Nhanh chậm do con người!

06:00 | 25/08/2013

661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Hà Nội chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm đang là nguyên nhân chính.

Bảo Dân (NLM số 250)

Tại dự án đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân với tổng mức đầu tư điều chỉnh 6.742 tỉ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2011, dự kiến hoàn thành tháng 12/2014, nhưng hiện nay công tác GPMB đối với dự án này vẫn “vướng” 348 hộ trên địa phận huyện Sóc Sơn chưa bàn giao mặt bằng. Đây được xem là khó khăn chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án hoàn thành vào tháng 12/2014 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong việc GPMB ở đây, người dân chưa đồng thuận với việc tái định cư. Một người dân ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn cho biết, mong muốn của các gia đình là khu tái định cư mới được cấp mặt bằng đất tương đương với diện tích đang ở, đồng thời khu tái định cư có hệ thống đường, điện, nước thì họ sẽ chuyển ngay. Tuy nhiên, phương án được UBND huyện Sóc Sơn đưa ra chỉ là di chuyển tạm thời đến nhà tái định cư tại xã Tiên Dược và được hỗ trợ mỗi khẩu 30kg gạo/tháng trong 6 tháng…

Dự án cầu Nhật Tân

Theo các hộ dân, đấy chỉ là lời hứa trước mắt mà không biết đến khi nào mới có khu tái định cư ổn định. Chưa kể nơi tái định cư cách cánh đồng của gia đình gần chục kilômét, khó khăn trong việc đi lại cho sản xuất.

Ngoài ra, một số vấn đề như mức đền bù cũng chưa có tiếng nói đồng thuận. Đa số người dân băn khoăn mức đền bù không sát giá thị trường. Theo ông  Hồ Việt Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện có kế hoạch xây dựng một khu tái định cư tập trung nằm trên hai xã Mai Đình - Tiên Dược nhưng khi thực hiện có bất cập, không giống việc tái định cư ở đô thị. Thuần là bà con làm nông, nên việc đi từ khu tái định cư về nơi canh tác tới 10-18km là vô cùng khó khăn.

Huyện Sóc Sơn đề xuất phương án tái định cư phân tán tại chỗ được TP Hà Nội chấp thuận. Tuy nhiên, đến nay các khu tái định cư này đều chưa động thổ vì chưa… giải phóng được mặt bằng. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và các thủ tục được rút ngắn thời gian nhưng vẫn không thể bỏ bớt được các khâu, dẫn đến chậm trễ.

Không chỉ riêng dự án đường nối sân bay Nội Bài theo Bộ Giao thông Vận tải, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm của ngành đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với chiều dài 61,313km qua địa phận Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, cả 3 gói thầu đều chậm so với kế hoạch. Theo tiến độ phải hoàn thành GPMB trong tháng 5/2013 nhưng đến nay mới chỉ làm được phần thuộc địa phận huyện Đông Anh; 2,37ha đất trên địa bàn huyện Gia Lâm và Sóc Sơn vẫn vướng mắc do dân kiến nghị nâng giá đền bù hoặc đang khó khăn trong việc xác định giá đất ở làm căn cứ bồi thường.

Tương tự, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang chậm tiến độ. Mặc dù công tác GPMB đã đạt 98,97%, nhưng hơn 1% ít ỏi vẫn đang vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác triển khai thi công của nhà thầu. Trong đó, quận Long Biên (Hà Nội) vướng 8 hộ đất thổ cư và một số hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa di chuyển được. Huyện Gia Lâm cũng tương tự, thậm chí một số hộ dân vẫn cản trở thi công.

Trên địa bàn Hưng Yên, Hải Dương cũng vướng. Tại Hải Phòng, nan giải nhất là 3.500m2 của 12 hộ dân phường Hải Thành chưa giải tỏa được.

Sự chậm trễ giải phóng mặt bằng khiến dự án xây dựng cầu Nhật Tân - công trình quốc gia - đã phải “bổ sung chi phí” hơn 150 tỉ đồng cho nhà thầu Nhật Bản do sự chậm trễ giải phóng mặt bằng gần 27 tháng của gói thầu thi công đường dẫn  thuộc địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội). Chủ đầu tư Dự án cầu Nhật Tân đang lo sợ kịch bản tái diễn tại nút giao Phú Thượng. Hiện nay 158 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (quận Tây Hồ) vẫn chưa chấp nhận phương án di dời. Theo UBND TP Hà Nội, những vị trí “vướng” mặt bằng là do các hộ dân không hợp tác, không cho tổ chức điều tra khảo sát để lập phương án bồi thường. 

Theo các chuyên gia, cơ chế liên quan đến GPMB hiện nay khá đầy đủ. Đã có tới 4 nghị định về thực hiện công tác bồi thường, tái định cư tại các dự án. Việc chậm GPMB hiện nay có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng tác hại của việc này thật khó lường. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, cơ chế chính sách, thủ tục trong công tác GPMB ở đâu cũng thế cả, nhanh hay chậm là do con người.

Chính quyền các địa phương đang rất lúng túng trong việc giải quyết GPMB. Hệ thống chính trị cơ sở không phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, động viên mà nặng về áp đặt các biện pháp hành chính. Ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của cả hai phía cơ quan Nhà nước và người dân chưa được động viên đúng mức. Đã đến lúc cần coi trọng giải phóng ý thức trước khi GPMB!

B.D