Những câu chuyện ít được kể về chuyên cơ nguyên thủ (Kỳ 1)

06:55 | 13/04/2015

1,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 1943, khi đến cuộc họp thượng đỉnh Casablanca, Tổng thống Franklin D. Roosevelt dùng chiếc Boeing 314 Clipper thay vì tàu (do sợ tàu ngầm Đức tấn công), trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên dùng máy bay kinh lý nước ngoài.

Năng lượng Mới số 411

Kỳ I: “Air Force One” ra đời lúc nào?

Từ đó, Nhà Trắng quyết định dùng máy bay cho các chuyến công du hải ngoại của tổng thống. Lịch sử chuyên cơ Tổng thống Mỹ bắt đầu từ cột mốc 1943 trên. Mệnh danh “Nhà Trắng bay” hay “Phòng bầu dục bay”, chuyên cơ tổng thống Mỹ là một phần của lịch sử chính trường Mỹ, với những câu chuyện khá kỳ lạ mang tính giai thoại. Sau Boeing 314 Clipper, chiếc C-87A Liberator Express được chọn nhưng bởi một tai nạn kỳ lạ liên quan C-87A, không quân Mỹ dùng C-54 Skymaster làm chuyên cơ tổng thống. Chiếc chuyên cơ đặc biệt được thiết kế có phòng ngủ, điện thoại vô tuyến và thang máy giúp đưa cái ghế lăn của Roosevelt.

Mệnh danh “Con bò thiêng”, Douglas C-54 Skymaster đã chở Roosevelt trong nhiều sứ mạng quan trọng, trong đó có chuyến đi lịch sử dự hội nghị Yalta vào tháng 2/1945. Nhìn bề ngoài, “Con bò thiêng” trông như tất cả C-54 Skymaster khác nhưng Hãng Douglas Aircraft đã thay đổi nhiều chi tiết quan trọng, với phòng họp và cửa kính chắn đạn. Ngoài “Con bò thiêng”, Roosevelt còn dùng Bell UH-13J Sioux, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng trực thăng. Roosevelt chỉ dùng “Con bò thiêng” một lần (ông mất tháng 4/1945) và chiếc chuyên cơ tiếp tục phục vụ “sếp Nhà Trắng” trong 27 tháng đầu của Tổng thống kế nhiệm Harry Truman.

Chiếc Douglas VC-118 “Độc lập”

Ngày 26/7/1947, Truman ký Đạo luật an ninh quốc gia 1947 trên chiếc chuyên cơ này. Đạo luật mang nội dung thành lập không quân như một bộ phận độc lập trong quân đội và như vậy, nói cách khác, không quân Mỹ đã được khai sinh từ “Con bò thiêng”. Năm 1947, chuyên cơ tổng thống được thay bằng chiếc Douglas VC-118 “Độc lập”, đặt theo tên thị trấn quê nhà (Independence, thuộc bang Missouri) của Tổng thống Truman. Chiếc VC-118 “Độc lập” đưa Truman đến đảo Wake vào tháng 10/1950 trong cuộc họp mật nghị bàn tình hình bán đảo Triều Tiên với tướng Douglas MacArthur. Đến thời Dwight D. Eisenhower, người ta dùng hai máy bay động cơ đẩy Lockheed Columbine II và Columbine III (đặt theo tên loại hoa đại diện chính thức bang Colorado). Trong cùng thời gian, Không quân Mỹ bắt đầu dùng tín hiệu vô tuyến “Air Force One” để chỉ chuyên cơ tổng thống. Tuy nhiên, chỉ đến thời John F. Kennedy, cụm từ “Air Force One” mới phổ biến và chuyên cơ tổng thống được vẽ chữ “United States of America” ở thân máy bay. Thời Gerald Ford, tín hiệu vô tuyến “Air Force One” được thay bằng “SAM27000” (special air mission) nhưng “Air Force One” được dùng lại vào các đời tổng thống sau…

“Air Force One” là một trong những máy bay hiện đại nhất thế giới, được trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc cũng như hệ thống tên lửa phòng thủ. “Air Force One” có 19 truyền hình, 85 điện thoại, nhiều máy vô tuyến hai chiều, máy fax và tất nhiên máy tính với tổng chiều dài dây điện hơn 380km (gấp đôi hệ thống cáp điện của Boeing 747 bình thường). Trong bất kỳ chuyến công tác hải ngoại nào, “Air Force One” cũng được đi kèm với ít nhất hai vận tải cơ khổng lồ C-5 Galaxy mang theo xe tổng thống, xe cứu thương, trực thăng cũng như đoàn báo chí và nhân viên Mật vụ (SS).

Cần nói thêm, trừ “Air Force One”, bất kỳ chiếc máy bay nào khác chở Tổng thống Mỹ cũng đều được gọi là “Executive One”. 

Chiếc máy bay đặc biệt SAM 26000

Trong lịch sử “Air Force One”, không chiếc nào nổi tiếng bằng Boeing 707 VC-137C SAM 26000. Từng phục vụ tổng thống Mỹ trong hơn ba thập niên rưỡi, SAM 26000 chở không chỉ các tổng thống Mỹ kể từ thời John F. Kennedy mà còn vua chúa, nữ hoàng cũng như các nguyên thủ thế giới. Nó chứng kiến nhiều bi kịch kinh hoàng nhất lịch sử Mỹ. Được đưa đến căn cứ không quân Andrews vào ngày 10/10/1962, nó là chiếc máy bay đầu tiên ra đời chỉ nhằm phục vụ tổng thống. Đích thân John F. Kennedy đã yêu cầu nhà thiết kế công nghiệp lừng danh Raymond Loewy thực hiện trang trí “Air Force One” SAM 26000. Đó chính là hình chiếc máy bay trắng-xanh với hàng chữ “United States of America” ở thân và cờ Mỹ ở đuôi máy bay như thấy hiện nay.

Hai ngày sau khi có mặt tại Căn cứ không quân Andrews, SAM 26000 đã thực hiện chuyến đi chính thức đầu tiên, đến Căn cứ không quân Wheelus (Libya) để chở thái tử nước này sang Mỹ. Khi vụ khủng hoảng tên lửa Cuba bùng nổ, nó chở các ông nghị về Washington DC bởi Quốc hội Mỹ lúc đó trong thời kỳ nghỉ. Tháng 11/1962, John F. Kennedy sử dụng SAM 26000 lần đầu tiên, khi ông cùng đệ nhất phu nhân Jackie đến dự đám tang Eleanor Roosevelt (phu nhân Tổng thống Roosevelt) tại New York. Tháng 6/1963, Kennedy lại có mặt trên SAM 26000 khi bay sang Ireland và Đức. Một tháng sau, khi chở một phái đoàn Mỹ sang Moskva, SAM 26000 đã phá 30 kỷ lục thế giới về tốc độ, trong đó có kỷ lục bay liên tục nhanh nhất từ Mỹ sang Liên Xô (8 giờ 38 phút 42 giây). 

Cũng chính chiếc SAM 26000 đã chở Kennedy đến Dallas vào ngày 22/11/1963. Đó là chuyến đi “Air Force One” lần cuối cùng của Kennedy. Lo sợ một âm mưu tấn công các viên chức cấp cao Mỹ, nhân viên SS đã hối hả đưa Phó tổng thống Lyndon Johnson về “Air Force One”, chờ đến khi Đệ nhất phu nhân Jackie và thi hài Kennedy được đưa đến. 

Lyndon Johnson thay đổi nhiều phần bên trong SAM 26000. Huy hiệu quốc gia được vẽ thêm nhiều nơi và ghế được xếp lại để đối diện phần sau máy bay. Bằng cách này, Lyndon Johnson có thể quan sát mọi người trên máy bay. Thanh chắn gỗ ngăn khoang hành khách và cabin tổng thống được thay bằng thanh plastic trong. Lyndon Johnson cũng lắp một ghế và bàn to có thể hạ thấp hay nâng cao bằng một nút nhấn. Với SAM 26000, Lyndon Johnson đã sang Việt Nam để thị sát tình hình chiến trường…

Thời Richard Nixon, SAM 26000 được nâng cấp toàn diện. Cabin tổng thống được dời lên phía cánh, nơi yên tĩnh và ổn định nhất máy bay. Ngoài ra, hệ thống ghi âm tất cả cuộc gọi đi cũng như gọi đến SAM 26000 cũng bị gỡ bỏ theo lệnh Nixon. Tháng 7/1969, Nixon dùng SAM 26000 thực hiện chuyến công du 13 ngày đến 6 nước, trong đó có lần nghỉ giữa chặng để đón phi hành đoàn Apollo 11 tại Thái Bình Dương (sau chuyến thám hiểm mặt trăng thành công của Neil Armstrong). 

Chính thức rời phi đoàn chuyên cơ tổng thống vào năm 1990 nhưng SAM 26000 tiếp tục hiện diện trong lịch sử chính trường Mỹ khi chở các phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và nghị sĩ. Tháng 1/1991, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã tổ chức ngay trên boong SAM 26000 cuộc đàm phán với giới lãnh đạo Iraq về vụ xung đột Kuwait. Tháng 6/1997, SAM 26000 chở Ngoại trưởng Madeleine Albright sang Hong Kong dự lễ chuyển giao Hongkong cho Chính phủ Trung Quốc. Đây là một trong hơn 200 chuyến bay mà SAM 26000 thực hiện trong suốt năm 1997 đến 58 quốc gia. Tháng 3/1998, SAM 26000 mới thật sự bay lần cuối, khi chở Phó tổng thống Al Gore đến South Carolina rồi quay về Căn cứ không quân Andrews (bang Maryland). Hiện SAM 26000 được trưng bày tại Viện Bảo tàng Không quân Mỹ, tại Căn cứ không quân Wright-Patterson.

(Xem tiếp kỳ sau)

Mạnh Kim