Nhà thơ Tố Hữu còn mãi trong lòng bạn văn

11:47 | 05/12/2012

2,593 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes)- Nhân dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (2002-2012), sáng qua tại Hội nhà văn Việt Nam, bạn văn và những người mến mộ thơ Tố Hữu đã tề tựu để tưởng nhớ nhà thơ lớn của dân tộc.

 

 

Trong hơn 70 ăm hoạt động cách mạng và làm thơ của mình, những người mến mộ và dõi theo con đường văn chương đều thấy được trong cố nhà thơ Tố Hữu một hồn thơ hảo sảng đầy tính nhân văn mà vẫn gần gũi lạ kỳ. Con đường thơ của ông dường như cũng cùng một mạch nối với những sự kiện lớn của dân tộc, mỗi mạch cảm xúc trong tâm hồn con người tài hoa này đều rung lên khi đất nước có biến. Chả thế mà, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã gọi ông với cái tên gần gụi “nhà thơ của nhân dân”.

Đã 10 năm Tố Hữu không còn hiện hữu giữa cuộc đời, nhưng thơ ông vẫn được bạn bè nhắc đến trân trọng và nâng niu,  những tác phẩm sống mãi với thời gian khi theo chân thế hệ trẻ trên ghế nhà trường và đi khắp năm châu bốn bể. Thế nên, cuộc gặp mặt giữa các bạn văn và những người yêu mến thơ Tố Hữu tự thân đã hết sức dung dị nhưng ấm cúng như chính phong cách, tâm hồn nhà thơ này.

Trong buổi lễ tưởng niệm, Giáo sư Phong Lê thực sự xúc động khi nói về thơ Tố Hữu: Với tư cách là người đọc thơ Tố Hữu, tôi muốn nói rằng thơ ông để lại trong tôi ba ấn tượng lớn đó là được đọc nhiều nhất, lâu nhất, được thuộc nhiều nhất và được viết nhiều nhất. Không chỉ nổi danh với những đề tài thơ cách mạng, Tố Hữu còn có đóng góp lớn trong cuộc cách mạng thơ mới về ngôn từ và cách đề cập vấn đề luôn mới mẻ giàu tính triết lý. Cùng với Từ Ấy, Gió Lộng...với những câu thơ rất đỗi giản dị nhưng giàu xúc cảm: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Thơ ông cứ thế đi vào trái tim mỗi người một cách tự nhiên thẳng thắn và còn là tiếng nói của triệu triệu trái tim người Việt.

Nhà thơ Vương Trọng lại nhớ về cố nhà thơ Tố Hữu với một sự dí dỏm riêng. Ông cho rằng: "Nếu Hội Nhà văn Việt Nam có mở một cuộc thi xem ai thuộc thơ của Tố Hữu nhất thì tôi chắc chắn mình sẽ có giải thưởng, ít ra cũng là giải khuyến khích. Nói như vậy để chứng tỏ rằng, tôi yêu thơ Tố Hữu đến nhường nào. Tôi đã thuộc lòng hai tập thơ Từ ấy và Việt Bắc kể từ khi tôi học cấp 2, hơn cả tôi nhận ra rằng viết thơ về mảng sự kiện, nhân chứng thì thơ Tố Hữu nổi tiếng nhất, bằng chứng là các bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc, Mẹ Suốt...”

Theo đó nhà thơ Vương Trọng đã trích dẫn rất nhiều thơ Tố Hữu khiến cả khán phòng được sống lại không khí tươi mới, hảo sảng mà thơ Tố Hữu đem lại.

Nhà thơ Tố Hữu được bạn văn nhắc đến không chỉ bởi với tâm thế của một nhà thơ, mà ông còn là một nhà hoạt động cách mạng lão thành. Tố Hữu đã từng phát biểu: "Đối với tôi, làm thơ là làm cách mạng bằng thơ", có lẽ vậy mà nhà văn Lê Thành Nghị đã nhắc đến ông trong hình ảnh của một nhà thơ cách mạng: "Với Tố Hữu, thơ là một hình thức hoạt động cách mạng tự nguyện từ trong chính máu thịt của ông. Đó là lý do để thơ của ông đập cùng một nhịp với tình cảm của thời đại. Thế nên, thơ Tố Hữu dễ dàng tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn biết bao thế hệ. Công chúng thích thơ Tố Hữu không chỉ là ở câu chữ hay, kết cấu chặt mà còn ở cái tình người sâu đậm xuất phát từ trái tim đầy rung cảm của ông”.

Còn nhiều và còn nữa những tình cảm chân thành của những nhà văn, nhà thơ, người mến mộ thơ ông sẽ còn đọc, còn thuộc rồi truyền dạy thơ ông đến với muôn đời sau. Trong lễ tưởng niệm, nhiều người dưng dưng khi nhớ đến ông và tin tưởng rằng: Ông vẫn còn đó, dõi theo và song hành với sự nghiệp thi ca và con đường cách mạng dân tộc. Cuối buổi tưởng niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Nhắc đến Tố Hữu, trước hết chúng ta nhớ đến một nhà cách mạng và sự nghiệp thứ hai của ông là thơ ca” hai con đường đã trở thành chân lý sống của người lão thành cách mạng đa tài và một hồn thơ lớn của dân tộc.

Được biết, nhân dịp tưởng niệm nhà thơ, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã để đạt nguyện vọng muốn xúc tiến sớm việc đặt tên một đường phố Hà Nội mang tên nhà thơ Tố Hữu. Theo ông, việc làm này vừa mang ý nghĩa tôn vinh một nhà cách mạng, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ sau.

Đáp lại thịnh tình của bạn bè văn chương và người mến mộ dành cho cha mình, bà Nguyễn Thanh Hoa (con gái trưởng của nhà thơ Tố Hữu) – đại diện gia đình nhà thơ bày tỏ lòng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình và bạn đọc đã dành sự quan tâm và yêu mến đối với cha mình.

 

Huy An