Nhận thức mới, tư duy mới về quốc phòng Việt Nam

19:22 | 28/03/2021

2,616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức mới, tư duy mới về quốc phòng Việt Nam
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang truyền đạt chuyên về "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".

Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

Quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình lãnh đạo, nhận thức, tư duy của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không ngừng được phát triển, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực, quốc tế và xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Những yếu tố tác động đến quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc

Hai nội dung lớn trong chuyên đề này, bao gồm: Tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam đã được đồng chí Phan Văn Giang trình bày, làm rõ.

Về tình hình thế giới, khu vực, trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.

Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; chạy đua vũ trang; không gian chiến lược mới; các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là nước nhỏ đang phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Sự ra đời của chiến tranh mạng tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và của mỗi quốc gia. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố, thiên tai, dịch bệnh tiếp diễn phức tạp.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Về tình hình trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại. Sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị cần phải nghiên cứu triển khai chặt chẽ hiệu quả hơn. Những vấn đề phức tạp về quốc phòng ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, đồng chí Phan Văn Giang cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị... để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Theo đồng chí Phan Văn Giang, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”, hoàn toàn thống nhất mục tiêu phát triển “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước. Kiên định nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược trong xử trí các tình huống liên quan đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.

Về nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân là nòng cốt”.

Khẳng định củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Củng cố quốc phòng là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ, nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân.

Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực quốc phòng của đất nước là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng cho việc củng cố, nâng cao sức mạnh, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp đảm bảo tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

Về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Phan Văn Giang đã nêu lên các nhiệm vụ cụ thể về xây dựng quân đội nhân dân; xây dựng lực lượng dự bị động viên; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

Về xây dựng thế trận quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gồm: Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Theo www.chinhphu.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc