Nhịp cầu thúc đẩy thương mại Việt Nga
Nội dung chiến lược
Những năm qua, trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế cùng với Hoa Kỳ, EU… Liên bang Nga được biết đến là một trong những đối tác chiến lược, giàu tiềm năng bậc nhất của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Tầm quan trọng đã được khẳng định trong Tuyên bố chung giữa hai nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống V.Putin ký sau chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Liên bang Nga vào tháng 7-2012. Tuyên bố chung giữa hai nước đã đưa ra những định hướng phát triển đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, xã hội, trong đó xác định lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng, ưu tiên phát triển.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khai trương Chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Nga |
Theo đó, trong Tuyên bố chung giữa hai nước, về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lãnh đạo hai nước nêu rõ: “Tăng cường và đa dạng hóa hợp tác trong lĩnh vực tài chính tín dụng, bao gồm việc sử dụng các thẻ thanh toán và đồng nội tệ trong các thanh toán kinh tế đối ngoại, tăng cường sự tham gia của Ngân hàng Việt - Nga (VRB) trong việc thực hiện các dự án song phương trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng”.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nga Medvedev hồi tháng 4-2015, căn cứ kết quả hội đàm của Thủ tướng Chính phủ hai nước, BIDV đã được chọn là ngân hàng phối hợp cùng Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) trong việc nghiên cứu và xây dựng kênh thanh toán riêng giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Và đây chính là điều kiện quan trọng tạo hành lang cho việc triển khai kênh thanh toán song phương bằng nội tệ do BIDV/VRB đầu mối thiết lập.
Là ngân hàng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động thanh toán quốc tế, thanh toán song phương với các quốc gia như Lào, Campuchia và thanh toán biên mậu với Trung Quốc, trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, BIDV đã phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) nghiên cứu xây dựng kênh thanh toán song phương và kết nối hệ thống thẻ bằng đồng nội tệ. Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả 2 ngân hàng, đề án xây dựng kênh thanh toán song phương Việt - Nga đã được Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Và sau thời gian chuẩn bị, đến tháng 11-2015, BIDV và VTB đã chính thức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán song phương Việt - Nga.
Theo BIDV, việc xây dựng kênh thanh toán song phương sẽ góp phần khơi thông khó khăn trong thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp giữa hai nước, đặc biệt sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, kim ngạch 2 chiều của hai nước được dự báo có thể tăng bình quân 18-20%/năm, đạt khoảng 10-12 tỉ USD vào năm 2020. Trong đó, theo ước tính, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi kích thích thương mại hai nước phát triển, là cơ sở để thiết lập kênh thanh toán song phương phù hợp nhằm hỗ trợ thanh toán xuất nhập khẩu hai nước, giải quyết được điểm nghẽn trong giao thương giữa hai nước.
Nhiều kỳ vọng
Trao đổi với Năng lượng Mới, đại diện BIDV cho hay, kênh thanh toán song phương Việt - Nga được xây dựng trên những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp về các vấn đề như đảm bảo tỷ giá RUB/VNĐ cố định ngay từ khi giao kết hợp đồng ngoại thương; chi phí thanh toán bằng nội tệ cần cạnh tranh và không cao hơn khi sử dụng USD; lãi suất cho vay bằng VNĐ cần tính toán cạnh tranh so với khi nhận nợ bằng USD; có một kênh thanh toán chính thống với thị trường Nga... Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, BIDV và VTB đã xây dựng kênh thanh toán song phương Việt - Nga với các ưu điểm:
Thời gian xử lý nhanh: 2 giờ là khoảng thời gian tối đa kể từ khi ngân hàng nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ người chuyển đến khi tiền được ghi có vào tài khoản của người nhận (tại BIDV) và tương tự ở chiều ngược lại, chuyển từ BIDV sang VTB.
Đảm bảo tỷ giá, với chi phí thấp: BIDV đã cùng một số khách hàng tính toán lợi ích kinh tế của kênh thanh toán song phương, theo đó mặc dù tỷ giá RUB/VNĐ cao và biến động mạnh nhưng kết hợp với các sản phẩm mua bán kỳ hạn, bảo hiểm tỷ giá, việc chuyển tiền nhanh, cộng với phí chuyển RUB thấp (miễn phí chuyển tiền quốc tế phía BIDV) có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể (khoảng 40USD/lần chuyển so với lựa chọn chuyển USD qua kênh thường).
Ngoài ra, BIDV cũng cung cấp gói tín dụng với quy mô 200 triệu USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Nga với chính sách lãi suất ưu đãi, giá mua bán ngoại tệ cạnh tranh và ưu đãi tối đa chi phí dịch vụ thành toán, tài trợ thương mại... Đồng thời, BIDV đã ký kết với VTB các hợp đồng nguyên tắc để cung cấp các dịch vụ về mua bán ngoại tệ (RUB), bao thanh toán... tới khách hàng.
Được biết, sau khi kênh thanh toán song phương chính thức đi vào hoạt động, với sự tích cực triển khai của chương trình tọa đàm và các đợt tiếp thị bán hàng trực tiếp, đã có hơn 30 khách hàng sử dụng kênh thanh toán song phương, chủ yếu là đồng USD. Đến quý I/2016, số lượng giao dịch đạt 115 giao dịch, với doanh số thanh toán đạt 3 triệu USD. Trong đó, riêng tháng 4-2016, doanh số thanh toán qua kênh đạt 2 triệu USD... Kết quả này dù còn khá khiêm tốn nhưng cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu và thử nghiệm thực hiện qua kênh thanh toán song phương.
Và để đáp ứng nhu cầu sử dụng kênh thanh toán song phương ngày càng tăng của khách hàng, đồng thời tạo thuận lợi tốt nhất tốt nhất cho các khách hàng khi tham gia thực hiện giao dịch qua kênh thanh toán song phương, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, ngày 18-5, BIDV đã chính thức khai trương chi nhánh BIDV tại Nga. Buổi lễ diễn ra vào đúng dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo hai nước đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong việc cụ thể hóa các mục tiêu trong tuyên bố chung. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam có mặt tại buổi lễ khai trương Chi nhánh BIDV tại Nga và đại diện cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động thương mại tại Nga cũng cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp vào BIDV là rất lớn.
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới 524
-
Tin tức kinh tế ngày 1/7: Lần đầu tiên Việt Nam có sàn thương mại điện tử xanh
-
Các quỹ đầu cơ từ bỏ cổ phiếu năng lượng trong bối cảnh giá dầu giảm
-
Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 30/6: VAMC dẫn đầu về khối lượng mua, xử lý nợ xấu
-
Giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt giảm từ 0h ngày 1/7