Nhà quản lý giáo dục đề nghị giữ nguyên khái niệm "học phí"

08:31 | 02/06/2018

349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên loay hoay thay đổi vấn đề mang tính kỹ thuật, trong khi nội tại ngành đang ngổn ngang nhiều việc phải làm.

Theo dõi cách giải thích khái niệm "học phí" và "giá dịch vụ đào tạo" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Hoàng Đức Bình (Trưởng văn phòng đại diện một đại học nước ngoài tại Việt Nam) cho rằng, ngay cả trường nước ngoài cũng không sử dụng khái niệm "giá dịch vụ giáo dục đào tạo".

Ông Bình cho rằng, dù là cơ sở đào tạo công hay tư, công thức tính tổng chi phí có thể hiểu nôm na là tổng các khoản chi phí của "đầu vào" nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục, đào tạo cộng với dự toán nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường (chẳng hạn trượt giá) và khoản lợi nhuận để tái đầu tư. Từ sự tính toán này, các trường sẽ cân đối số tiền phải thu với mỗi sinh viên và gọi là học phí.

Nhà quản lý giáo dục đề nghị giữ nguyên khái niệm
Sinh viên Đại học Nông Lâm TP HCM.

Ông Bình cho biết, trường nước ngoài cũng dùng từ tuition fee (học phí) chứ không gọi là price of education service (giá dịch vụ đào tạo). Mặt khác, sự tính toán để đưa ra mức tiền phải thu từ người học là công việc nội bộ của trường, người học không quan tâm đến chuyện đó. Họ chỉ muốn tìm hiểu với mức tiền phải trả, họ nhận được gì từ chương trình học, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Thêm nữa, từ "học phí" vốn trở nên quen thuộc, đơn giản và dễ hiểu với người dân. Từ trước đến nay, phụ huynh cho con đi học cũng chỉ quan tâm đến học phí với khái niệm là khoản tiền phải đóng cho trường khi học. Do đó, việc sử dụng khái niệm khác như "giá dịch vụ đào tạo" không mang nhiều ý nghĩa, mất thời gian, trong khi ngành giáo dục còn nhiều vấn đề phải quan tâm hơn.

Sáng 30/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ đọc tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Dự luật đề cập đến khái niệm "giá dịch vụ đào tạo".

Theo ông Nhạ, việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" phù hợp với Luật giá, Luật Phí và lệ phí. Điều 105 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn quy định về học phí. Đó là khoản tiền người học phải nộp để trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục đào tạo. Cơ chế xác định và thu học phí được đổi mới theo Luật giá, cụ thể mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

Đến dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, căn cứ theo Luật giá, Luật phí và lệ phí, phí các loại dịch vụ, kiểm định được quy thành giá theo Luật giá. Điều 65 dự luật nêu rõ giá dịch vụ đào tạo là tất cả chi phí dịch vụ đào tạo tính đúng tính đủ mà cơ sở đào tạo cung cấp.

Cụ thể, giá dịch vụ đào tạo không chỉ có học phí mà còn chi phí Nhà nước đặt hàng đào tạo, chi phí tuyển sinh… Những dịch vụ Nhà nước đặt hàng phải áp dụng theo Luật giá, theo khung giá Nhà nước, chứ không tùy tiện.

"Chất lượng giáo dục đào tạo, trình độ giảng viên, nghiên cứu khoa học, việc làm sau tốt nghiệp... mới là điều phụ huynh và người học quan tâm. Nếu sản phẩm họ nhận được thỏa mãn thì học phí hay giá lúc này không phải vấn đề" - ông Bình bày tỏ quan điểm và cho rằng, Bộ chỉ nên hướng dẫn nhà trường minh bạch các khoản thu, còn chi tiết phải theo hướng dẫn từ ngành Tài chính. Đây cũng là biểu hiện cho tính tự chủ của trường đại học.

Không bình luận sự chính xác khi sử dụng "giá dịch vụ đào tạo" hay "học phí", GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) nói: "Có thể theo giải thích của Bộ Giáo dục, sự thay đổi này để phù hợp với một số quy định luật pháp khác, hoặc có nguyên nhân sâu xa nào khác. Song theo thông lệ quốc tế, không ai gọi là giá. Họ vẫn dùng từ học phí và mức phí này cũng linh hoạt".

Cụ thể, ở một trường đại học, sinh viên ngành hóa học có thể đóng học phí cao hơn so với sinh viên ngành kinh tế, bởi họ phải sử dụng nhiều loại hóa chất ở phòng thí nghiệm với chi phí cao. Hoặc, mỗi sinh viên phải đóng mức phí khác nhau nếu họ có nhu cầu khác nhau với những dịch vụ, tiện ích ở trường như sân chơi thể thao, hồ bơi, nhà ăn...

Song, tất cả đều được gọi là phí, hội sinh viên có quyền phản biện nếu trường điều chỉnh phí tăng lên mà không thỏa đáng. Thậm chí, cũng là phí nhưng các trường công khai, sinh viên có quyền lựa chọn nơi học phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích cá nhân và tất cả được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Nếu là giá, sẽ có trục lợi, đầu cơ

PGS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, kỹ thuật, môi trường của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM khẳng định, bỏ qua yếu tố ngữ nghĩa thì "giá dịch vụ đào tạo" cũng không mang tính chính danh về pháp lý. Bởi trường đại học dù là công hay tư đều được hưởng ưu đãi của Nhà nước về chính sách, thuế phí trong quá trình hoạt động, do giáo dục, đào tạo được xác định là quốc sách. Với trường công, Nhà nước còn chi ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất từ ngày thành lập.

Nhà quản lý giáo dục đề nghị giữ nguyên khái niệm
Phòng thí nghiệm của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM)

Theo nguyên Chủ nhiệm bộ môn ôtô và cơ khí động lực (Đại học Bách khoa TP HCM), một sản phẩm dịch vụ được trao đổi bằng giá tức là thả nổi cho thị trường định đoạt, ắt sẽ có đầu cơ, hét giá trục lợi. "Đây là ngành đặc thù, được nhận nhiều ưu đãi nên sản phẩm nếu được định bằng giá là vô lý. Giá, nhất định sẽ có yếu tố trục lợi, hậu quả là người học lãnh hết" - ông Ninh nói.

Cũng theo chuyên gia này, từ trước đến nay, học phí của nhiều đại học, cao đẳng thay đổi theo thời gian, bởi mỗi khoản phí ẩn phía trong thay đổi theo thời giá trị trường. Song, tất cả khoản tiền phải đóng thông báo đến người học đều gọi là học phí. Do đó, cách lý giải học phí không bao trùm các khoản chi phí đào tạo để đề xuất thay đổi tên gọi trên của Bộ Giáo dục là việc làm "thừa thãi".

Về phía nhà trường, TS Trần Mạnh Thành - Hiệu phó trường Cao đẳng Bách Việt cho biết, từ trước đến nay việc thu học phí của các trường biến động theo yếu tố thị trường và nằm trong khung cho phép. Các trường có thể tăng học phí nếu cung cấp thêm những tiện ích mới cho người học.

Do đó, học phí mà trường thu đã bao gồm các khoản chi phí phục vụ cho việc đào tạo, dạy nghề có tính đến yếu tố giá đầu vào. "Về bản chất thì phí hay giá cũng là khoản tiền mà người học đóng theo đề xuất từ phía trường, trên thế giới họ cũng dùng từ phí (fee) chứ không dùng từ giá" - ông Thành cho biết.

Phó Giáo sư từng là lãnh đạo một đại học công lập lớn ở TP HCM khẳng định học phí mang tính chính danh, vừa phù hợp với quy định pháp luật, vừa thân quen với người dân nên không cần thay đổi tên gọi. Nếu thay đổi "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" sẽ khiến mọi thứ rối tung, kéo theo nhiều hệ lụy phiền toái.

Cụ thể, nếu là phí thì do Nhà nước kiểm soát trong khi giá thì thả nổi thị trường, do các trường tự lo. Không ai dám chắc không xảy ra việc trường tự nâng "giá dịch vụ đào tạo" lên đột ngột, trong khi chất lượng vẫn như cũ. Người học lúc này sẽ không có tiếng nói, hoặc là tiếp tục theo đuổi hoặc là bỏ dở giữa chừng.

"Về dài hạn, việc nâng học phí cho các trường tự chủ tài chính là cần thiết để nâng chất lượng đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tất cả đều cần sự giám sát của Nhà nước, bởi hậu quả của việc thị trường hóa nền giáo dục là tai hại khó lường" - ông bày tỏ.

VNE