Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 25/4 - 30/4

15:00 | 30/04/2022

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ cho phép xuất khẩu nhiều LNG hơn tới châu Âu; các nhà hoạt động Đức ngăn chặn dòng dầu để phản đối việc nước này chưa áp đặt trừng phạt Nga... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 25/4 - 30/4

1. Để đối phó với động thái cắt nguồn cung khí đốt của Nga đối với Ba Lan và Bulgaria, chính quyền Biden đã cho phép xuất khẩu nhiều lô hàng LNG hơn từ hai nhà máy của Mỹ hiện đang trong giai đoạn phát triển.

Golden Pass LNG có trụ sở tại Texas, thuộc sở hữu của Exxon và Qatar Petroleum, đã được phép xuất khẩu thêm 0,35 tỷ feet khối LNG mỗi ngày, bao gồm cả sang châu Âu. Giấy phép thứ hai dành cho Magnolia LNG có trụ sở tại Louisiana, thuộc sở hữu của Glenfame Group LLC, được xuất khẩu thêm 0,15 tỷ feet khối mỗi ngày, Bloomberg đưa tin.

2. Các nhà hoạt động Đức được cho là đã thành công trong việc ngăn chặn dòng chảy của dầu thô qua các đường ống tại 5 địa điểm riêng biệt, nhằm phản đối việc nước này chưa ban hành lệnh cấm đối với dầu của Nga.

Theo Reuters, 5 địa điểm đặt van là ở Berlin, Munich, Leipzig, Greifswald và Koblenz.

3. Nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Phi, Algeria, đã cảnh báo Tây Ban Nha rằng họ sẽ coi việc Madrid gửi các chuyến hàng của Algeria đến các nước thứ ba là vi phạm hợp đồng, vì Tây Ban Nha có kế hoạch gửi khí đốt đến Maroc.

Algeria và Maroc đang có rạn nứt ngoại giao về Tây Sahara. Do đó, Algeria đã ngừng cung cấp khí đốt vào cuối năm ngoái cho Maroc thông qua đường ống dẫn khí đốt Maghreb - châu Âu chạy từ Algeria qua Maroc đến Andalusia, Tây Ban Nha.

4. Các thành viên Đảng Dân chủ Mỹ ngày 28/4 nói rằng họ sẽ đề xuất luật cho phép các cơ quan liên bang và tiểu bang "truy lùng" các công ty dầu mỏ vì những việc mà các nhà lập pháp mô tả là thao túng thị trường.

Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng "Big Oil đã trục lợi trên thị trường".

"Họ đang tích trữ lượng hàng giảm giá trong khi vẫn giữ giá bơm ở mức cao", bà Pelosi nói thêm.

5. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970 dự kiến ​​sẽ giữ giá dầu và các năng lượng khác tăng cao trong nhiều năm do cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm thay đổi dòng chảy thương mại năng lượng cũng như tiêu dùng và khai thác.

Theo WB, giá thực phẩm cũng tăng vọt, cùng với giá năng lượng cao và các cú sốc đối với thương mại dầu mỏ quốc tế, giá hàng hóa tăng cao sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Bình An