Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Âm nhạc bị méo mó bởi chính người nghe không biết chọn lọc

08:32 | 06/07/2012

1,893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc về vấn đề làm thế nào để âm nhạc thực sự đến được với người nghe.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc

Những ca khúc của Đặng Hữu Phúc ở trong trí nhớ nhiều người nhất có thể kể tới như “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Tôi vẫn hát”… Nhạc của ông là những tình cảm dịu dàng, tinh tế, sang trọng lan tỏa trong tâm hồn người. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vừa ra mắt thành công tập “Tuyển chọn 60 bài Romance và Ca khúc cho giọng hát với piano”. Đây là tuyển tập các bài Romance đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam với 60 bài viết cho giọng hát có đầy đủ cả phần piano.

PV: Xin chúc mừng nhạc sĩ vừa ra mắt thành công tập “Tuyển chọn 60 bài Romance và Ca khúc cho giọng hát với piano”. Thưa ông, tập tuyển chọn này được hình thành như thế nào?

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Khoảng năm 1975, tôi đã bắt đầu viết Romance, khi đó tôi đang là sinh viên đại học sáng tác và piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Bài Romance đầu tay, tôi phổ thơ của Chu Hoạch: “Sau khi biết em/ Anh mới gặp mình thức đêm đến thế/ Trước đó là những đêm anh ngủ ngoan như đứa bé/ Chẳng kể mùa hè, chẳng kể mùa đông/ Nay biết em rồi anh mới hiểu độ sâu nông/ Của những đêm đèn không nhắm mắt…”. Là một họa sĩ và nhà thơ “chân đất”, Chu Hoạch chỉ làm thơ tình, không làm thơ chính trị, vì vậy lúc đó là “có vấn đề” và gặp nhiều phiền toái.

Từ những bản Romance đầu tay đó, tháng 11/1978 đã được biểu diễn trong một Rescital riêng của tôi ở Hội Nhạc sĩ, chương trình bao gồm cả khí nhạc và thanh nhạc gồm 5 bản Romance và 1 bản cho giọng Soprano với 2 piano. Toàn bộ phần piano do tôi chơi. Có thể coi đó là một Rescital của một tác giả. Người đầu tiên hát cả 5 bản Romance của tôi khi đó là NSND Trung Kiên. Sau đó tôi vẫn viết Romance nhưng phải tới năm 1986, được sự cộng tác chặt chẽ của nhà thơ Phan Đan về ca từ (cũng là một nhà thơ “có vấn đề” hồi đó vì làm thơ siêu thực) tôi đã viết tới 60 bài trong một năm. Rồi hoàn thiện phần piano và tuyển chọn lại, năm 2006 tôi ra mắt tập “Tuyển chọn 60 Romance và Ca khúc cho giọng hát và piano”.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, văn nghệ chưa được “cởi trói”. Hà Nội và cả nước oằn mình dưới cơ chế “bao cấp”, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Chính trong những năm tháng ấy, ca sĩ Ái Vân, người bạn từ thuở học trò của tôi đã giúp tôi thu thanh và biểu diễn khoảng 20 bài trong tập Romance đó. Hát không thù lao với tất cả tấm lòng, chính nhờ Ái Vân mà những bài như “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Tiếng mùa xuân”, “Cơn mưa sang đò”… đã tới và được công chúng yêu mến. Chỉ tiếc rằng với điều kiện thu thanh lạc hậu khi đó, những băng ghi âm bây giờ chỉ được giữ như những kỷ niệm của một thời.

PV: Là một người sáng tác nhạc, những ca khúc đã đi vào lòng người như một sự lắng đọng và đầy tinh tế, nhạc sĩ nhìn nhận như thế nào về hiện tượng ca từ đang trở nên méo mó trong dòng nhạc thị trường hiện nay?

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Đúng là trong những năm trở lại đây, dòng nhạc thị trường đã và đang xâm lấn thế giới âm nhạc của chúng ta rất mạnh mẽ và ồ ạt. Không thể nói rằng hiện nay không có những bài hát hay và ý nghĩa, nhưng những bài hát đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Cũng không thể trách cứ hay lên án nặng nề những bài hát mang tính thị trường đó, bởi nhu cầu của người nghe là có thật, một bộ phận người yêu âm nhạc lại yêu thể loại và những ca từ đó thì chúng ta cũng chẳng làm gì được. Dù sao tôi cũng là một người ở dòng nhạc khác, nhiều người nghe nhạc của tôi cũng không thích, không thấy hay, nhưng điều đó không có nghĩa là dòng nhạc của tôi là không tốt. Chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều điều lệch chuẩn, cho nên những món ăn tinh thần cũng méo mó theo. Đầu óc con người bị che lấp bởi những giá trị sai lệch và bị hướng dẫn bởi đời sống âm nhạc thị trường khiến người nghe bây giờ khó mà cưỡng lại được. Tại sao giới trẻ khó chọn lọc được, đó là do các em được biết đến xã hội quá sớm. Cho nên việc chọn lựa các món ăn tinh thần của giới trẻ cũng trở nên lệch lạc. Tôi không muốn chỉ trích dòng nhạc mà mọi người vẫn gọi là dòng nhạc thị trường, nhưng dù sao cũng cần chọn lọc một cách kỹ lưỡng. Nhiều người giọng hát được cho là “thảm họa” cũng vẫn tự mình cho mình là ca sĩ.

Hiện nay, chúng ta có thể nói rằng, khoa học công nghệ cũng đã làm nên những kỳ tích. Như trước đây, các ca sĩ phải gồng mình lên để hát những nốt khó, những nốt cao và đối với những bản nhạc khó thì người ca sĩ phải tự nỗ lực rất lớn. Nhưng hiện nay, khi sử dụng công nghệ âm thanh hiện đại thì chỉ cần hát một lần, đưa vào máy tính thế là mọi việc coi như xong. Nhiều bài hát của tôi rất ngắn, chỉ vài câu thơ thôi và chỉ hát một lời, như vậy người nghe được thưởng thức cả về giai điệu, cả về lời hát. Người nghe cũng tập trung.

PV: Vậy theo ông, chúng ta nên làm thế nào trước thực trạng này?

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Theo tôi, cần phải có những chiến lược về giáo dục ngay từ trong nhà trường, bởi tôi thấy hiện nay việc cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là các dòng nhạc có chiều sâu của các em rất ít. Tôi thấy môn văn học và âm nhạc có liên quan rất nhiều đến nhau. Ngày nay, việc cảm thụ văn chương của các em dường như rất nông. Các em đang được đào tạo bằng một phương cách có vẻ tây hóa khiến cho việc cảm thụ văn của các em như người ta vẫn gọi là “words by words”, không mang chiều sâu của từ Hán. Cho nên việc cảm thụ âm nhạc của các em cũng như vậy. Không chỉ giảng dạy trong nhà trường, bên cạnh đó việc phát triển văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng phải từ phía các nhà quản lý. Bên cạnh một đời sống nhạc trẻ sôi động phải có những ưu tiên, khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao như giao hưởng, thính phòng, opera… Nếu không, đến một lúc nào đó, nhìn vào nền âm nhạc Việt Nam, chúng ta sẽ thấy chỉ là các ca sĩ được tạo ra bằng công nghệ lăng xê và các nhạc sĩ viết ca khúc quần chúng. Cần phải có những đầu tư chiến lược, có trọng điểm cho âm nhạc, để có được một khu vườn âm nhạc trong tương lai, với rất nhiều cỏ xanh tươi tốt, nhưng cũng đồng thời có được những cây cổ thụ lớn…

PV: Xin chân thành cảm ơn nhạc sĩ!

Diệu Thuần (thực hiện)

Năng lượng Mới số 134, ra thứ Ba ngày 3/7/2012