Nhìn lại chuyến thăm cầu hòa Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

14:51 | 10/03/2020

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sang Nga gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin để điều đình vấn đề Syria.
nhin lai chuyen tham cau hoa nga cua tong thong tho nhi ky
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Moscow ngày 5/3

Theo thông báo của Điện Kremli ngày 6/3, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một lệnh ngừng bắn cùng với các biện pháp khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Idlib, Syria. Theo thỏa thuận này, các cuộc giao tranh sẽ chấm dứt dọc theo toàn bộ đường liên lạc sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngày 6/3. Bắt đầu từ ngày 15/3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tuần tra chung dọc theo tuyến đường M4 nối Idlib với Aleppo - nơi một hành lanh an ninh sẽ được thiết lập. Ngoài ra, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng các hoạt động ngoài khu vực các trạm kiểm soát của họ; cuối cùng tất cả các thỏa thuận trước đó vẫn có hiệu lực, những kẻ khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) được loại trừ khỏi lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận này cho thấy trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng họ đã thua cuộc chiến với Syria và chính thức chấp nhận tất cả những lợi ích mà quân đội Syria đạt được kể từ tháng 9/2018 và thừa nhận việc quân đội Syria giữ quyền kiểm soát đường cao tốc M5.

Idlib là yếu tố dẫn đến cuộc họp bất thường tại điện Kremlin ngày 5/3 giữa tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi cách mạng Syria nổ ra vào tháng 3/2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức chọn đứng về phe đối lập Syria, đặt cược vào sự sụp đổ của Tổng thống Bachar Al Assad. Với 900 km đường biên giới chung với Syria, Thổ nhanh chóng trở thành căn cứ cho lính Syria đào ngũ, những người chống đối Tổng thống Al Assad và thường dân chạy trốn chiến tranh. Nhưng sau khi Nga vào Syria từ năm 2015 theo lời mời của chính quyền Assad, Ankara đã xem xét lại chiến lược tại Syria. Tương quan lực lượng đã nhanh chóng đảo ngược theo hướng có lợi cho chính quyền Damascus. Được Moscow và Tehran hỗ trợ, Damascus vào năm 2016 đã chiếm lại được nhiều thị trấn bị phe nổi dậy kiểm soát, gồm cả vùng chiến lược đông Aleppo. Sau khi đặt cược mù quáng vào sự sụp đổ của ông Assad, ông Erdogan đã chuyển hướng từ chính sách chống Damascus sang chống lực lượng người Kurdistan ở miền Bắc Syria, vốn được coi là cánh tay phải của lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) có tham vọng đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra khỏi biên giới và đòi độc lập với Ankara.

Tháng 9/2018, Moscow và Ankara đạt được thỏa thuận Sochi nhằm tách những kẻ khủng bố khỏi phiến quân ôn hòa, tạo ra một khu vực phi quân sự sâu 30km và làm giảm leo thang xung đột ở Idlib. Khu vực giảm leo thang xung đột Idlib (Greater Idlib, gồm toàn bộ tỉnh Idlib và các khu vực phụ cận các tỉnh lân cận là tây bắc Hama, đông bắc Latakia và một phần phía tây Aleppo). Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ vì HTS và các nhóm liên kết với al-Qaeda khác đã không rút khỏi khu vực phi quân sự bị phá hủy và không tách khỏi những nhóm vũ trang được gọi là “đối lập ôn hòa” ở Idlib. Điều này dẫn đến việc nối lại các hành động chống khủng bố tích cực của quân đội Syria được Nga và Iran hỗ trợ, giải phóng hàng ngàn km2 khỏi các phần tử khủng bố và đưa quân đội Syria tiếp cận với khoảng cách rất gần với thủ phủ Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy sự sinh tồn của khu vực được phiến quân kiểm soát ở Idlib là một công cụ quan trọng trong chính sách của Ankara đối với Damascus và coi chiến dịch của quân đội Syria có thể là mối đe dọa sống còn đối với lợi ích của mình, do đó, họ đã đáp trả bằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại chính quyền Damascus.

