Nhìn lại 20 năm phát triển KCN, KCX và khu kinh tế ở Việt Nam

17:07 | 17/02/2012

2,889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 17/2/2012, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT (khu công nghiệp khu chế xuất khu kinh tế) ở Việt Nam.

Từ năm 1991, song hành cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chủ trương hình thành các KCN, KCX với ý nghĩa là các trung tâm sản xuất công nghiệp, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Các KCN, KCX, KKT được hình thành và phát triển xuất phát từ chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc quy hoạch các vùng tập trung phát triển công nghiệp, vùng lãnh thổ kinh tế gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, phát triển vùng phục vụ mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Số lượng KCN, KCX phân theo khu vực địa lý.

“Kể từ khi KCX đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh (KCX Tân Thuận) năm 1991, các KCN, KCX đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển. Chúng ta cũng đã hình thành và phát triển mô hình KKT ven biển được 8 năm và KKT cửa khẩu được 15 năm” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình phát triển các KCN, KCX, KKT cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, chất lượng thu hút đầu tư, công tác bảo vệ môi trường và vấn đề lao động.

Tính đến 12/2011, cả nước đã có 283 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 ha, được thành lập trên 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy mô trung bình của các KCN, KCX đến 12/2011 là 268 ha.

Các KCN, KCX được thành lập và phát triển phù hợp với mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Kế hoạch 5 năm 1991-1995 là giai đoạn đầu và thí điểm phát triển KCN, KCX, số lượng các KCN, KCX được thành lập trong giai đoạn này là 12 KCN, KCX với tổng diện tích tự nhiên 2.360 ha.

Kế hoạch 5 năm 1996-2000 thành lập 53 KCN, KCX với tổng diện tích tự nhiên 9.706,12 ha; kế hoạch 5 năm 2001-2005 thành lập thêm 66 KCN với tổng diện tích 13.140,4 ha; kế hoạch 5 năm 2006-2010 thành lập thêm 136 KCN với tổng diện tích tăng thêm 46.408 ha.

Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Quốc hội khóa VIII phê duyệt, tổng diện tích đất KCN đến năm 2015 là 130.000 ha và đến năm 2020 dự kiến là 200.000 ha.

Tính đến cuối tháng 12/2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỉ USD. Hàng năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào KCN, KCX chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, trong đó các dự án FDI về sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp cả nước.

Riêng trong năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào các KCN, KCX đạt 6,5 tỉ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,3 tỉ USD.

Hiện nay, Việt Nam có 18 KKT ven biển.

Hiện nay, Việt Nam có 15 KKT ven biển, bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa), đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh) và Năm Căn (Cà Mau).

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1353/QĐ-TTg đồng ý bổ sung thêm 3 KKT ven biển vào quy hoạch là: KKT Đông Nam (tỉnh Quảng Trị); KKT ven biển Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định).

Như vậy, hiện có 18 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 730.553 ha (tương đương 7.306 km2 – tương đương diện tích một tỉnh lớn ở Việt Nam), bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.

Về KKT cửa khẩu, đã có 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền có KKT cửa khẩu được thành lập; còn 4 tỉnh dự kiến sẽ thành lập KKT cửa khẩu, bao gồm: Nậm Cắn – Thanh Thủy (Nghệ An) và Na Mèo (Thanh Hóa) trước năm 2015; Đắk Per (Đắk Nông) và Đắk Ruê (Đắk Lắk) trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị sẽ được thành lập thêm 1 KKT cửa khẩu (La Lay). Đến nay đã có 28 KKT cửa khẩu với tổng diện tích hơn 600 nghìn ha.

Do các KKT cửa khẩu được thành lập theo các thời điểm khác nhau, với ban đầu là việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (năm 1996); Lạng Sơn (năm 1997); Lào Cai, Cầu Treo – Hà Tĩnh, Lao Bảo – Quảng Trị, Mộc Bài – Tây Ninh, Hà Tiên – Kiên Giang (năm 1998)…Đến nay, hầu hết các KKT cửa khẩu đã hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKT cửa khẩu tăng trưởng khá qua các năm, năm 2010 đạt hơn 5,4 tỉ USD. Ttrong đó, xuất khẩu đạt 2,93 tỉ USD và nhập khẩu đạt 2,51 tỉ USD.

Đức Chính