Nhẹ gánh cho điện!

07:00 | 06/06/2014

406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm nay, chuyện giá điện tăng hay giảm, ngành điện lỗ hay lãi luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện này được kỳ vọng là sẽ chấm dứt sau khi Bộ Công Thương có Chỉ thị 11/CT-BCT về việc công khai, minh bạch giá điện; đặc biệt, mới đây là Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Người dân đã có đầy đủ các điều kiện để hiểu, cảm thông với ngành điện nhiều hơn và như vậy, hoạt động của ngành điện sẽ được nhìn nhận một cách công bằng hơn!

Năng lương Mới số 327

Do tính chất đặc thù là loại nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống nhân dân nên điện luôn được biết đến là một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất của nền kinh tế. Ngành điện đang phải chịu “khổ”, chịu thua thiệt rất nhiều về cái sự “nhạy cảm” đó, thậm chí có nhiều thời điểm phải chấp nhận “hy sinh” vì mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng điều này không phải ai cũng thấy, ai cũng hiểu và chia sẻ, đồng cảm với ngành điện. Người ta vẫn thường phàn nàn, kêu ca về ngành điện nhiều hơn khen và dù không chỉ ngành điện mà cả Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương lên tiếng thì cách nhìn này vẫn không thay đổi. Người ta vẫn cứ nói, vẫn cứ phản ứng, dù rằng giá điện thực tế chưa được điều chỉnh tăng hoặc thậm chí là không tăng.

Giá điện trở thành điểm “nóng” của nền kinh tế như thế. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, nỗi oan mà ngành điện phải hứng chịu bao năm qua bắt nguồn chính từ sự ích kỷ, thói tham lam của người tiêu thụ điện. Họ quen dùng điện thoải mái, dùng điện với giá rẻ, dùng điện kiểu như bao cấp một thời gian quá dài nên không chấp nhận bỏ thêm tiền, mặc dù đó chỉ là một khoản tiền rất nhỏ, có khi chỉ vài ngàn đồng tăng thêm cho mỗi tháng. Và cái lý của họ đưa ra để biện hộ cho những phản ứng này là ngành điện độc quyền, việc tính giá điện không công khai nên có thể tự tung, tự tác, tăng giảm theo hứng.

Dư luận xã hội, nền kinh tế vì thế đã thể hiện sự cố chấp với cách nhìn thiếu thiện cảm, không có sự thông cảm, chia sẻ với ngành điện. Từ thực tế này, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc công khai, minh bạch giá điện, trong đó khẳng định, người dân có quyền tham gia giám sát giá điện cũng như các hoạt động của ngành điện. Điều này đồng nghĩa, nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến ngành điện, người tiêu dùng điện có quyền đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền và cả ngành điện giải đáp. Những quan điểm cho rằng, ngành điện không công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động vì thế sẽ từng bước được đẩy lùi, người tiêu dùng cũng sẽ hiểu vì sao giá điện cần phải điều chỉnh và điều chỉnh tăng bao nhiêu cho hợp lý.

Thực tế, nếu đặt hoạt động kinh doanh trong một bài toán kinh doanh, có tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào, đầu ra thì hẳn mọi người sẽ hiểu cái khó mà ngành điện phải đối diện bao năm nay. Ngành điện không những phải chịu áp lực về chỉ tiêu lợi nhuận trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn phải hoàn thành các mục tiêu phát triển hệ thống lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng sản lượng điện của nền kinh tế. Và như vậy, chắc hẳn, người ta cũng sẽ hiểu vì sao Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện nhưng phần lớn các dự án nguồn, lưới điện vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện - điều vốn dĩ không nói thì ai cũng biết nhưng rồi cũng lại chẳng có mấy người hiểu.

Người dân chủ động chọn sản phẩm tiết kiệm điện

Trong một câu chuyện khác, theo báo cáo chuyên đề về tiết kiệm điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì, tiềm năng tiết kiệm điện ở nước ta còn rất lớn. Và như đề cập tới ở trên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhận thức của các đối tượng sử dụng điện năng về tiết kiệm điện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị còn sử dụng các thiết bị điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp, lãng phí trong sử dụng điện. Thậm chí, dù ngành điện đã có rất nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng điện tiết kiệm điện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách cắt giảm 10% chi cho việc tiêu dùng điện thì hiệu quả tiết kiệm điện vẫn rất khiêm tốn.

Chính vì vậy, ngành điện đang rất kỳ vọng việc áp dụng cách tính giá điện mới theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chia khung giá điện sinh hoạt ra làm 6 bậc sẽ “đánh thức” nhận thức tiết kiệm điện của người tiêu dùng điện. Với cách chia này, nếu các đối tượng tiêu thụ điện áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện thì có thể tiết kiệm 5-8% chi phí tiền điện/tháng với hộ gia đình, 3-9% chi phí giá điện/tháng đối với đối tượng kinh doanh… Tuy nhiên, nếu sử dụng điện lãng phí thì chi phí tiền điện hằng tháng cũng sẽ tăng không hề ít, có khi lên tới 59% đối với giá điện sinh hoạt.

Qua đó để thấy rằng, với Chỉ thị 11/CT-BCT và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg, áp lực phát triển cũng như các luồng dư luận ác ý, thiếu thiện cảm với ngành điện sẽ giảm đáng kể. Đặc biệt, với cách tính giá điện mới, người tiêu dùng có thể tự chủ được giá điện, tự “cân đối” được khoản chi phí hằng tháng cho tiền điện thông qua việc dùng điện tiết kiệm, hiệu quả. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả tiết kiệm điện của nền kinh tế, giảm sản lượng tiêu thụ gia tăng hằng năm, đồng nghĩa nhu cầu phát triển hệ thống lưới điện của ngành điện cũng sẽ giảm. Ngoài ra, đối với điện cho kinh doanh, cách tính giá điện mới cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm điện, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh một cách hợp lý, tránh giờ cao điểm, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải hệ thống lưới điện truyền tải…

Người tiêu dùng điện vì thế sẽ trở thành bạn đồng hành của ngành điện trong cả hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm điện cũng như quá trình phát triển hệ thống lưới điện!

Theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, có hiệu lực từ 1/6/2014 thì: Tỷ lệ % giá bán lẻ điện sinh hoạt so với mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định gồm: Điện sinh hoạt từ 0-50kWh, tỷ lệ là 92%; từ 51-100kWh, tỷ lệ này là 95%; từ 101-200kWh là 110% (hiện khoảng này được chia thành hai nấc, từ 101-150kWh và 151-200kWh); từ 201-300kWh là 138%; từ 301-400kWh là 154% giá điện bình quân, giảm so với tỷ lệ 155% như hiện nay; từ trên 401kWh trở lên, giá điện sinh hoạt vẫn là 159%.

Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ, hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 0-50kWh; hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo trên) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh cũng được hỗ trợ tiền như các hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Giá bán lẻ điện cho kinh doanh cũng giảm 5% so với hiện nay đối với giờ bình thường, giảm 3% đối với giờ thấp điểm và 8% đối với giờ cao điểm

Thanh Ngọc