Địa danh nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha ở Đà Nẵng

Những câu chuyện lịch sử bi tráng

07:00 | 15/07/2018

1,305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở ra cuộc xâm lược nước ta ở thế kỷ XIX. Do lịch sử để lại, Đà Nẵng có nhiều địa danh nguồn gốc tiếng Pháp, nhưng địa danh nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha không nhiều, song đằng sau mỗi địa danh đó là những câu chuyện lịch sử đầy bi tráng.  

Trận chiến ở mũi Isabelle

Khi thực hiện hành trình Bắc - Nam hoặc ngược lại, du khách đứng từ trên đèo Hải Vân sẽ nhìn thấy một mũi đất nhô ra phía biển, đó là Hòn Hành hay còn gọi là mũi Isabelle. Theo cuốn “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng”, đây chính là điểm bắt đầu của dải bờ biển Đà Nẵng.

nhung cau chuyen lich su bi trang
Mũi Isabelle nhìn từ đèo Hải Vân

Ngược lại lịch sử, sau khi tấn công thành Điện Hải nhiều lần nhưng vấp phải sức chống trả kiên cường của quân dân Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã quyết định tấn công pháo đài Định Hải, nằm ở Hòn Hành, chân đèo Hải Vân, nhằm chiếm giữ đèo Hải Vân, cắt đứt đường viện trợ và liên lạc từ triều đình nhà Nguyễn đến Đà Nẵng.

6 giờ ngày 18/11/1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha quyết định tấn công pháo đài Định Hải với đội hình gồm 8 tàu, gồm 2 pháo hạm Avalanche và Alarme, soái hạm Némésis, tàu Tây Ban Nha Jorgo-Juan, chiến hạm hơi nước Phlégéton, 2 tàu lai dắt Prégent và Norzagarai, tàu vận tải Marne.

Đội hình chia làm 3 cánh, với những nhiệm vụ riêng biệt.

Cánh của Thiếu tá Pallières gồm 1 phân đội công binh, 1 đại đội pháo binh và 6 đại đội thủy quân lục chiến Pháp có nhiệm vụ chiếm đồn Chơn Sảng.

Một cánh của lính Tây Ban Nha có nhiệm vụ bắn sập pháo đài Định Hải và khống chế vịnh Nam Chơn.

Cánh dự bị của Trung tá Reybaud gồm 5 đại đội thủy quân lục chiến Pháp và 2 đại đội lính Tây Ban Nha dàn quân trên vịnh cho đến khi kết thúc cuộc tấn công.

Khoảng 9 giờ, tàu Pháp và Tây Ban Nha bắt đầu khai hỏa cấp tập. Quân nhà Nguyễn trên pháo đài Định Hải cũng nổ súng phản pháo quyết liệt.

Theo cuốn “Colonel Henri de Ponchalon”, một quả đạn đại bác từ đồn chính Chơn Sảng “đã cắt đứt đôi thân mình Thiếu tá công binh Déroulède đang đứng cạnh Chuẩn đô đốc Page trên khoang thượng phía đuôi soái hạm Némésis, làm Page bị lấm máu khắp người. Quả đạn đó còn bay tiếp giết chết thêm một thủy thủ đài trên chỉ huy, cắt đứt dây néo cột buồm lái và làm bị thương 2 chuẩn úy hải quân cùng một số thủy thủ khác”.

Những quả đạn trái phá từ các tàu giặc làm nổ tung những kho thuốc súng, cháy bùng đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải. Quân nhà Nguyễn phải rút quân để bảo toàn lực lượng.

Sau đó liên quân Pháp - Tây Ban Nha dùng thuyền nhỏ đổ bộ lên bờ và chiếm đóng pháo đài Định Hải cũng như các đồn xung quanh. Lính Tây Ban Nha đóng quân ở pháo đài Định Hải, lính Pháp đóng quân ở những đồn xung quanh, cánh quân dự bị thì quay trở về Đà Nẵng.

Trong thời gian chiếm đóng pháo đài Định Hải, quân Tây Ban Nha dùng tên nữ hoàng của nước mình là Isabelle Đệ nhị để đặt tên cho pháo đài này. Trải qua thời gian, người Việt đã lược giản thành Isabelle để gọi tên pháo đài. Sau đó trở thành tên của cả mũi đất, được dùng phổ biến cho đến tận ngày nay.

Đồi hài cốt - Nghĩa địa “Y Pha Nho”

Ở Đà Nẵng còn có một địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ Tây Ban Nha nữa. Đó là nghĩa địa “Y Pha Nho” (Tây Ban Nha), nằm ngay cạnh cảng Tiên Sa bây giờ. Đây là nơi quy tập hài cốt của binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử trận khi liên quân này đánh vào Đà Nẵng.

nhung cau chuyen lich su bi trang
Nhà nguyện trong nghĩa địa “Y Pha Nho”

Trong cuốn “Xứ Đông Dương”, Toàn quyền Pháp những năm đầu thế kỷ XX là Paul Doumer đã nhận định” “Đội quân nhỏ bé của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bị tơi tả bởi các bệnh nhiệt đới khủng khiếp. Sốt, kiết lị, dịch tả tàn phá đội quân. Mỗi ngày, quân triều đình lại thắng một trận mà không cần ra quân. Nghĩa trang trong trại quân mà chúng ta thấy ngày nay đủ nói lên những tổn thất của chúng ta”.

Phó đô đốc De Genouilly của lực lượng hải quân quân Pháp đã viết thư gửi về cho Chính phủ Pháp rằng: “Chính phủ bị đánh lừa về bản chất của cuộc đi đánh lấy nước An Nam. Người ta trình bày rằng, cuộc viễn chinh này chỉ là một việc dễ dàng thôi, nho nhỏ thôi, thực ra nó không dễ, cũng không nhỏ... Người ta báo cáo rằng quân đội An Nam không có gì, sự thật thì quân chính quy rất đông, còn dân quân thì không đau ốm... Trên bộ thì không hành quân lớn được, dù là chỉ hành quân ngắn mà thôi, binh lính không chịu đựng nổi... Chúng ta đang xuống dốc đến kiệt quệ ở Đà Nẵng. Mọi phương tiện cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu…”.

Ngày 15/1/1859, Phó đô đốc De Genouilly gửi tiếp một báo cáo nữa để nói rõ số lính chết vì bị bệnh kiết lị lên đến mức đáng sợ. “Trong số 800 lính bộ binh, chỉ còn khoảng 500 người có thể cầm khí giới, nhưng không đủ sức để mở một cuộc hành quân... Những người lính tử nạn do đụng độ với quân dân Đà Nẵng, do bệnh dịch kia... được chôn cất vội vã trên một ngọn đồi gần nơi đóng quân”.

Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, mọi người có thể đi trên con đường trải nhựa phẳng lì, một bên là biển, một bên là những vách taluy dựng đứng để đến khu nghĩa địa “Y Pha Nho”. Giờ đây, khu vực xung quanh nghĩa địa “Y Pha Nho” là một cảng biển Tiên Sa sầm uất bậc nhất miền Trung. Trong không gian ồn ào, sôi động đó, ít ai để ý đến một nghĩa địa có từ hàng trăm năm trước, với bao câu chuyện lịch sử bi tráng.

Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho dời hơn 40 mộ sĩ quan đến một gò cao và xây tại đây một nhà nguyện, có tường bao quanh. Dưới nền nhà nguyện là một hầm đào sâu xuống, để xếp các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ được đưa từ các nơi đưa về.

Bây giờ, nghĩa địa “Y Pha Nho” chỉ còn một ngôi nhà nguyện và vài chục nấm mộ xi măng. Ngôi nhà nguyện cao khoảng 3,5m, bên trong chỉ có một cái ban thờ đơn giản theo nghi thức công giáo, phía trên là những phiến đá khắc một dòng chữ Latinh không rõ nghĩa. Phía bên trái có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: “A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858-59-60 et ensevelis en ces lieux” (Tạm dịch: Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết năm 1858-1859-1860 và được an táng ở đây).

Phía bên ngoài có khoảng 32 ngôi mộ được xây bằng xi măng, lớn nhỏ không đều nhau. Ngôi có bia mộ, ngôi không có. Cảnh tượng hoang tàn như phế tích. Theo những người dân địa phương, hằng năm vào ngày 25-12, vẫn có những đoàn khách phương Tây đến viếng mộ, như để tưởng nhớ hương hồn của những người lính viễn chinh nằm lại nơi đất khách.

Mũi Isabelle và nghĩa địa “Y Pha Nho” là hai địa danh ở Đà Nẵng có nguồn gốc tiếng Tây Ban Nha. Mỗi địa danh này đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử bi tráng mà ít người biết được. Nên chăng, những địa danh này cần được quan tâm để giáo dục về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của cha ông ta cho thế hệ sau?

Trong thời gian chiếm đóng pháo đài Định Hải, quân Tây Ban Nha dùng tên nữ hoàng của nước mình là Isabelle Đệ nhị để đặt tên cho pháo đài này. Trải qua thời gian, người Việt đã lược giản thành Isabelle để gọi tên pháo đài, sau đó trở thành tên của cả mũi đất, được dùng phổ biến cho đến tận ngày nay.

Thanh Hiếu