội, Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop, Marie Curie...

Năm 2015, UBND TP Hà Nội cũng đã ra quyết định công nhận trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố.Trong đó có 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT. Đồng thời, phê duyệt thí điểm trường chất lượng cao năm học 2014-2015 cho 11 trường.

Như vậy, tính đến thời điểm này Hà Nội đã có hơn 30 trường công chất lượng cao.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng đó có phần lãng phí và gây ra sự bất công với chính những trường công lập trên địa bàn. Đặc biệt gây áp lực cho trường tư thục, thậm chí "bóp chết" trường tư thục vì cơ sở vật chất tốt hơn mà khoản thu thấp hơn. Chưa kể, trường công còn được “thả cửa” tuyển sinh.

Đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều năm qua "cuộc chạy đua ngầm" của phụ huynh để chuyển từ các trường công sang các "siêu trường" diễn ra ngày một nhiều, dẫn đến tình trạng vừa mất bình đẳng giữa các trường công, vừa làm tăng thêm nạn chạy trường đang ngày càng nhức nhối.

Cần được quy hoạch phù hợp

Về vấn đề này, TS Lê Tiến Thành, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước là hoàn toàn đúng đắn nhưng cách thực hiện của các địa phương chưa thật thông suốt và còn tồn đọng nhiều vấn đề.

Hiện nay, các trường tư đang nhận trách nhiệm chia sẻ với trường công, tạo thêm nhiều cơ hội học tập đối với các em học sinh trong khi nhà nước không mất ngân sách để xây dựng và trả lương cho giáo viên. Trong khi đó, các trường công nhà nước phải bỏ ra cả vài vài trăm tỷ đồng cho trường để đầu tư.

Ông Thành cho rằng, nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ để tạo điều kiện nuôi dưỡng các trường tư để phục vụ các học sinh, đồng thời gánh đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

“Nhiều khi hơi buồn là những trường tư chưa được chú ý thậm chí ghẻ lạnh. Có một thời các doanh nghiệp tư nhân cũng rơi vào tình trạng ấy. Chủ trương của Trung ương nhưng xuống cấp dưới thì lại làm sai”, ông Thành nói.

Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học cho rằng, việc này cần phải yêu cầu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đảm bảo cơ hội học tập đồng đều cho học sinh trên địa bàn.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã nhận định trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp.

Tuy nhiên, hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.

Như vậy, rõ ràng Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận ra vấn đề và yêu cầu các địa phương phải tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường, các lớp.

Thiết nghĩ ngành giáo dục và cơ quan chức năng của TP Hà Nội sẽ có giải pháp để tạo mặt bằng giáo dục đồng đều.

Huy An - Ngọc Dung