Nhạc sư Vĩnh Bảo: 96 tuổi vẫn dạy nhạc qua Internet

11:00 | 31/08/2013

3,331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đến tuổi bách niên giai lão nhưng da dẻ ông vẫn rất hồng hào với mái tóc bạc trắng và ngón đàn điêu luyện. 96 tuổi, hằng ngày ông vẫn dạy nhạc qua Internet cho những ai mê âm nhạc dân tộc Việt Nam ở khắp năm châu; vẫn tiếp bạn bè và học trò, cùng khách tri âm tiếng đàn dân tộc tại nhà, đó là nhạc sư Vĩnh Bảo.

Tôi đến thăm nhạc sư Vĩnh Bảo trong một buổi chiều nắng rát mặt, căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Bốn vách tường nhà cũng nóng ran, trong một căn phòng nhỏ chừng 9m2 là tài liệu về âm nhạc dân tộc được sắp xếp ngăn nắp, là hồ sơ các học trò của ông, là những cây đàn tranh, đàn gáo, đàn bầu, đàn cò… treo trên các bức tường. Và có một dụng cụ không thể thiếu song hành cùng ông trong bao năm qua, đó là bộ máy tính kết nối mạng.

Mới gặp, thay vì nói về âm nhạc dân tộc thì ông bày tỏ nỗi bức xúc là vừa qua có cuộc hội thảo về âm nhạc dân tộc tại TP HCM, Ban Tổ chức tự tiện lấy một bài trả lời phỏng vấn trên báo của ông rồi để tên nhạc sư Vĩnh Bảo và gắn vào cuốn kỷ yếu hội thảo. Trong khi họ chưa xin phép ý kiến ông. Rồi chuyện ai đó đã lấy hình ông gắn vào một bài viết liên quan đến âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ đang xin UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông bức xúc vì sự tùy tiện của một số người không hỏi, không được sự đồng ý của ông vẫn lấy tên, hình ảnh của ông để làm việc của họ.

Hằng ngày, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn dạy nhạc qua Internet

Nhưng sau đó, với phong thái ung dung, điềm đạm, ông say sưa nói về âm nhạc dân tộc, nói về các cây đàn. Được coi là bậc thầy duy nhất còn sót lại của đờn ca tài tử “nguyên gốc” Nam Bộ, gần nửa thế kỷ nay, ông có thể truyền thụ âm nhạc dân tộc Việt Nam cho người nước ngoài bằng nhiều ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Campuchia.

Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh năm 1918 ở làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Gia đình ông vừa theo Nho học vừa theo Tây học. Cụ thân sinh của ông là Nguyễn Hàm Ninh, một địa chủ và là một thầy thuốc Đông y tài hoa, sử dụng thành thạo ba nhạc cụ đàn kìm, đàn tranh, đàn cò. Không những thế, thân sinh ông ca tài tử và hát bội rất hay. Gia đình ông còn là nơi họp mặt của nhiều nhà nho, văn sĩ và thi sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam đầu thế kỷ XX. Chính nền tảng và truyền thống gia đình mà cậu bé Vĩnh Bảo mê nhạc từ rất sớm. Tuy nhiên, lúc đầu sợ con mê nhạc mà lơ là chuyện học nên cha ông ngăn cấm, còn mẹ thì ủng hộ: “Khi nào cha tôi đi vắng thì má canh cửa cho đờn”. Sau biết tình yêu của con dành cho âm nhạc thì cha ông ủng hộ và mẹ ông tìm thầy giỏi đến nhà dạy. Vì thế mà năng khiếu âm nhạc của ông có dịp phát triển sớm.

Học đàn bài bản trực tiếp qua các nghệ nhân, nghệ sĩ và hàng trăm bạn đàn dù nhiều hay ít, cùng với biết bao lần biểu diễn, nhạc sư Vĩnh Bảo đã tự trui rèn cho mình những ngón đàn riêng độc đáo. Nối tiếp các nhạc sư Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Trần Văn Kiên (Cần Thơ), nhạc sư Vĩnh Bảo sớm nổi tiếng với khả năng đàn và là một trong những gương mặt nghệ sĩ cổ nhạc của thế hệ tài danh một thời như: Chín Kỳ, Giáo Thinh, Hai Biểu, Chín Trích, Tư Nghi, Bảy Hàm, Mười Tiểng, Hai Phát, Năm Vĩnh, Mười Còn, Sáu Quý, Văn Sĩ, Sáu Tửng…

Năm 1956, Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP HCM) thành lập thì nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những người thầy có mặt đầu tiên. Ông được mời dạy môn đàn tranh và là Trưởng ban Giáo sư nhạc tài tử miền Nam. Có lần, GS Nguyễn Thuyết Phong, người nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc nhạc học đã nhận xét: “Vào những năm cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, hai nhạc sư Vĩnh Bảo và Nguyễn Hữu Ba là hai trí thức âm nhạc, là hai cánh chim đầu đàn của cả thế hệ âm nhạc toàn miền Nam”.

Tài năng là thế và tính cách ông cũng có nhiều điểm khác biệt. Chính ông tự nhận: “Con người tôi từ nhỏ đến lớn có nhiều cái không giống người ta. Có nhiều người họ nói tôi khùng. Bạn bè nói với tôi: ‘Anh lý tưởng nhiều quá. Anh phải sống thực tế’. Họ nói như thế nào đối với tôi không quan trọng”. Ông quan niệm, trong đời, cái gì giúp được cho ai thì ông giúp, không phân biệt người lạ người quen mà không cần đòi hỏi phải trả ơn. Để có được châm ngôn sống như vậy, ông cũng phải trải qua một quá trình chứng nghiệm trong đời. 

Giờ đây, dù đã sang tuổi 96 nhưng hằng ngày ông vẫn dạy học trò yêu âm nhạc dân tộc qua Internet mà như ông nói dạy trực tiếp thì dễ hơn, chỉ nói trong vòng 10 phút thì học trò hiểu nhưng dạy qua mạng phải mất đến nửa giờ học trò mới hiểu. Dù thế, ông vẫn không nản lòng và luôn đem hết tài năng của mình để chỉ bảo học trò, chỉ cần người ấy có cái tâm học nhạc với một tình yêu chân thành. Ông khá khắt khe trong việc chọn lựa học trò. Những người đến học đàn tại nhà trong bao năm qua là những người mà ông tin cậy, đàng hoàng, tử tế… Ông cho rằng: “Nhìn tướng mạo tôi cũng biết được phần nào họ có đáng tin không”. Tuy nhiên, đa số học trò đến học chủ yếu giải trí là chính chứ không phải học nhạc để sống bằng nghề.

Không những có ngón đàn điêu luyện cùng với kiến thức về âm nhạc truyền thống miền Nam uyên bác mà nhạc sư Vĩnh Bảo còn được biết đến là bậc thầy trong chế tác đàn tranh, những cây đàn 17 dây, 19 dây đều tự tay ông làm lấy.

Trò chuyện với ông thì được biết rằng, ông vẫn đau đáu việc phải tìm hiểu lý do vì sao giới trẻ bây giờ quay lưng với âm nhạc dân tộc. Cũng giống như một bác sĩ phải đoán trúng bệnh, ra toa đúng thuốc mới chữa trị hết bệnh. Theo ông, bệnh vọng ngoại, quay lưng với truyền thống là cái bệnh chung của những nước bị trị, bị đô hộ chứ không riêng gì Việt Nam. “Vì nhiều người vẫn mang tâm thức cho rằng, những nước đi cai trị, đi xâm lăng là giỏi chứ thực tế chúng có thắng mình là do có sức mạnh chứ văn hóa chưa chắc hơn văn hóa của mình”, ông nhấn mạnh. Vì thế, phải làm sao cho thế hệ trẻ tự tin với văn hóa truyền thống, thấy được cái hay của văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc thì từ đó các em mới yêu, quý, trân trọng và sẽ không bao giờ quay lưng với truyền thống.

Gần một thế kỷ sống với đờn ca tài tử, với âm nhạc truyền thống dân tộc, ông có một nhân cách mà người đời cho là “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” hiếm có trong cả một đời giữa biết bao biến thiên, đổi dời, thăng trầm của thời cuộc. Giờ đây, hằng ngày tiếng đàn tranh từ căn phòng nhỏ trong căn nhà nhỏ của ông vẫn vang xa, qua mọi miền, qua mọi biên giới để đến với những người yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam khắp năm châu.

Thanh Thanh