Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 2)

06:00 | 10/09/2013

1,881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ khi chứng kiến cảnh sống trong những căn nhà chỉ rộng 1,5m2 và những căn nhà mà suốt đời chủ nhân không thể đứng được thì mới thấy bộ mặt thật của phố cổ. Nhưng cũng thật lạ là, dù sống khốn khổ thế, dù TP Hà Nội đã đưa ra nhiều quyết sách để giải quyết dứt điểm tình trạng nhưng nhiều người dân phố cổ vẫn cương quyết bám nhà.

>> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 1)

Kỳ 2: Những căn nhà có một không hai

Những căn nhà tí hon

Người ta cứ nghĩ phố cổ Hà Nội phồn hoa, sầm uất, con gái phố cổ kiêu sa. Nhưng phía sau những cửa hiệu, tủ kính thời trang, nhà hàng, khách sạn lộng lẫy; phía sau những mái ngói rêu phong, trầm mặc là một khu ổ chuột.

Ở Hà Nội, nhắc đến những loại nhà chỉ rộng có 7-10m2 đã khiến nhiều người tròn mắt kinh ngạc. Và họ sẽ còn kinh ngạc hơn nữa nếu chứng kiến cảnh sống ở mấy “căn hộ” siêu nhỏ trong ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm): “nhà” chỉ rộng có 1,5-2m2. Chúng nằm trong một ngôi nhà gỗ cổ ọp ẹp, ẩm mốc và nồng nặc hơi người. Ngay tầng 1 là nhà của cụ Nguyễn Thị Thuận, đã hơn 80 tuổi và của cụ Nguyễn Thị Hiếu, chừng 70 tuổi, nằm lẫn giữa những “căn nhà mini” khác.

Nhà cụ Thuận chỉ có 2m2, cửa ra vào béo tẹo và đương nhiên không có cửa sổ. Không khí lọt vào trong nhà phải đi qua một lối ngõ dài sâu hun hút nên nhà lúc nào cũng bí bách, nếu không quen, ngồi một lúc thì thấy khó chịu vô cùng. Nằm giữa nhà, nhìn bốn vách tường như muốn ép sát vào nhau, cảm giác như nằm trong quan tài. Chiếc tivi bé tin hin của cụ Thuận phải đặt tít trên cao cho xa mắt thêm một chút nên khi xem phim, cụ cứ phải hếch mặt lên mái nhà, trông rất tội.

Cảnh chật chội, nhếch nhác thường thấy trong phố cổ

Cụ Thuận bị bệnh thận mãn tính, hai chân đã bị phù, đi lại rất khó khăn. Con cái mỗi người một chốn, cũng chẳng khá giả gì, hy hữu lắm mới đến thăm mẹ ít phút rồi lại tất tả đi ngay. Cụ thuận cứ lụi cụi nấu nướng qua ngày. Hôm tôi đến, cụ thở dài: “Sống chán lắm, nhưng giời chưa bắt chết”.

Ở phía trong, ngay sát vách nhà cụ Thuận là nhà cụ Hiếu còn thảm hại hơn, chỉ rộng 1,5m2, không đủ trải một mảnh chiếu. Thế nhưng đêm đêm, cái “hộp” ẩm mốc phải “nhồi” 3 người, ngoài cụ ra còn có cậu con trai cả và cháu. Ban ngày thì tùy nghi di tản, mỗi người đi một chỗ, rảnh quá thì ra vỉa hè ngồi, chỉ đêm mới tập trung về nhà ngủ. Anh con trai người cao lêu nghêu nên khi ngủ chẳng bao giờ được duỗi thẳng chân một cách thoải mái, còn cụ Hiếu và đứa cháu muốn duỗi chân thì phải thò vào gầm tủ, không động đậy được, kiểu như bị cùm. Một thời, anh con trai cụ Hiếu từng lấy vợ. Cụ Hiếu dọn ra gầm cầu thang nằm tạm nhường chỗ cho đôi vợ chồng trẻ. Và cô con dâu của cụ không chịu nổi cảnh sống trong căn nhà 1,5m2 nên đã  lặng lẽ bỏ về nhà mẹ đẻ. Đến giờ, vợ chồng họ đã chia tay.

Trong khi hai cụ Hiếu và cụ Thuận phải “nhường nhau từng hơi thở” như vậy thì ở phía trong 1 gang, cụ Thương cũng sống trong gian nhà chỉ nhỉnh hơn một tẹo. Nhưng ngặt một nỗi, cụ Thương muốn ra ngoài phải bước qua nhà người khác. Nửa đêm, nếu cụ Thương muốn đi vệ sinh thì hai cụ ở bên ngoài vẫn phải dậy mở cửa giùm.

Nằm sâu trong cùng, tôi thấy căn hộ mà vòm bê tông đã sập quỵ

Nhưng cảnh sống của gia đình ông Nguyễn Phùng Hải ở 107 Hàng Bạc mới khiến người ta quặn lòng. Từ gần 30 năm nay, vợ chồng ông phải sống trên… nóc một cái toa-lét công cộng (tài sản chung của 6 gia đình trong một ngôi nhà cổ).

Nhà rộng 12m2, dựng bằng cột gỗ, bốn bề tứ phía được quây toàn bằng tôn mỏng. Mùa hè thì nóng khủng khiếp, ngồi trong nhà như ngồi trong thùng phi. Những đêm mưa lớn, nằm trong nhà cứ như trong một cái hộp đàn piano mà nhạc công chơi quá tệ. Tiếng mưa nện thẳng vào màng nhĩ. Hôm nào mưa bão thì tưởng cả trái đất đang nứt vỡ. Nền nhà đặt kín xô chậu mà vẫn không hứng kịp nước. Bên dưới, mùi toa-lét bốc lên chẳng khác gì sông Tô Lịch.

Ông Hải người lúc nào cũng bơ phờ vì thiếu ngủ. Cuộc sống quá ư tạm bợ nên người ta chẳng còn chú ý đến hình thức bên ngoài nữa, sự “tử tế” hình như cũng bay biến đâu mất. Người ta hay được chứng kiến cảnh cãi nhau choang choác ở phố cổ chỉ vì một chậu nước vương vãi, một chậu quần áo chắn lối đi hay chỉ là tiếng loa hơi to so với bình thường.

Những người ở số nhà 52 Hàng Bè thì lại gặp một nỗi nghiệt ngã khác: Ban đầu, đây là một ngôi nhà gỗ cổ rộng của một gia chủ giàu có. Sau đó, người ta sinh con đẻ cái, mua đi bán lại và cho đến nay, nó đã biến thành một “khu tập thể mini” với gần 100 người ở. Mỗi nhà trong đó chỉ có 9-10m2 mà phải nhồi nhét cả một gia đình 4-6 người. Nhà này cách nhà kia cái vách gỗ, bên này thở dài, bên kia nghe rõ.

Ở phố cổ, nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng

Ngôi nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà cổ nhất đất Hà thành. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1880, đã tròn 133 năm vẫn lắt lay bám trụ lại với thời gian. Bước chân vào ngôi nhà cổ này, mọi náo nhiệt của phố xá sầm uất dường như biến mất, thay vào đó là một không gian hoàn toàn khác biệt. Khác biệt đến “dị thường”. Đập vào mắt chúng tôi là dòng thông báo: “Khu vực nguy hiểm cấm qua lại”. Sở dĩ có cái biển này bởi có người đã bị vữa trát tường rụng xuống bươu cả đầu. Lâu nay, thi thoảng một vài mảng vữa trên trần lại rơi xuống.

“Đặc dị” nữa là ngôi nhà này có diện tích 206m2 nhưng “khu vực nguy hiểm cấm qua lại” đã chiếm mất 2/3 diện tích, 1/3 diện tích được coi là “an toàn” là chỗ ở của 7 hộ với gần 30 nhân khẩu. “Có những lúc ở đây có tới 40 người sinh sống. Nhưng một số con cháu đã phải ra ngoài mua hoặc thuê nhà vì không chịu được cảnh chật chội”, bà Nguyễn Thanh Quế, người đã làm dâu gần 40 năm ở đây cho biết.

Ngày nắng, nơi đây biến thành một chiếc “lò” đặc quánh mùi. Ngày mưa, các hộ gia đình phải chui vào “lô cốt” chống… sập mà vẫn lo nơm nớp. Người dân sống ở đây ăn cơm trộn mọt là chuyện thường ngày. Đặc biệt, các nhà vệ sinh được làm theo kiểu “lộ thiên”.

Bất giác tôi nghĩ, cảnh ấy không phải là sống, mà đó chỉ là phương thức để người ta tồn tại qua ngày. Nói ra thì nhiều người bảo ác khẩu nhưng thực sự, những “hộp diêm” được gọi là nhà ấy chắc chắn không thể thoải mái và sạch sẽ bằng gầm cầu và không thể thoáng đãng bằng ở trong ống cống.

 Căn nhà dị nhất phố cổ

Đỉnh điểm của cảnh sống chật chội, chui rúc giữa phố cổ có lẽ phải kể đến căn nhà có một không hai ở số 44 Hàng Buồm. Nó chỉ dài 2,64m, ngang 2,5m, cao 1,19m và điều “kinh dị” nhất là người ở trong nhà ấy không bao giờ đứng thẳng được. Căn phòng ấy nằm trên gác xép trong một trong những con ngõ tối ngòm, nhỏ hẹp nhất phố cổ.

Hôm tôi mò đến tìm anh Hoàng Văn Xuân, 49 tuổi cũng vào lúc lưng lửng buổi chiều. Chỉ cần nhích chân vào ngõ, nơi đây biến thành một căn hầm thực sự. Đã mấy chục năm nay, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời. Qua ánh điện đỏ quạch lờ mờ, tôi thấy một cánh tay gân guốc bám vào những mấu sắt cắm chặt vào bờ tường dựng đứng một bên hành lang kiểu như người ta leo lên nóc nhà. Anh Xuân vận chiếc áo nhầu nhĩ, đầu tóc rối bù bảo tôi: “Em leo lên đây, cẩn thận kẻo trượt ngã”.

Anh Hoàng Văn Xuân trong căn nhà không đứng được của mình

Tôi ngỡ ngàng trước không gian căn phòng nhỏ đến mức chỉ vừa lọt đúng một cái nhìn: một chiếc tivi cũ thô treo trên tường, xô gạo, một chiếc quạt, một nồi cơm điện và tủ quần áo nằm dọc trên một rãnh chạy dài theo chiều dài của căn phòng... Đã chui vào phòng là chỉ có ngồi hoặc nằm. Vậy mà, cái hộp diêm ấy khi trước từng là chỗ sinh sống của bốn anh em anh Xuân.

Những đồ đạc trong nhà phải giản tiện đến mức tối thiểu, cái gì treo được thì treo nghiến lên tường, cái gì lâu lâu mới dùng thì bó chặt lại lèn vào một góc. Di chuyển trong nhà thì phải đi bằng đầu gối hoặc sển bằng mông. Nhưng thường thì vợ chồng anh Xuân di chuyển quanh nhà bằng cách bò, bò lổm ngổm từ chỗ này sang chỗ khác!

Muốn thay áo thì đương nhiên phải quỳ, muốn thay quần thì chỉ có cách nằm xoài ra giữa nhà. Chuyện ngủ cũng khó khăn vô cùng, Anh Xuân chỉ sau viên gạch là bề ngang của căn nhà với cái giọng vẻ buồn buồn: “Mỗi người hai ô gạch, mỗi ô là 30cm cũng là vừa khít. Nằm xuống là nằm im cấm được động cựa như thể nằm trong vali”. Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài “nhiệm vụ” nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh. Chỉ khi ninh xương, kho thịt, kho cá... vợ chồng anh mới xuống bếp than ở sân tập thể để làm mọi thứ từ rửa rau, rửa bát, vo gạo tất tật đều ở cái bể nước công cộng.

Nhà anh Xuân chỉ có ba vách tường, phía còn lại thông thống nhìn thẳng qua gác xép của nhà em trai anh. Mọi sinh hoạt riêng tư với nhà bên cạnh ngăn cách bằng mảnh vải mỏng và chiếc tủ quần áo lùn nằm ngang. Buổi trưa, căn phòng của anh ngập đủ thứ tạp âm: tiếng tivi, tiếng băng đĩa các loại, tiếng nói chuyện í ới, cả âm thanh ồn ào của đường phố cũng dội vào. Người nằm trong nhà như muốn phát rồ!

Con trai anh Xuân là cháu Hoàng Xuân Thủy năm nay đã 15 tuổi. Chẳng biết có phải bị “ép khuôn” trong căn phòng này hay không mà cháu chỉ cao có 1,4m. Học tới lớp 9 rồi mà chưa bao giờ cháu có cái bàn học cho thật đàng hoàng vì không tìm đâu ra chỗ kê. Được cái, bạn bè cùng lớp rất thương Thủy vì hiểu được hoàn cảnh của em. Thủy không có xe đi học, mấy đứa bạn thân thường thay nhau đến chở Thủy đi học cùng. Những lúc rỗi rãi, Thủy thường hay cùng bạn ra bờ hồ ngồi, kiểu như để hít không khí cho no, kẻo về nhà không có gì mà thở!

Nhưng đến giờ thì cái tổ ấm có một không hai của anh Xuân cũng chỉ còn lại hai bố con anh sinh sống. Chị Xuyến - vợ anh Xuân - đã về quê sau ca phẫu thuật u xơ tử cung. Chị mới mổ xong, vết thương chưa lành nên không thể leo trèo và bò quanh nhà được. Chị được ưu tiên về quê để đứng thẳng cho vết thương mau lành.

Người đàn ông gạt nước mắt, bảo: “Em xem, nhà chật lại còn nghèo. Vợ tôi làm tạp vụ thuê theo giờ, bữa đực bữa cái, một buổi được trả 50.000 đồng tiền công. Tôi chạy xe ôm, khi vắng khách thì đi dọn nhà, bưng bê đồ đạc cho người ta. Cuộc sống qua gần 20 năm nay rồi mà vẫn chẳng có gì thay đổi”.

Những chuyện không muốn kể

Quả thực, chẳng nhiều người nói ra sự khốn khổ của việc “sinh hoạt người lớn” trong những căn hộ phố cổ. Sinh hoạt riêng tư ấy đôi lúc trở thành nỗi tủi hổ và ám ảnh cho những cặp vợ chồng.

Gần 20 năm sống trong căn nhà vỏn vẹn 3m2 là chỗ hõm cầu thang nhà tập thể trong phố Hàng Vải, hơn ai hết, bà Hoàng Thị Dung thấm thía sự trái ngang của chuyện “sinh hoạt người lớn” trong nhà chật. Những ngày đầu về làm dâu, làm vợ bà Dung ám ảnh đến tận bây giờ. Bà kể, đêm tân hôn của mình ngập trong nước mắt. Lúc đó, vợ chồng bà chưa dọn sang cái gầm cầu thang 3m2 mà ở cùng cả đại gia đình bên cạnh. Căn nhà tập thể 16m2 của nhà chồng bà là nơi ở của bà mẹ chồng và 4 cặp vợ chồng nữa là anh em trong gia đình. Không gian chật chội đã đành, sự xuất hiện của cô con dâu mới cũng có phần nào xáo trộn gia đình, các cặp vợ chồng khác có phần… dè chừng và ngại ngùng khi chung sống trong không gian bé tí ấy.

Khi các bếp than đồng loạt nhả khói, nhiều căn hộ trong phố cổ biến thành hang chuột

Nhưng cái tủi hổ nhất đến với bà ngay đêm tân hôn, đó là chiếc giường cưới của ông bà được mẹ chồng… nhường lại, vốn là chiếc giường của ông bố chồng đã khuất. Đêm ấy, vừa tủi thân, vừa hơi hãi hãi, nửa đêm mà cả hai vợ chồng đều không ngủ được. Hai vợ chồng thì thào, nhỏ to tâm sự, đang tính chuyện “yêu đương” thì bị mẹ chồng dựng dậy. Sáng hôm sau, ông bà phải dậy sớm để tiện sinh hoạt chung của cả nhà.

Bà kể, mẹ chồng bà tuổi già khó ngủ, lại rất thính, một tiếng động nhỏ giữa đêm cũng làm cụ tỉnh giấc. Phần vì ngượng, phần vì chưa quen sống trong căn nhà ẩm mốc, cả người bà Dung cũng… “mốc” theo nên sau khi cưới vài tháng, ông bà vẫn chưa có điều kiện “tân hôn”. Mấy tháng sau, hai vợ chồng bà mới dọn sang ở bên gầm cầu thang sát nhà, khi đó được tận dụng làm nhà kho. Lúc đó, thời gian “làm vợ” của bà mới thực sự bắt đầu. Tuổi thanh xuân của bà đã vụt đi rất nhanh mà chưa kịp tận hưởng trọn vẹn.

Bà chua chát kể: “Tôi lận đận đường chồng con lắm. Ngày xưa có ông hàng xóm hai nhà cách nhau chỉ có một bờ mương, rộng thênh thang, ông ấy mê tôi lắm, ướm hỏi mấy lần nhưng tôi không lấy, vì nghĩ ở cạnh nhau, có chuyện gì cãi vã mẹ cha cũng biết, nhỡ sợ va chạm cái gì cũng đến tai, phức tạp. Vài năm sau, một đám khác cũng đến dạm ngõ, cau trầu đàng hoàng mang đến nhà tôi, các bà hỏi tuổi nhau mới biết bà mẹ chồng tương lai ấy tuổi hùm (hổ), xung tuổi với tôi, sợ bị bà át vía nên tôi không ưng mối ấy. Bẵng đi một thời gian, tôi thành gái già ở quê”.

Còn chồng bà, ông Thành cũng long đong đường tình ái. Bố ông khuất sớm, ông giúp mẹ lo lắng cho các em. Nhà có 8 anh em, ông Thành là con trưởng. 40 tuổi ông mới giật mình nhận ra mình chưa vợ, nhờ người nhà mai mối thì gặp bà Dung, lúc đó cũng đã 38 tuổi, ông chua chát bảo: “Nếu biết phải chui rúc suốt đời trong xó cầu thang này, tôi thà không lấy vợ cho xong”.

Bà Dung tâm sự, chuyện “gần gũi” của hai vợ chồng lúc nào cũng nơm nớp, vội vàng, tranh thủ như đánh trận, rồi lâu dần, cái chật chội, bức bí không gian đã khiến những ham muốn đời thường ấy mất dần theo thời gian… nhưng rồi bà cũng tủm tỉm cười, tuy lấy chồng ở cái tuổi quá muộn, nơi ở thì quá chật chội may mà trời thương còn có được một mụn con gái. Nhưng bà lại chẹp miệng với nỗi lo, giờ đây cô con gái 17 tuổi của ông bà, chẳng bao giờ thấy có bạn bè đến chơi. Rồi không biết vài năm nữa, con bé có người yêu thì đem về nhà giới thiệu kiểu gì… Nghe chuyện sao mà buồn tê tái.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Vũ Minh Tiến