Những thử nghiệm vô nhân đạo của các hãng dược phẩm khổng lồ

13:00 | 20/09/2015

2,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Hàng loạt hãng dược phẩm khổng lồ đang biến các nước nghèo thành trung tâm thử nghiệm trên những bệnh nhân sống với đủ loại dược phẩm từ các thuốc tim mạch đến ung thư. Nhiều cái chết đã xảy ra mà nguyên nhân không gì khác hơn là đã dùng phải thứ thuốc thử nghiệm trên. Một hành động vô nhân đạo đáng báo động đỏ!  

nhung thu nghiem vo nhan dao cua cac hang duoc pham khong lo

Trung Quốc phạt tập đoàn dược phẩm lớn nhất nước Anh

Ngày 20/9, một tòa án ở tỉnh Hồ Nam vừa tuyên án đối với Tập đoàn Dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) cùng 4 quan chức của GSK với số tiền 490 triệu USD cùng những bản án tù treo khác nhau.

Ngọn đèn cầy lập lòe ở góc phòng trong nhà gia đình Dhawan. Mọi người im lặng, nhìn cậu bé Aman ngồi ở mép giường.

“Nói đi con, con muốn gì nào” - bà mẹ Seema dịu dàng nói.

“Con muốn làm vũ công. Nhưng giờ cơ thể con yếu quá…” - cậu bé thốt lên...

Nhà Dhawan nằm ở một thung lũng thuộc khu ổ chuột Pancham Ki Phel (thành phố Indore, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ). Cho đến năm 2010, khi lần đầu tiên được tiêm vaccine, theo tờ The National, Aman vẫn là cậu bé mạnh khỏe. Thế rồi cậu bị giảm cân và sức khỏe tụt nhanh cực kỳ.

Cậu là một trong những nạn nhân từ loạt thử nghiệm dược phẩm do các công ty phương Tây thực hiện tại Ấn Độ, nơi các cuộc thử nghiệm dược phẩm trở thành ngành công nghiệp mang lại 460 triệu USD/năm. Năm 2003, có không đến 61 trung tâm thử nghiệm khắp Ấn Độ. Đến năm 2011, con số đó là 1.852, với 150.000 bệnh nhân.

Cách đây 2 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Ghulam Nabi cho biết, có đến 2.868 người đã chết kể từ năm 2005 bởi các cuộc thử nghiệm dược phẩm được nhà nước chuẩn y, liên quan đến các tập đoàn khổng lồ AstraZeneca, Pfizer và Merck. Tất nhiên không chỉ Ấn Độ.

nhung thu nghiem vo nhan dao cua cac hang duoc pham khong lo

Trước khi tin về cái chết của một cô bé đến tai công luận thế giới, người ta đơn giản gọi cô là “No. 6587-0069”. Là cư dân Nigeria, mới 10 tuổi, nặng chưa đến 20kg và mắc bệnh viêm màng não. Bé được đưa vào một trung tâm chăm sóc với bác sĩ nước ngoài và được cấp thuốc miễn phí của đại công ty Pfizer.

Các nhà nghiên cứu thuộc công ty này dùng những nạn nhân như “No. 6587-0069” để thí nghiệm loại thuốc trị viêm màng não chưa được chuẩn y ở Mỹ. Lợi nhuận từ thuốc Trovan là rất lớn. Giới phân tích thị trường chứng khoán Wall Street cho rằng, Pfizer với doanh lợi 11 tỉ USD/năm có thể thu 1 tỉ USD/năm nếu Trovan thành công.

Nhóm nghiên cứu Pfizer rút dịch tủy từ bệnh nhân “No. 6587-0069” và tiêm vào 56mg Trovan. Một ngày sau, sức khỏe cô bé suy kiệt và trong hồ sơ bệnh án, người ta thấy có ghi thêm rằng một mắt nạn nhân “bị đông cứng”. Sang ngày thứ ba, em bé chết! Hồ sơ ghi: “Liều lượng tiếp tục tiến hành không đổi. Kết quả: tử vong”.

Cuộc điều tra trên quy mô toàn cầu của báo Washington Post cho thấy, nhiều công ty dược phẩm khổng lồ - chủ yếu ở Mỹ - đã sử dụng châu Phi, châu Á, Đông Âu và Mỹ Latinh như những trại thí nghiệm sống của họ. Các công ty trên đã bất chấp luật lệ và đạo đức để đạt mục tiêu lợi nhuận.

Trong cuộc thử nghiệm của Pfizer tại Nigeria, có đến 200 em thì 11 em chết và những con “chuột - người” khác thì mắc thêm nhiều biến chứng như điếc, mệt mỏi, chậm chạp, mù, mất định hướng và một trường hợp không thể nói cũng như đi.

Phát ngôn viên Pfizer khai rằng, thuốc Trovan đã được Chính phủ Nigeria đồng ý cho thử nghiệm trên người và công ty này đã chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm vô nhân đạo trong 6 tuần thay vì 1 năm như ở Mỹ.

“Đây có thể xem là một vụ giết người” - theo Evariste Lodi thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới. Cũng cần nói thêm, chỉ khoảng 3 tuần sau vụ bệnh nhân “No. 6587-0069”, nhóm nghiên cứu Pfizer đã vội vàng đóng cửa “trung tâm cấp thuốc miễn phí” tại Kano và cùng nhau chuồn thẳng trên chiếc máy bay DC-9.

nhung thu nghiem vo nhan dao cua cac hang duoc pham khong lo
Biểu tình phản đối các cuộc thử nghiệm dược phẩm vô nhân đạo tại Ấn Độ

Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu buộc phải thông báo rõ tất cả nguy cơ của loại thuốc thử nghiệm cho bệnh nhân. Họ miêu tả kỹ mục đích của cuộc thử nghiệm và sau đó phải có chữ ký đồng ý của bệnh nhân, thân nhân cùng sự làm chứng của nhân vật thứ ba.

Tại Nigeria, nhóm nghiên cứu Pfizer thảo một biên bản thỏa thuận được một ủy ban y tế Nigeria chuẩn y. Tuy nhiên, hầu hết gia đình ở làng quê nghèo được Pfizer “trợ giúp” đều là người mù chữ. Các bác sĩ Pfizer cưỡi lừa đi đến các làng quê để giảng giải.

Khi bệnh nhân bị thuyết phục chấp nhận thử nghiệm thuốc, hoàn toàn không có chữ ký của thân nhân cũng như nhân chứng. Pfizer ghi trong hồ sơ: “Thỏa thuận bằng miệng đã đạt được”.

Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không thể kiểm soát chân tơ kẽ tóc mọi hoạt động của các đại công ty đa quốc gia Mỹ và gần như không biết họ đang làm trò gì ở nước ngoài. Những báo cáo tường trình thử nghiệm nước ngoài gửi về FDA gần như đều che giấu các sai sót và nhầm lẫn.

Cách đây không lâu, khi FDA từ chối không cho Công ty Maxim Pharmaceuticals Inc. ở California thử nghiệm loại thuốc trị gan trên cơ thể người ở Mỹ và yêu cầu nên thử nghiệm trên động vật trước, công ty trên đã tiến hành thử nghiệm trên người tại Nga.

Trong ba tuần năm 1999, Maxim Pharmaceuticals Inc. đã thử nghiệm trên 149 bệnh nhân Nga. Bằng cách “trốn” sang Nga hay các nước Đông Âu, Maxim tránh được sự trì hoãn có thể làm thiệt hại hàng triệu USD.

Một viên chức điều hành thuộc Công ty Bristol-Myers Squibb cho biết, một thử nghiệm phức tạp tiến hành trên một bệnh nhân Tây Âu tốn khoảng 10.000USD nhưng chỉ mất chừng 3.000USD với bệnh nhân ở Nga. Các công ty láu cá như Maxim đã lợi dụng quy định FDA rằng thử nghiệm ở nước ngoài vẫn có thể được chuẩn y theo điều luật ban hành năm 1980.

Đến trước năm 1999, gần 30% công ty dược phẩm Mỹ đã tiến hành thử nghiệm ở nước ngoài - gấp ba lần so với năm 1995. Số các cuộc thử nghiệm ở Nam Mỹ đã tăng từ 5 hồi năm 1991 lên đến 453 vào tháng 9-2000; các cuộc thử nghiệm ở Đông Âu tính đến cuối năm 2000 là 429 (so với một thử nghiệm hồi năm 1991); tại Nam châu Phi, số cuộc thử nghiệm tăng từ 2 lên 266.

Eli Lilly and Co. cho biết, chỉ riêng năm 1994, họ thử nghiệm trên 590 bệnh nhân tại châu Phi, Trung Đông và Đông Âu. Năm 2000, công ty này đã thử nghiệm trên 7.309 người tại các khu vực trên.

Với hệ thống thử nghiệm mọc nhan nhản rộng khắp toàn cầu, việc giám sát ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn. Glaxo Wellcome chẳng hạn, công ty này vẫn còn thử nghiệm thuốc Lotronex trên 7.500 người khắp thế giới cho đến khi Lotronex bị FDA ra lệnh ngưng bán ở Mỹ do tính an toàn chưa đảm bảo.

Lotronex dùng trị bệnh đường ruột từng được FDA chuẩn y vào tháng 2-2000. Ba cái chết đã được ghi nhận, sau khi dùng Lotronex. Trường hợp của Triangle Pharmaceuticals phức tạp hơn. Tháng 8-1997, công ty này mua được bản quyền bào chế thuốc mozenavir dimosylate (trị AIDS). Thử nghiệm trên chó cho thấy mozenavir dimosylate gây ra chứng loạn nhịp tim.

FDA lập tức ra lệnh cấm thử nghiệm trên người tại Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng, Triangle cũng xin được giấy phép tiến hành nghiên cứu hạn chế ở Mỹ; đồng thời, công ty bí mật thử nghiệm ở nước ngoài. Sau loạt thử nghiệm ở Đông Âu, Triangle nhảy sang Mexico…

Vừa từ lớp học trở về nhà, Luis Antonio Corgiolu cảm thấy đau nhói ở ngực. Ông được mang đến bệnh viện với chẩn đoán ban đầu bệnh tim mạch. Người cha của 3 đứa con này chết vào trưa hôm sau. Một lỗ thủng ở động mạch chủ đã gây ra cơn đau cho Corgiolu - thông báo của Bệnh viện Pedro Mallo cho người thân nạn nhân.

Bác sĩ đã cố “vá” cái lỗ bằng ca phẫu thuật cấp cứu nhưng không thành. Máu từ lỗ thủng xịt ra như vòi nước - bác sĩ nói thêm với thân nhân. Trong nhiều tuần, người nhà Corgiolu cố tìm nguyên nhân tại sao một người sống bình thường như ông lại có thể chết bởi một lý do kỳ quặc. Câu trả lời của bệnh viện nghe không thỏa đáng.

Cuối cùng, các công tố viên Argentina tin rằng cái chết của Corgiolu là một vụ giết người. Sau hơn 2 năm điều tra, người ta phát hiện ra rằng, Corgiolu đã bị đưa vào một cuộc thử nghiệm tiến hành bí mật tại Bệnh viện Pedro Mallo.

Các viên chức thuộc Aventis Pharma - công ty dược phẩm có loại thuốc được thử nghiệm tại Pedro Mallo - cho rằng trường hợp của Corgiolu là một sai sót và họ đã cho ngưng cuộc thử nghiệm trên. Phần mình, Bệnh viện Pedro Mallo cho biết họ cũng thực hiện cuộc điều tra riêng và đã đuổi nhóm bác sĩ dính dáng đến cái chết Corgiolu.

Điều đáng nói nữa là chữ ký trong biên bản thỏa thuận không phải là chữ ký thật của Corgiolu - công tố viên Lucio Herrera cho biết. Thứ thuốc mà Công ty Dược phẩm Hoechst Marion Roussel (hiện là một phần của Aventis Pharma) cho Corgiolu dùng là loại trị tim mạch. Nạn nhân này là một trong 137 bệnh nhân tại Bệnh viện Pedro Mallo bị cho uống thử nghiệm thuốc cariporide vào cuối năm 1997 và đầu 1998.

Sau khi tìm kiếm và phỏng vấn gần đủ những nạn nhân trên, nhóm điều tra cho biết, chữ ký ở ít nhất 80 hồ sơ đều giả mạo. Chưa hết, các nạn nhân trên không hẳn là người bệnh tim và người ta còn phát hiện một số sơ đồ tim không thuộc đúng bệnh nhân trong hồ sơ. Dữ liệu đã bị thay đổi để làm cho tình trạng sức khỏe bệnh nhân phù hợp với thông số của cuộc thử nghiệm.

Một số tài liệu quan trọng đã biến mất ngay sau khi cuộc điều tra vừa bắt đầu. Tổng cộng, có 13 bệnh nhân đã chết trong 8 tháng trước khi cuộc thử nghiệm ngưng. Hầu hết đều chết trong tình trạng bệnh tật bình thường nhưng các công tố viên tin rằng có ít nhất ba cái chết - trong đó có Corgiolu - là hành vi giết người. 

Tất cả những gì xảy ra cùng những cuộc thử nghiệm dã man đã khiến vấn đề đạo đức ngành y càng được tranh luận quyết liệt.

Cách đây vài năm, Hiệp hội Y học thế giới (World Medical Association - WMA) đã gặp và bàn về tuyên bố Helsinki ra đời vào thập niên 40 của thế kỷ trước, mang nội dung về những nguyên tắc và tính đạo đức trong việc thử nghiệm thuốc.

Tính đến nay, tuyên bố Helsinki đã được điều chỉnh 7 lần mà lần gần đây nhất là tại Brazil năm 2013. Ủy ban Cố vấn đạo đức quốc gia Mỹ (do tổng thống chỉ định) cũng đang soạn các quy định mới.

Năng lượng Mới 457