Kịch bản Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đối đầu tại thành phố Idlib đã suýt xảy ra, sau loạt oanh kích trong đêm 27 rạng sáng 28/2/2020 do quân đội Damascus tiến hành với sự yểm trợ của không quân Nga, làm 33 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Trước đó, một chiếc Sukhoi Su-24 của quân đội Syria đã gây tử vong cho phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara trả đũa. Quân đội Syria càng tiến gần đến Idlib, tình hình tại khu vực càng như một chảo lửa. Câu hỏi đặt ra là phải chăng, sau tuần trăng mật, Moscow và Ankara đổi chiến lược để chọn giải pháp đối đầu? Câu trả lời có lẽ là không. Nhìn từ phía Nga, bài toán khá đơn giản: khi đưa quân vào Syria, Moscow muốn giành lại vị trí hàng đầu ở Trung Đông, nên đã đứng về phía Damascus. Chính quyền Syria muốn chiếm lại Idlib, một trong những thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy, để có thể tuyên bố đã giành được thắng lợi trong cuộc nội chiến bùng lên tại Syria từ năm 2011. Vấn đề đặt ra là Idlib nằm ngay sát cạnh biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đưa quân sang Syria với 2 mục tiêu. Một là diệt trừ lực lượng Kurdistan. Mục tiêu thứ hai khiến Ankara muốn bảo vệ Idlib là tránh để chiến sự xảy ra ngay sát cạnh, đẩy hàng trăm ngàn người tị nạn từ Idlib tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cần biết rằng đã có hơn ba triệu rưỡi người tị nạn Syria đang nương náu tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những điều kiện bấp bênh. Ankara muốn đưa số người tị nạn nói trên trở về Syria. Có điều lực bất tòng tâm, khả năng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có giới hạn, trong lúc phía Syria được không quân Nga yểm trợ. Yếu thế, Ankara vừa tìm cách lôi kéo NATO về phía mình, vừa chơi trò bắt bí châu Âu để đòi cả NATO lẫn Liên minh châu Âu quay trở lại Syria. Cả hai lá bài này đều không đem lại kết quả mong muốn. Tổng thống Erdogan đành phải sang Moscow điều đình với Tổng thống Vladimir Putin. Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, ông Erdogan thừa biết rằng trong vấn đề Syria, không thể đạt được cả hai mục tiêu đã đề ra, nếu không có sự đồng thuận của Nga.

Về phần Nga, đành rằng Điện Kremlin đang chiếm thế thượng phong trên hồ sơ Syria, nhưng trên thực tế, Moscow cũng rất cần đến Ankara. Fidor Loukianov, Tổng biên tập tạp chí Russia in Foreign Affairs ghi nhận, "hai quốc gia này cần có nhau để đạt được những mục tiêu của riêng mình (...) Nga cần có Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay để vãn hồi hòa bình cho Syria”. Do vậy, theo chuyên gia Loukianov, căng thẳng gần đây tại Idlib có thể là một khởi điểm cho một liên minh mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc họp tại Moscow ngày 5/3 có thể là cột mốc quan trọng đối với chiến lược của Nga tại Syria. Vẫn theo chuyên gia này, nếu vượt được lên trên bất đồng với Tổng thống Erdogan để giải quyết hồ sơ nóng bỏng này bằng một giải pháp chính trị, việc Nga đưa quân sang Syria từ hồi tháng 9/2015 cho phép Moscow gặt hái được những kết quả tốt đẹp, điều đó cũng có lợi cho Trung Đông. Bằng không, "đoạn tuyệt với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ dẫn tới những hậu quả khó lường". Bản thân Tổng thống Vladimir Putin và ngành ngoại giao Nga quá khôn ngoan để không rơi vào cái bẫy, gây hấn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần đây, có một kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng Syria thường xuyên được nêu ra. Theo ông Alexei Malashenko, phụ trách nghiên cứu tại Viện Đối Thoại Văn Minh của Nga, thông qua cuộc khủng hoảng Idlib, Nga có thể đang cố gắng hồi phục thỏa thuận Syria - Thổ Adana 1998 và điều chỉnh lại theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh. Theo văn bản này, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền giám sát khu vực sâu 5km vào lãnh thổ Syria để ngăn chặn các hoạt động của người Kurdistan mà chính quyền Ankara coi là một mối đe dọa.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, điều này không thể đạt được nếu các nhóm khủng bố còn có mặt trong khu vực, mà điều này rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm được. Nếu các tay súng khủng bố HTS không bị loại bỏ sẽ tạo điều kiện cho một hoạt động khác của quân đội Syria trong khu vực Idlib, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ thỏa thuận được ký bởi Thổ Nhĩ Kỳ và như vậy, căng thẳng sẽ còn leo thang hơn nữa.

nhin lai chuyen tham cau hoa nga cua tong thong tho nhi ky"Phớt lờ" lệnh ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lực lượng tới Idlib
nhin lai chuyen tham cau hoa nga cua tong thong tho nhi kyMỹ áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400
nhin lai chuyen tham cau hoa nga cua tong thong tho nhi kyNga ngăn tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Syria

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc