Nhà báo, nghề báo hôm nay

08:17 | 21/06/2013

1,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hơn một năm nay, hoạt động báo chí sôi động hẳn lên và bạn đọc cũng háo hức chờ đợi thông tin từng ngày, từng giờ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Và về cơ bản, báo chí đã đáp ứng được sự mong chờ của độc giả.

Bùi Đức (NLM số 232)

Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 4, tiếp đến Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) của Đảng. Những bước đột phá, những mục tiêu mà Đảng ta đề ra phù hợp lòng dân đã từ lâu trông đợi nên tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội. Do đó, sau những hội nghị này, báo chí đã làm cầu nối cung cấp thông tin cho bạn đọc về tiến trình triển khai nghị quyết. Đã lâu lắm mới lại có bầu không khí nóng lên trong làng báo như thế; và cũng lâu lắm những người làm báo mới lại được độc giả đón chờ thông tin như vậy.

Cùng với việc phản ánh kịp thời đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp của toàn đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, báo chí cũng mạnh dạn phanh phui nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Từ Vinashin, Vinalines đến những dự án thu hồi đất, xây dựng cơ sở hạ tầng khắp cả nước và hấp dẫn nhất là vụ bắt khẩn cấp Nguyễn Đức Kiên, vụ truy nã Dương Chí Dũng; gần đây nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Khi nền kinh tế suy thoái, lòng dân bất an và phẫn nộ khi thấy liên tục có những dự án thất thoát tiền của đều tính bằng hàng nghìn tỉ đồng. Báo chí đã góp sức cùng các cơ quan hành pháp vạch mặt, chỉ tên những kẻ sâu mọt, những nhóm lợi ích đang phá hoại đất nước. Đây là mặt mạnh của báo chí và cũng vì thế mà nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm.

Phóng viên đang tác nghiệp

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, chưa bao giờ đội ngũ truyền thông báo chí phát triển mạnh mẽ như bây giờ (gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ). Cả nước hiện có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm. Toàn quốc có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Trong lĩnh vực thông tin điện tử có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp nhưng có thể nói, báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân; thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Cùng với việc tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, báo chí cũng đã tập trung phản ánh một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tài chính tiền tệ, giá cả thị trường, quản lý và sử dụng đất đai, xuất khẩu hàng hóa, xóa đói giảm nghèo... Bên cạnh đó, những vấn đề nóng của nền kinh tế được cả xã hội quan tâm như sự phá sản của nhiều doanh nghiệp; nợ thuế và nợ ngân hàng của các đơn vị kinh tế tư nhân được báo chí phản ánh với thái độ khách quan, thận trọng, không gây bức xúc trong xã hội. Báo chí cũng đã đưa ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn đánh giá, dự báo trên tinh thần khách quan, xây dựng, góp phần xử lý những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống.

Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được báo chí kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc. Báo Quân đội nhân dân là tờ báo tiên phong và duy trì thường xuyên tuyên truyền đề tài này.

Chiến lược bảo vệ và khai thác tiềm năng biển đảo ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước đã được báo chí quan tâm phản ánh. Hàng nghìn tin, bài, ảnh về chủ đề biển đảo đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí còn làm tốt việc đấu tranh chống các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “diễn biến hòa bình”,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Thông tin trên báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài. Đối với các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, báo chí đã cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí chủ động tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, hỗ trợ đồng bào những vùng khó khăn, các đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động xuất sắc. Báo Năng lượng Mới tuy còn non trẻ nhưng đã tham gia rất tích cực những hoạt động xã hội này.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã biểu dương nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí. Đặc biệt là việc tổng kết và trao giải thưởng báo chí Quốc gia nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 hằng năm có ý nghĩa lớn trong đời sống báo chí nước nhà, tạo động lực cho báo chí đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, cũng với đà phát triển mạnh mẽ “trăm hoa đua nở” mà báo chí hôm nay còn nhiều điều đáng bàn; nhiều nhà báo cần phải tiếp tục rèn luyện tu dưỡng bản lĩnh nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn. Đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi nền kinh tế suy thoái, tiêu cực xã hội còn nhiều. Cổ vũ, động viên những nhân tố tích cực là mục tiêu hàng đầu của mỗi tờ báo nhưng trái lại, có nhiều ấn phẩm báo chí sa đà vào khai thác mảng tiêu cực, rút tít giật gân câu khách. Đó là chưa kể những tin, bài vu khống, xuyên tạc sự thật, làm mất uy tín của báo chí. Có những tờ báo nhiều lần bị nhắc nhở, thậm chí phạt tiền nhưng vẫn tái phạm. Sự ra đời của nhiều trang báo mạng chuyên sao chép lại từ báo khác, một báo viết sai dẫn tới hàng loạt báo đưa sai.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở đội ngũ những người làm báo: “Viết là để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu, nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ có phóng đại, có thế nào, nói thế ấy. Bộ đội, nhân dân ta có nhiều cái hay để nêu lên, không phải bịa đặt ra”. Chẳng những thế, một số nhà báo còn viết ẩu, sai cả chính tả ngữ pháp tiếng Việt, sáng tác ra những cụm từ mới lạ hoắc, như đánh đố bạn đọc. Trong khi Bác dạy phải viết “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”. Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao”.

Bạn đọc đã nhiều lần bức xúc góp ý với đội ngũ những người làm báo nhưng nhan nhản trên các ấn phẩm báo in, báo giấy, các kênh truyền hình, phát thanh những hạt sạn không đáng có. Những người làm báo chân chính phải nghiêm khắc hơn với bản thân mình, tôn trọng và chân thành tiếp thu ý kiến đóng góp của bạn đọc. Có như vậy mới hoàn thành sứ mệnh của người cầm bút, người đưa tin trung thực của thời đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

B.Đ