Những cái “nhất” của tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

07:00 | 23/03/2013

6,404 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc bổ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thay thế người tiền nhiệm Dương Khiết Trì làm Ngoại trưởng, như vậy Trung Quốc đã có 11 Ngoại trưởng.

Trong số những người từng làm Ngoại trưởng, có người trở thành Thủ tướng (Chu Ân Lai), Phó thủ tướng (Trần Nghị, Cơ Bằng Phi, Hoàng Hoa, Ngô Học Khiêm, Tiền Kỳ Tham), Ủy viên Quốc vụ (Đường Gia Triền, Dương Khiết Trì), nhưng cũng có người phải chịu không ít hàm oan như ông Kiều Quán Hoa thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Chính vì thế nên chân dung của tân Ngoại trưởng Vương Nghị càng được dư luận quan tâm.

Chiều 16/3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 đã bầu ông Vương Nghị, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, một người am hiểu đất nước Mặt Trời mọc làm Ngoại trưởng. Ông Vương Nghị là Ngoại trưởng đầu tiên của Trung Quốc với tư cách chuyên gia về châu Á bởi những người tiền nhiệm đều là chuyên gia về Nga hoặc Mỹ. Vì từng làm Vụ trưởng Vụ châu Á, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc nên việc ông Vương Nghị làm Ngoại trưởng cho thấy vị thế đang lên của châu Á trên trường quốc tế, cũng như những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian tới.

Đây cũng được coi là động thái nhằm giúp cải thiện quan hệ Trung - Nhật đang trong tình trạng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Giới bình luận coi việc bổ nhiệm ông Vương Nghị làm Ngoại trưởng là tín hiệu cho thấy, Trung Quốc vẫn coi trọng quan hệ với Nhật Bản và có ý muốn cải thiện quan hệ, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Bởi tổng giá trị trao đổi thương mại Trung - Nhật đã giảm 3,9% xuống còn gần 330 tỉ USD năm 2012 và Nhật Bản từ đối tác thương mại lớn thứ 4 xuống thứ 5 của đất nước đông dân nhất thế giới.

Ông Vương Nghị sinh tháng 10/1953 tại Bắc Kinh, tuy lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế, nhưng lại về làm việc tại Bộ Ngoại giao (từ 1982). Năm 1983, khi Tổng bí thư Hồ Diệu Bang thăm Nhật Bản, bài diễn văn đọc tại cuộc gặp gỡ cấp cao Trung - Nhật là do ông Vương Nghị chắp bút, cho dù khi đó ông là nhân viên ngoại giao có phẩm hàm thấp nhất trong phái đoàn tháp tùng tới Tokyo. Bài diễn văn này chỉ bị Tổng bí thư Hồ Diệu Bang phải sửa có 2 chỗ. Điều này có được từ thành tích học tập khi ông Vương Nghị còn học và làm luận văn tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật tại Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh. Khi đó, Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh mở khóa thứ 77 với 3 lớp tiếng Nhật. Mỗi lớp có 16 người và ông Vương Nghị không những được bầu là lớp trưởng của một lớp, mà còn được cử làm Chủ tịch Hội Học sinh tiếng Nhật.

Chủ nhiệm khoa tiếng Nhật Phan Thọ Quân từng đánh giá ông Vương Nghị: “Có tư duy nhạy bén, viết lách tốt, có một số chuyên đề được đánh giá cao bởi tính sâu sắc và chi tiết của vấn đề”. Còn Giáo sư dạy tiếng Nhật Tần Minh Ngô cho biết, bài luận văn tốt nghiệp đại học của ông Vương Nghị được đánh giá rất cao, sau đó được in làm tài liệu giảng dạy cho các khóa sau.

Khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao (2001-2004), ông Vương Nghị được giao phụ trách nghiên cứu chính sách và giải quyết các vấn đề có liên quan tới châu Á. Tại thời điểm bổ nhiệm, ông Vương Nghị là Thứ trưởng Ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử Bộ Ngoại giao (48 tuổi) và được đánh giá là nhân vật thứ hai trong mấy Thứ trưởng Ngoại giao. Không những có thể nói trôi chảy tiếng Nhật, tân Ngoại trưởng còn là chuyên gia lâu năm về Nhật Bản và Đài Loan bởi từng làm việc tại Tổng lãnh sự (1989-1994) và Đại sứ tại Nhật Bản (từ 2004 đến tháng 9/2007). Ông Vương Nghị được cho là có nhiều mối liên hệ với giới doanh nghiệp, chính trị gia của Nhật Bản.

Tờ Japan Times từng cho rằng, Bắc Kinh muốn khai thác kỹ năng đàm phán, các mối quan hệ trên chính trường và cộng đồng doanh nghiệp tại đất nước Mặt Trời mọc, đặc biệt là những kinh nghiệm về Nhật Bản của ông Vương Nghị để thuyết phục Tokyo chính thức thừa nhận có tồn tại tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo tờ Sankei Shimbun, người đầu tiên đề cử ông Vương Nghị vào chức Ngoại trưởng là nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ông Vương Nghị được mô tả là có nhiều nét tính cách giống với nguyên Ngoại trưởng, Thủ tướng Chu Ân Lai: có trí tuệ uyên thâm, nhưng khiêm nhường, biết kiềm chế, hợp lý và khôn ngoan trong các ứng xử ngoại giao.

Ông Vương Nghị còn được coi là người đã góp phần không nhỏ cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, bao gồm cả việc ký các hiệp định kinh tế và thương mại sau khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan (3/6/2008). Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình là người từng lãnh đạo công tác Đài Loan - Hongkong - Macau nên hiểu những đóng góp của ông Vương Nghị khi làm Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan. Mặc dù thừa nhận vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, nhưng Bắc Kinh luôn quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Đài Loan.

Ngày 25/2/2013, ông Tập Cận Bình đã hội đàm với Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền của Đài Loan Liên Chấn tại Bắc Kinh. Và tại cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh - ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có nhiệm vụ xúc tiến sự phát triển hòa bình tại eo biển Đài Loan và sự tái thống nhất hòa bình của hai bờ… Cách đây không lâu (23/10/2012), khi đang là Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, ông Vương Nghị từng bày tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện kế hoạch thống nhất quốc gia, một vấn đề vốn đã gây trở ngại lớn cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng như tiền đồ và vận mệnh của dân tộc Trung Hoa.

Đông Ngàn - Từ Sơn