Nhạc Việt vì đâu tuột dốc?

11:56 | 25/10/2013

1,976 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù rất sốt ruột trước thực trạng thiếu và yếu của nền nhạc Việt và rõ ràng thấu hiểu nguyên nhân vì sao có sự “tuột dốc” này. Nhưng nhiều nghệ sĩ khi được hỏi chỉ ở trạng thái: “Biết rồi, nhưng làm được gì đâu!”.

Có tham vọng chấn hưng nền nhạc Việt, nhưng nhạc sĩ Lương Minh từng ngậm ngùi bày tỏ: “Chấn hưng không có nghĩa là dẹp loạn, bởi loạn âm nhạc hiện tại không thể dẹp nổi”. Kéo theo đó thì, mặc dù nhiều nghệ sĩ đã thấu hiểu những nguyên do, nhưng cũng đành bó gối bất lực. Bởi trước quá nhiều hệ lụy và không có sự đồng bộ thì khó có thể thay đổi cục diện vốn đang quá nhiều rối ren này.

Xét về thực trạng chung của nền nhạc Việt thì không thể phủ nhận, hiện nay chúng ta đang có một nền âm nhạc cởi mở và đa chiều. Số lượng ca khúc mới xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự xuất hiện của những gương mặt nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đáng mừng. Bởi thực tế, xuất hiện thì quá nhiều nhưng con số có chuyên môn lại tỷ lệ nghịch. Tình trạng “nghiệp dư hóa” ngày càng tăng cả trong giới nhạc sĩ và ca sĩ góp phần chính yếu làm ra sự lũng đoạn thị trường âm nhạc trong nước.

Chấn hưng nền nhạc Việt cần tiến hành đồng bộ

Có lẽ con số mà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra rằng: Đến 99% ca sĩ hiện nay không biết đọc nốt nhạc, đã làm công chúng không khỏi bất ngờ. Và con số đánh giá khác là 70% nghệ sĩ không được đào tạo chuyên nghiệp. Thực ra, việc hát hay hay không, không thuộc vào việc đọc nốt nhạc. Nghệ sĩ giỏi và tâm huyết hay không, cũng không nằm ở tấm bằng. Tuy nhiên, với con số khủng như vậy, vô hình trung lại thể hiện trình độ quá thấp và độ nghiệp dư của ca sĩ hiện nay.

Còn nhạc sĩ cũng không khá khẩm hơn. Liên tục xuất hiện những ca khúc sáo rỗng về ca từ, nhảm về giai điệu, nghèo về ý tưởng... “sinh ra” rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Thử hỏi, sự ra đời tồn tại vô thưởng vô phạt như vậy thì phải chăng chỉ là “xả rác”?

Trong khi nhạc sĩ thì chỉ quẩn quanh sáng tác bó hẹp ở đề tài yêu đương nam nữ, ít có sự đổi mới và cảm tưởng như bế tắc, khiến cho người viết trẻ không có lối thoát. Thì một khía cạnh khác, những ca khúc o ép về ca từ, thô trong câu chữ, quằn quại về giai điệu... ấy lại được “tuồn” vào đời sống âm nhạc bằng một con đường khác là sự dễ dãi của các ca sĩ trẻ. Đó là sự dễ dãi trong lựa chọn ca khúc biểu diễn trước công chúng. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã chỉ ra rằng: “Nguyên do sự đi xuống của nền nhạc Việt là chúng ta đang đứng trước thực trạng nghệ sĩ và công chúng đang cố gắng nuông chiều nhau”.

Điều đó đúng. Bởi với một nhu cầu âm nhạc nặng về giải trí như hiện tại, thì buộc nghệ sĩ phải “chiều chuộng”. Trong khi đó, một bộ phận khán giả dù không “hợp khẩu vị” nhưng vì “thực đơn” chỉ có thế, thì cũng nhắm mắt cho qua.

Một thực tế cần nhìn nhận là, đã một thời chúng ta đã có “tiếng hát át tiếng bom”, khúc ca xây dựng đất nước... khiến công chúng mê mệt. Thế nhưng, hiện tại một bộ phận giới trẻ lại đang chuộng những ca khúc quy tụ đủ các yếu tố từ nhạt đến nhảm. Chạy đua với các thể loại: Rock, Pop Ballad, Dance... Không mấy người trẻ còn mặn mà với nhạc đỏ, nhạc vàng...

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng nghệ sĩ và công chúng đang nuông chiều nhau

Điều này, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã chỉ ra hệ lụy: “Xu hướng và thẩm mỹ của khán giả phần nào làm lung lay sự định tâm của nghệ sĩ. Ví dụ anh theo một dòng nhạc mà anh thích, song mãi không kiếm được tiền. Thế là đổi món, thỉnh thoảng làm một bài quen thuộc giống mọi người thì đùng một phát nó thành hit, lại kiếm được ít tiền. Điều đó đương nhiên làm người nghệ sĩ phải suy nghĩ, băn khoăn”.

Đó là chưa kể, một bộ phận những “nhân vật” dù mới vào nghề cũng kiêm nhiệm từ nhạc sĩ sáng tác đến ca sĩ thể hiện đã tác động “tích cực” làm nên những thảm họa âm nhạc đang tràn lan trên thị trường. Vậy mới nói, âm nhạc đang rơi vào trạng thái lệch thẩm mỹ một cách có hệ thống. Từ đội ngũ sáng tác, ca sĩ thể hiện đến... khán giả thưởng thức.

Thực tế, sẽ là phiến diện nếu không nhắc đến những nghệ sĩ tâm huyết bằng cách sản xuất những sản phẩm âm nhạc “tử tế”. Nhưng con số này ít, hoặc chăng có quá sốt ruột đi chăng nữa thì cũng trở nên bất lực trước số đông. Còn nhớ, ca sĩ Đức Tuấn sau một hồi chỉ ra những bất cập của nhạc Việt, thì cũng đành bất lực mà than rằng: "Làm gì ư? Nó là công việc cần tiến hành một cách đồng bộ”. Vậy nên, dù có tham vọng đưa nhạc Việt ra với thế giới thì ca sĩ này vẫn khẳng định, vẫn phải chinh phục khán giả trong nước trước đã”.

Nhạc Việt với quá nhiều bộn bề như vậy, để làm được gì thì đương nhiên nằm ở số đông và tiến hành đồng bộ. Đó là từ nghệ sĩ và khán giả.

Huy An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps