Những mánh “móc túi” thượng đế của các hãng taxi

07:00 | 04/02/2015

1,653 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc để ngăn chặn việc gian lận trong tính cước taxi, nhưng xem ra những chiêu “móc túi” khách hàng vẫn diễn ra ngày càng tinh vi. Đã thế, khi xăng giảm giá mấy chục phần trăm, cước taxi lại giảm theo kiểu “chiếu lệ”.

Năng lượng Mới số 396

Lật mặt chiêu móc túi

Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, hiện có khoảng 100 hãng taxi. Thế nhưng, mỗi hãng taxi lại có một quy định khác nhau về mức giá và cách tính giá cước. Thiếu thống nhất, thay đổi thất thường, khiến khách hàng như lạc vào “ma trận” giá cước taxi.

Theo niêm yết của Hãng Taxi Group, mức giá mở cửa của hãng này là 12.000 đồng/0,3km áp dụng cho tất cả các loại xe. Đây được gọi là giá mở cửa. Sau giá mở cửa đến km số 32 là 13.900 đồng/km đối với loại xe 5 chỗ, loại xe 7 chỗ mức giá được đẩy lên 15.900 đồng/km.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Trong khi đó, Hãng taxi Mai Linh lại có mức giá mở cửa thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất là 14.000 đồng/0,6km áp dụng với các chủng loại xe như Kia Morning, Innova J, Innova G & Vios. Từ sau 600m đến km số 25 Hãng Mai Linh tính cước 13.000 đồng/km với loại xe Kia Morning, các loại xe Vios và Sunny mức giá tương ứng là 14.900 đồng/km.

Đây chỉ là hai “đại gia” trong số một loạt các hãng taxi trên địa bàn thủ đô bị kêu ca nhiều nhất vì kinh doanh chặt chém và thường xuyên bày trò móc túi khách hàng.

Anh Nguyễn Văn M (ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ: “Một lần có việc đột xuất, tôi bắt xe Taxi Group từ Ngã Tư Sở xuống quận Cầu Giấy. Nhưng vừa lên xe được 30m thì bạn tôi gọi điện nói hoãn không phải đi nữa. Nhưng khi tài xế yêu cầu phải trả cước 12.000 đồng. Với quãng đường chưa đầy 50m mà phải trả tiền nhiều như vậy, tôi thắc mắc thì nhận được câu giải thích rằng: “Dù đi nhiều hay ít, nhưng trong quãng đường 300m đầu phải trả đủ phí mở cửa là 12.000 đồng”.

Cũng giống như ở trên, để minh chứng cho việc giá cước của Hãng Taxi Group là “cắt cổ” khách hàng, một người dân sống trên đường Lê Duẩn cho biết: Khoảng 15 giờ 45 phút ngày 8/1, ông bắt taxi của Hãng CP Group (thành viên của Taxi Group) có số hiệu 1382 do Nguyễn Việt Cường điều khiển, đi từ đường 19-12 về Cửa Nam. Khi đến đúng địa chỉ khách yêu cầu, lái xe thu cước phí 20.000 đồng.

Do đồng hồ tính cước thông báo xe mới di chuyển được 650m nên vị khách này thắc mắc, thì nhận được câu trả lời của tài xế rằng: “Cước mở cửa là 12.000 đồng cho 300m đầu tiên và số tiền còn lại là cước phí cho quãng đường tiếp theo”. Lái xe Cường cũng khẳng định, việc tính cước là do hãng taxi quy định và bản thân không gian dối.

Bức xúc, vị khách này gọi điện lên tổng đài Taxi CP Group hỏi thì nhận được câu trả lời rằng, lái xe đã đi đường thẳng chứ không đi lòng vòng. Với quãng đường 650m, lái xe tính cước 20.000 đồng là hoàn toàn đúng với quy định của hãng.

Cũng theo vị khách này, đây không phải là lần đầu ông bị Hãng Taxi Group “chặt chém”.

Trước đó, chiều ngày 16/12/2014, ông vẫy chiếc xe Taxi Group mang biển kiểm soát 29A-249.17 có số hiệu xe là 6244, đi từ Trung tâm thể dục California (ở ngã ba Hai Bà Trưng và đường 19-12), về số nhà 76 Lê Duẩn (Hà Nội). Xe mới chạy được khoảng 600m thì đồng hồ tính cước đã lên 14.000 đồng, ông lấy làm lạ và hỏi thì lái xe tỉnh bơ lý giải, “xe hãng cháu mở cửa là 14.000 đồng cho 300m... và khi đến nhà 76 Lê Duẩn thì giá cước là 22.000 đồng. Như vậy, với cách tính cước “ăn cướp” của Hãng Taxi Group, dù hành khách đi quãng đường chưa đầy 1 km đã phải trả mấy chục nghìn đồng.

Bên cạnh việc tận dụng tối đa các điều mục trong quy định để bắt chẹt khách hàng, các hãng taxi còn “chây ì” trong việc giảm giá cước. Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, người tiêu dùng vì thế mà được hưởng lợi. Thế nhưng các hãng vận tải lại không chịu giảm giá cước, nếu có cũng chỉ giảm một cách nhỏ giọt.

Điển hình, Hãng Taxi Group, từ tháng 10/2014 đã có sự điều chỉnh nhưng chỉ giảm 300 đồng/km trên km30, còn giá mở cửa, cước đường dài vẫn giữ nguyên.

Đến 24/11/2014, sau áp lực giảm giá xăng dầu, áp lực dư luận, hãng này tiếp tục giảm giá 2.000 đồng cho cây số “mở cửa”, nhưng rút ngắn chiều dài từ 0,6km xuống còn 0,3km, các mức cước tiếp theo chỉ giảm 200-600 đồng/km.

Một chiêu khác cũng được các hãng taxi vận dụng triệt để là vận chuyển không tính theo km mà tính gói cước. Thí dụ, với lộ trình trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài và ngược lại, hầu như các hãng không tính cước theo cách truyền thống dựa vào đồng hồ mà khách lên xe đặt giá cụ thể. Nếu khách đồng ý thì đi, không thì tìm xe khác.

Cụ thể, các hãng thường áp dụng gói cước 250.000 đồng đến 350.000 đồng tùy loại xe cho lộ trình trung tâm thành phố - Nội Bài. Đã vậy, khi giá xăng đang ở mức hơn 24.000 đồng giá gói cước này vẫn vậy và giờ giá xăng giảm các hãng taxi lại dường như “bỏ quên” không hạ giá “gói cước” này.

Cũng theo phản ánh của khách hàng, thời gian gần đây nhiều người thấy các tài xế liên tục có những hành động lạ như bấm còi, nhấn các nút điều khiển điều chỉnh điều hòa, chỉnh âm thanh, tắt mở đài… trên bộ điều khiển khoang lái. Nhiều người cho đó là hành động bình thường và không phản ứng. Nhưng không ai biết rằng, chính những động tác lạ đó và mỗi lần nhấn nút, bấm còi, tài xế đã lấy thêm tiền của người đi xe một cách công khai. Chỉ đến khi xe dừng và thanh toán cước, người dùng mới té ngửa, rằng sao đắt thế.

Một khách hàng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, chị đi từ Tòa nhà Keangnam đến ngã tư Cầu Giấy - Xuân Thủy và ngược lại. Cùng một tuyến đường, cùng một lộ trình nhưng lại hai mức giá chênh nhau đến mấy chục nghìn. Thắc mắc thì lái xe chỉ vào đồng hồ tính cước và nói: “Đồng hồ taximet được kẹp chì nên không có chuyện can thiệp bên ngoài”. Dù biết lái xe hoặc hãng gian lận nhưng chị Hòa vẫn phải móc hầu bao trong ấm ức.

Thiếu chuyên nghiệp trong quản lý

Mặc dù cơ quan chức năng quyết mạnh tay đối với các hãng taxi vi phạm, nhưng theo nhiều chuyên gia thì taxi trên địa bàn Hà Nội phát triển quá “nóng” về số lượng phương tiện và phân bố không đồng đều đã làm nảy sinh những bất cập. Nói là nhiều nhưng đều làm ăn theo kiểu manh mún, chộp giật. Các hãng taxi không quan tâm tới quản lý hoạt động của hãng cũng như lái xe. Ngoài ra, việc cấp phép kinh doanh, hệ thống văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều lỗ hổng nên doanh nghiệp vẫn tìm được chiêu để lách luật.

Chính những bất cập này đã dẫn tới hàng loạt vụ việc lái xe “chặt chém” khách hàng. Thủ đoạn quen thuộc của taxi là dùng đồng hồ đã cài chip để nhảy số cực nhanh, cho xe chạy đường vòng khi thấy khách lạ và khi cần, có thể hét giá, đòi thêm tiền dịch vụ.

Để làm sáng tỏ cách tính cước vận tải bằng loại hình taxi, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với đại diện Hãng Taxi Group. Tuy nhiên, chỉ nhận được câu trả lời cụt ngủn rằng, giá cước đều được niêm yết trên phương tiện.

Về trường hợp khách hàng đi quãng đường 600m phải trả cước hơn 20.000 đồng, người của Hãng taxi Group khẳng định, lái xe không sai, trong trường hợp lái xe chở khách đi đường vòng thì mới vi phạm. Nếu phát hiện sai phạm sẽ hoàn tiền lại cho khách hàng và xử lý lái xe. Mức phạt tùy theo mức độ như vi phạm lần đầu hay đã vi phạm nhiều lần và có thể bị đuổi việc.

Mang câu chuyện của ông khách sống trên phố Lê Duẩn đến tìm ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, phóng viên nhận được câu trả lời rất chắc chắn: Không bao giờ có chuyện tính cước như thế xảy ra. Các hãng taxi đều hướng đến lợi ích của khách hàng, nếu có Hiệp hội sẽ vào cuộc tìm hiểu và xử lý.

Có một nghịch lý là xăng tăng thì bất cứ loại mặt hàng gì cũng “tát nước theo mưa” tăng theo. Nhưng giá xăng giảm mạnh thì cước vận tải lại “bình chân như vại”. Và “ngạc nhiên chưa” khi Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên vẫn khăng khăng là, tính đến sáng ngày 28/1/2015, 100% doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội đã gửi thông báo giảm giá cước. Cụ thể mức giảm cước thấp nhất là 3%, cao nhất là 25%.

Ông Liên quả quyết đây là tín hiệu vui trước sức ép của dư luận, bởi sau đợt giảm giá xăng dầu khá sâu vào ngày 21/1, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp vận tải, nếu trước đó đã giảm giá 5-10% thì tạm thời giữ nguyên giá cước, hoạt động bình thường. Còn với những doanh nghiệp chưa chịu giảm giá hoặc đã giảm nhưng chưa phù hợp thì buộc phải tính toán lại giá thành để giảm giá cước.

Thiên Minh - Xuân Hinh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc