Nhân viên "tập đoàn kích dục" Tân Hoàng Phát đổ lỗi cho nhau trước phiên tòa

23:24 | 04/09/2014

1,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 4/9, TAND TP HCM đã đưa các bị cáo trong "tập đoàn kích dục" Tân Hoàng Phát ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Các bị cáo gồm: Phan Cao Trí (SN 1973) và vợ là Phan Thị Yến (SN 1979, vợ Trí) cầm đầu “tập đoàn”. Bốn nhân viên của Trí gồm:  Phan Việt Hậu (SN 1985, em ruột Yến, Giám đốc cơ sở Tân Hoàng Phát), Phan Quốc Cường (SN 1977, Giám đốc chi nhánh massage Kim Thu), Nguyễn Minh Phương (SN 1970, quản lý cơ sở massage Hoàng Thành) và Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985, phó quản lý cơ sở massage Hoàng Thành).

Bị cáo Trí trong trang phục quần đen, áo xanh trông mập mạp, trắng trẻo hơn những lần hầu tòa trước đó.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa Nguyễn Văn Hà tiến hành các thủ tục thẩm tra lý lịch bị cáo, bị hại và những người có liên quan. Đại diện Viện Kiểm sát đã công bố cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật” trước HĐXX.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/9.

Theo cáo trạng, Trí và vợ lập 5 cơ sở massage để tuyển nữ nhân viên vào hành nghề. Trong quá trình hoạt động, các bị cáo dụ dỗ những cô cái trẻ đẹp đến từ các tỉnh miền Tây vào hành nghề với mức lương cao và công việc nhẹ nhàng.

Nhân viên nào biết chiều chuộng khách sẽ được yên thân. Ngược lại, nhiều nhân vi phạm nội quy sẽ bị ngược đãi và giam lỏng. Vụ án “nổ” ra khi các cô gái tố cáo sự việc lên Công an TP HCM. Những nạn nhân của “tập đoàn kích dục” được giải cứu và các đối tượng lần lượt bị bắt.

Ngay sau khi công bố cáo trạng, các bị cáo đồng loạt khẳng định cáo trạng kết tội không chính xác. Trí kêu oan vì cho rằng bản thân bị cáo không phải đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong vụ án. Yến chỉ có nhiệm vụ giữ tiền và không biết việc các nữ nhân viên thực hiện hành vi kích dục cho khách. Những bị cáo còn lại khẳng định không bắt giữ và ép buộc các nhân viên bán dâm.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hà đã cho phiên tòa tạm nghỉ giữa giờ để hội ý về lời khai của các bị cáo. Khoảng 10 phút sau, HĐXX tiếp tục. Vị chủ tọa gọi bị cáo Nhanh để thẩm vấn. Nhanh khai về lần nữ nhân viên tên Tình leo lầu bỏ trốn bị té ngã nên được đưa đi cấp cứu. Sau khi băng bó và chữa trị vết thương, Hậu đã đến bệnh viện chở Tình về lại tiệm massage Tân Hoàng Phát. Tình bị Trí đánh đập, tra hỏi và Nhanh không hay biết gì về tin tức của nữ nhân viên này nữa.

Trả lời trước tòa, Phương thừa nhận những lời khai của Nhanh là đúng sự thật. Bị cáo Phương làm tại chi nhánh Hoàng Thành của “tập đoàn Tân Hoàng Phát”. Phương chỉ biết những cô gái nào bỏ trốn đều bị bắt giữ và không nhớ quản lý bao nhiêu cô gái.

Ngày xảy ra vụ nữ nhân viên Tình ốm và bỏ trốn, Phương chở cô gái đến bệnh viện và không đánh đập nạn nhân. Tình nhiều lần xin về quê nhưng không được sự chấp nhận của “ông chủ” và đã uống thuốc để tự tử. Phương nói, cầm đầu đường dây này là Trí, dưới Trí là Hậu.

Bị cáo Trí bác bỏ hoàn toàn các lời khai của Phương và khẳng định bị oan. Trí nại lý do chỉ góp vốn, Phương quản lý và Hà đứng tên trên tư cách pháp nhân. Bị cáo Trí không đưa ra quyết định bổ nhiệm và ký hợp đồng đúng pháp luật. Quá trình hoạt động của hệ thống massage Tân Hoàng Phát diễn ra xuyên suốt từ năm 2006 đến năm 2008, bị cáo Trí không ký bất kỳ quyết định nào gây hại cho các nhân viên.    

Bị cáo Phan Cao Trí.

Đại diện cho bị hại Trần Cẩm Tình khai đã phải đưa 24 triệu đồng để chuộc chị Tình về. Bị cáo Yến (vợ của Trí) đã trả lại cho chị Tình 10 triệu đồng và còn nợ lại 14 triệu đồng. Bác bỏ cáo buộc của bị hại, bị cáo Yến khẳng định sự việc trên không có. Yến chỉ thu tiền và không điều hành đường dây.

Bị hại Nguyễn Thị Thùy Trang khai khi mang thai do lỡ quan hệ với khách thì bị Trí bắt đi phá thai. Trang đến bện viện đã gọi điện thoại về cho gia đình cầu cứu. Cha của Trang đến Tân Hoàng Phát quỳ và lạy 3 lạy để xin Yến tha. Yến buộc gia đình Trang phải đưa 30 triệu đồng để bỏ qua.

Bị hại Mai Kim Loan khẳng định cáo trạng buộc tội các bị cáo là đúng. Loan cũng xin HĐXX giảm án cho các bị cáo vì đã nhận vào làm việc trong quãng thời gian thất nghiệp. Loan khai khi mới vào làm được đào tạo, ăn ở miễn phí và được sống trọ bên ngoài do làm lâu nên Tân Hoàng Phát tin tưởng.

Bị cáo Nhanh “tố” Trí đã đưa ra các quy định để quản lý nhân viên 24/24. Bị cáo chỉ thực hiện theo mệnh lệnh và không làm đúng sẽ bị xử lý.

Chiều 4/9, Viện Kiểm sát bắt đầu phần luận tội. Đại diện Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm. Từ lời khai của các bị hại và bị cáo tại tòa đã đủ bằng chứng kết luận 6 bị cáo có tội. Trong vụ án này, Trí là người cầm đầu và đã cưỡng đoạt 184 triệu đồng của các nạn nhân.

Hành vi của các bị cáo có tình tiết tăng nặng do mang tính tổ chức, phạm tội nhiều lần và với nhiều người. Hai bị cáo Nhanh và Phương thành khẩn khai báo trước tòa nên đươc xem xét giảm nhẹ mức án.

Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo Trí ở mức án từ 7 đến 8 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và 5 đến 6 năm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt từ 12 đến 14 năm tù. Bị cáo Yến bị đề nghị từ 4 đến 5 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong phần bào chữa cho các bị cáo, luật sư Phạm Thanh Bình không đồng tình với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Luật sư Bình nói, các nhân viên được ở lại trong công ty của bị cáo là một điểm tích cực và khẳng định không có chuyện bắt giữ hay cưỡng đoạt. Mỗi năm, các nhân viên được các công ty cho đi du lịch.

Các bị cáo được dẫn giải về nhà tạm giữ sau ngày xét xử.

Tân Hoàng Phát là doanh nghiệp có thu chi, nộp thuế đầy đủ chứ không hoạt động trá hình. Bị cáo Trí đóng vai trò là người giúp việc chứ không cầm đầu như kết luận của cáo trạng.

“Bị cáo Yến có vai trò mờ nhạt trong vụ án. Yến chỉ là người nhận tiền và cất tiền”, luật sư Bình nói trong phần bào chữa của mình. Yến đã bồi thường cho các bị hại và đang nuôi 3 con nhỏ, bản thân chồng đang bị tù tội và thân nhân tốt nên đề nghị giảm nhẹ mức hình phạt.

Luật sư Đỗ Hải Bình bào chữa cho bị cáo Nhanh, Phương cho rằng, hai bị cáo chỉ phạm tội mang tính giúp sức và là nhân viên, của cơ sở massage. Các bị cáo làm theo chỉ đạo vì không thực hiện mệnh lệnh sẽ bị phạt và có nguy cơ bị đuổi việc. Tại tòa, bị cáo Nhanh và Phương đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội, mong muốn được sự khoan hồng của cơ quan thực thi pháp luật.

Bị cáo Nhanh đã thực thi xong mức án trong phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, đến nay đã có công việc làm ổn định và không hề có vi phạm gì thêm. Bị cáo Phương có nhân thân tốt và không vi phạm pháp luật trong suốt thời gian từ năm 2008. Luật sư đề nghị HĐXX nên phạt Nhanh bằng 1 năm tù, còn bị cáo Phương đề nghị mức án treo để tạo điều kiện cho các bị cáo làm lại cuộc đời.

Các nạn nhân xin được xem xét nhận lại số tiền mà Tân Hoàng Phát chưa trả. Cuối buổi chiều, HĐXX quyết định tạm nghỉ và phần tranh tụng sẽ được diễn ra vào sáng 5/9.

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc