Những kế hoạch "lãng mạn" và bất khả thi (?!)

08:30 | 07/09/2012

1,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nhà xây dựng luật, các nhà có trách nhiệm trong việc đặt ra các chế độ, chính sách, các quy định về quản lý thường có rất nhiều những quyết định, những kế hoạch mà xét về bản chất thì rất tốt đẹp và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Ví dụ như cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Ai hút thuốc sẽ bị xử phạt.

Ví dụ không được bán thịt để quá 8 tiếng đồng hồ.

Ví dụ không được gọi điện thoại ở cửa hàng bán xăng dầu. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Rồi cao hơn nữa, là những quy định ở trong Luật Phòng chống tham nhũng.

Những quy định này nếu nói về tính đúng đắn, cấp thiết thì rõ ràng là quá đúng đắn và quá cấp bách.

Nhưng có một vấn đề, đó là ai thực hiện những chế tài xử phạt ấy?

Chắc chắn là cho đến nay những cơ quan có trách nhiệm chưa phạt được bất cứ một ai hút thuốc lá ở nơi công cộng (ngoài việc hút thuốc lá trên máy bay). Chắc chắn là cho đến hôm nay, tại các điểm bán xăng, người dân vẫn vô tư gọi điện thoại… Còn chuyện bán thịt lợn quá 8 tiếng thì có lẽ đây là một kế hoạch “lãng mạn” vào loại bậc nhất từ xưa đến nay. Những người nghĩ ra kế hoạch này, chắc chắn cũng là những người rất “lãng mạn”, bởi vì họ đã vẽ ra một kế hoạch mà ai cũng thấy rõ ràng một điều rằng, không cách gì có thể thực hiện được trong bối cảnh dân trí chúng ta thấp như hiện nay, ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật kém như hiện nay. Rất may là qui định này đã được dừng triển khai.

Ai cũng biết có một câu nói của một nhà chính trị nổi tiếng là: “Giáo dục mà không có biện pháp thì chỉ là nói xuông”. Và ai cũng biết rằng, con người ta muốn có tự giác thì trước tiên phải có kỷ luật. Không có kỷ luật, không có chế tài mạnh bắt buộc mọi người phải tuân theo thì cũng chẳng làm gì có tự giác cả. Bởi lẽ, bản tính của con người vốn thích tự do, vốn thích muốn làm gì cũng được.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 và công tác phòng chống tham nhũng cũng đang được tiến hành quyết liệt. Về chuyện chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều kế hoạch, biện pháp từ hàng chục năm nay, nhưng xem ra căn bệnh này ngày càng trở nên trầm trọng, giống như một khối u ung thư đã bắt đầu di căn. Sở dĩ, chúng ta chống tham nhũng không có hiệu quả thì có nhiều lý do. Nhưng trong đó, lý do cơ bản nhất đó là không có chế tài đủ mạnh để buộc người có tài sản (là đảng viên, công chức Nhà nước) phải kê khai nguồn gốc tài sản đó.

Ai cũng biết người Việt Nam nặng tính duy tình, cho nên một cán bộ đang đương chức đương quyền họ được biếu xén, họ lợi dụng chức quyền để có tài sản bất minh nhưng những tài sản đó không bao giờ đứng tên họ mà đứng tên con, tên cháu, tên vợ, thậm chí bạn bè. Gần đây, dư luận xôn xao về việc con một ông Bí thư tỉnh ủy có trang trại trị giá nhiều tỉ đồng ở Hải Dương. Ai cũng biết rằng, với một anh cán bộ vào loại cấp phòng thì không cách gì có thể làm được ra khối tài sản ấy bằng sức lực, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt của mình. Kể cả trong trường hợp anh ta trúng hàng chục lần xổ số độc đắc. Nhưng thiên hạ đều hiểu rằng, vì sao anh ta giàu và anh ta dựa thế ai để được các nơi biếu xén hoặc “tạo điều kiện” cho anh ta làm giàu. Vậy thử hỏi trong việc này các cơ quan kiểm tra của Đảng có dám yêu cầu anh ta phải giải trình rằng, lấy đâu ra tiền để mua cây cảnh hàng trăm triệu, lấy đâu ra tiền để xây nhà như vậy? Tiền đó nguồn gốc từ đâu và phải chứng minh đến tận ngọn nguồn?

Rất nhiều cán bộ của chúng ta khi đang đương chức đương quyền thì tài sản hầu như không có gì. Họ ở nhà công vụ, họ đi xe công vụ và nhiều tiêu chuẩn chế độ khác cũng là được Nhà nước chu cấp. Và về mặt lý thuyết thì đồng lương chức vụ của họ cũng chỉ ở mức đủ sống, hoặc trung bình khá. Nhưng bây giờ thử nhìn xem, rất nhiều cán bộ khi đã về hưu thì sao mà họ giàu đến thế? Biệt thự lớn, biệt thự bé đã đành. Rồi còn trang trại nuôi thú quý, có đủ loại “kỳ hoa dị thạch”.

Cách đây gần 30 năm, Hà Nội đã từng mở ra Chiến dịch Z30 tấn công vào những người được coi là có tài sản bất minh. Vào thời điểm đấy, một nhà mà nuôi đến 3-4 con chó thì cũng đã bị đặt dấu hỏi, lấy đâu ra cơm, gạo để nuôi từng ấy con chó. Cách làm ấy cũng thật là rất mất dân chủ và khó có thể chấp nhận được. Nhưng rồi sau đó chúng ta lại bỏ đi, không truy nguyên nguồn gốc tài sản của cán bộ, đảng viên, mặc cho ai muốn làm gì thì làm và việc kê khai tài sản hàng năm cũng chỉ là kê khai cho có, cho vui… Cho nên, nói chống tham nhũng thì cứ nói, nhưng có lẽ chưa có cán bộ nào phải trả lời trước cơ quan kiểm tra của Đảng rằng, tiền này ở đâu ra, tài sản này do đâu mà có?

Vừa qua, ngày 30, 31/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng”. Tại hội thảo này, các đại biểu đã đánh giá, qua 5 năm thực hiện việc kê khai tài sản của người có chức, có quyền là mang nặng tính hình thức. Thể hiện ngay trong văn bản luật, chứ chưa nói đến thực thi. Bởi luật chỉ bắt cán bộ kê khai “tổng thu nhập” mà không bắt kê khai “nguồn thu nhập”, không có qui định về quy trình xác minh tài sản. Trời ạ! như vậy thì làm sao mà chống được tham nhũng. Cho nên càng nói chống tham nhũng, người dân càng bực mình mà thôi.

Người dân thì rất bức xúc khi không ít cán bộ, đảng viên sống giàu có, thậm chí xa hoa và bất chấp dư luận. Người ta đàm tiếu về những đám cưới, những đám giỗ chạp, những đám tang mà về mức độ xa xỉ, cầu kỳ, tốn kém mà có lẽ không một nhà văn nào tưởng tượng nổi. Một số đại gia tổ chức đám cưới cho con với những dàn siêu xe đón dâu, tổ chức mời những ca sĩ hạng sang về hò hát thì bị báo chí lên án. Nhưng còn những quan chức làm đám cưới cho con ở những khách sạn sang nhất và mức độ cầu kỳ, trưởng giả thì các đại gia kia còn thua xa thì có ai dám nói đâu? Người dân mất lòng tin vào một phần lớn cán bộ, đảng viên chính là từ những điều này. Bởi cán bộ, đảng viên mà không gương mẫu trong lối sống, trong chấp hành pháp luật và trong kỷ luật thì còn bảo được ai, nói được ai nữa.

Còn nhớ những năm chống Mỹ, có một câu khẩu hiệu rất hay: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Câu khẩu hiệu giản dị, mộc mạc nhưng thực sự đầy sức thuyết phục về vai trò của người cán bộ, đảng viên. “Tài” ở đâu chưa rõ và còn phải thể hiện qua quá trình công tác, nhưng “đức” thì thể hiện ra ngay trong từng lời ăn tiếng nói, từng hành động cư xử và trong cuộc sống, trong sinh hoạt. Cán bộ, đảng viên mà không gương mẫu thì có nói gì, hô hào gì cũng chỉ là giả dối. Họ đừng tưởng là những sự giả dối của họ sẽ không ai biết. Không cái gì qua mắt được nhân dân. Chỉ có điều là người dân có nói hay không, hoặc phản ứng bằng cách nào mà thôi.

Cho nên, vạch ra chính sách thì rất dễ, đặt ra những quy định thì không khó. Nhưng làm thế nào để mọi người phải tuân theo, làm theo và chấp hành nghiêm những quy định đó mới là vấn đề. Còn nếu không, thì việc chống tham nhũng cũng lại giống như chuyện cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cấm gọi điện ở cây xăng và cấm bán thịt lợn quá 8 tiếng đồng hồ.

Như Thổ

(Năng lượng Mới số 153, ra thứ Sáu ngày 7/9/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc