Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những chia sẻ về người mẹ là bà giáo làng
Lên 5 tuổi, mẹ tôi đã được ông ngoại mời một thầy dạy tiếng Pháp mỗi tuần đi xe từ Hà Nội về dạy. Gia đình ông bà ngoại tôi là “địa chủ” nhưng được quy là “địa chủ kháng chiến”.
![]() |
Nghĩa là ông bà ngoại tôi đã thường xuyên cung cấp gạo và tiền cho Việt Minh. Hơn nữa hai người anh trai mẹ tôi đã tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi. Vì thế mà trong cải cách ruộng đất, gia đình ông ngoại tôi không phải gánh chịu những chuyện đau lòng.
Bây giờ nhà ông bà ngoại tôi vẫn còn nhà ngang nhà dọc, hồ bán nguyệt trồng sen, bể đựng nước mưa lớn đủ dùng cho gia đình trong vài ba năm liền nếu không có mưa. Nhưng thứ hấp dẫn tôi nhất là tủ sách của gia đình ông bà ngoại tôi.
Ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước mà một gia đình ở nông thôn có một tủ sách với ngót hai ngàn đầu sách thì quả là một tài sản khổng lồ. Và tôi đã được hưởng cái tài sản chữ ấy.
Khi còn nhỏ, nhất là vào những đêm mùa đông rét buốt, vì hồi đó chẳng có quần áo ấm, anh chị em tôi nằm co ro trong ổ rơm bên một chậu than củi. Khi chúng tôi chìm vào giấc ngủ là lúc mẹ bắt đầu soạn giáo án cho lớp học hôm sau.
Mẹ tôi thức rất khuya và chỉ chợp mắt được một lúc lại dậy nấu cám lợn, tưới rau, gánh nước và nấu ăn cho chúng tôi rồi lên lớp. Hầu như tất cả các thầy, cô giáo dạy học ở nông thôn đều vất vả như thế.
Hồi chiến tranh, có một thời nhà tôi trở thành lớp học vì trường lớp bị hư hỏng và các lớp học cũng không tập trung sợ bị ném bom. Sáng nào mẹ tôi cũng dậy sớm quét dọn lớp và lau bảng cho học sinh.
Vào mùa thu hoạch khoai, thi thoảng mẹ tôi lại luộc một nồi khoai để trong lớp cho học sinh của mình ăn thêm vì sợ chúng đói. Mùa đông thì mẹ tôi thường rang ngô cho học sinh của mình ăn thêm.
Khi tôi học cấp ba, nếu khi nào mẹ ốm, không có giáo viên dạy thay, mẹ lại bảo tôi trông lớp cho mẹ. Tôi cứ dùng giáo án mẹ tôi đã soạn kỹ lưỡng mà dạy các em. Nhưng chủ yếu các em chỉ thích tôi kể chuyện.
Thế là những câu chuyện tôi đã đọc được trong sách đều mang ra kể cho các em nghe. Đặc biệt các em rất thích nghe kể chuyện Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Câu chuyện này được các em yêu cầu kể đi kể lại nhiều lần.
Về hưu, mẹ tôi mở một quán bán tạp hóa nhỏ ở ngay đầu ngõ. Mỗi khi về quê, tôi thường ngồi với mẹ trong quán và nghe mẹ kể mọi chuyện trong làng ngoài xóm. Rất nhiều câu chuyện tôi viết về làng là nghe mẹ kể.
Thi thoảng có một người nông dân đi qua dừng lại và kính cẩn chào mẹ tôi: “Em chào cô ạ!”. Họ là những học sinh cũ của mẹ tôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11 là những học sinh cũ của mẹ tôi đang sống ở làng lại mang một bó hoa đến chúc mừng mẹ tôi.
Họ ở nhiều thế hệ, có nhiều người đã thành ông, thành bà nhưng ai gặp mẹ tôi cũng kính cẩn chào cô giáo. Kể cả những con cháu trong họ thường gọi mẹ tôi bằng bà, bằng cụ cũng chào mẹ tôi như vậy khi đến chúc mừng mẹ tôi.
Mấy năm cuối đời mẹ tôi không bán quán tạp hóa nữa. Nhưng mẹ tôi có giữ lại một cuốn sổ. Cuốn sổ đó là để ghi tên những người còn nợ tiền mua hàng mà chưa trả. Theo thời gian ghi trong đó, tôi thấy có người nợ đến bảy, tám năm.
Nhưng vào một ngày, mẹ tôi đưa cuốn sổ ghi nợ cho tôi và sai tôi đốt đi. Mẹ tôi nói: “Có người có tiền nhưng không trả nợ, có người thì quên còn nhiều người túng thiếu quá chưa trả được. Con đốt cái sổ nợ cho mẹ, coi như mình giúp người ta một chút”. Nghe lời mẹ, tôi đã đốt cuốn sổ ấy.
Hồi mới tập làm thơ, tôi viết bài thơ “Vùng ngày riêng” tặng mẹ tôi. Đó là những buổi tối khi chúng tôi đi ngủ thì mẹ lại thắp đèn và chuẩn bị giáo án, bài vở để mai lên lớp dạy học trò.
Mẹ chẳng bao giờ hết việc. Mẹ phải sống và làm việc gấp đôi. Cả đời mẹ là vất vả, lo toan và sống cho người khác. Nhưng chưa bao giờ tôi dám đưa cho mẹ tôi bài thơ ấy. Một trong những lý do là bài thơ rất vụng về. Nay tôi chép lại bài thơ này và thầm nói: “Con kính tặng mẹ”.
Nguyễn Quang Thiều
Số Xuân 2016
-
Đại biểu Quốc hội: Phân cấp cho cấp xã là không khả thi
-
Bộ Công an công nhận Liên hiệp Hội Việt Nam đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” năm 2024
-
Mở đợt cao điểm toàn quốc ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
-
TP HCM thêm trang đăng ký tuyển sinh đầu cấp
-
TP HCM: Tiếp tục tuyển dụng viên chức y tế và giáo viên trong giai đoạn sắp xếp
- Vesak 2025: Tinh thần hòa bình và lòng từ bi lan tỏa toàn cầu
- Tử vi tuần mới (12-18/5/2025): Tuổi Tý phát triển rực rỡ, tuổi Ngọ khẳng định tài năng
- Tử vi tuần mới (5-11/5/2025): Tuổi Tỵ mọi sự hanh thông, tuổi Mùi động lực thăng tiến
- Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến